Vĩnh Phúc: Dự án CCN làng nghề Minh Phương không có việc huy động vốn mà kêu gọi nhà đầu tư
Đầy đủ hồ sơ pháp lý
Dự án Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương có tổng diện tích thu hồi đất là 33,3 ha đối với 485 hộ. Trong đó, có 14,07 ha thuộc địa phận thị trấn Yên Lạc và 19,3 ha thuộc xã Nguyệt Đức của huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc). Đến nay, huyện Yên Lạc đã thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) cho 478 hộ với diện tích 33ha, chiếm khoảng gần 100 % diện tích của dự án. Hiện, còn một số hộ dân ở thị trấn Yên Lạc đang đi làm ăn xa, qua liên lạc bằng điện thoại và thư tín, họ đã đồng ý với phương án bồi thường, GPMB và sẽ sớm về nhận khi điều kiện thích hợp nhất.
Phối cảnh Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương |
Là dự án Nhà nước thu hồi đất, đền bù, GPMB và đã được UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1081/QĐ - UBND ngày 7/4/2017; được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại Văn bản số 1567/TTg – NN ngày 9/11/2018 và đã có trong kế hoạch sử dụng đất năm 2018, 2019, 2020, 2021 của UBND huyện Yên Lạc.
Trao đổi với phóng viên đại diện huyện Yên Lạc cho biết: Ngày 3/8/2020, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định giao đất đợt 1 cho đơn vị với diện tích hơn 118.600 m2 theo Quyết định số 1926/QĐ-UBND. Tiếp đến ngày 18/5/2021, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra Quyết định số 1229/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 dự án Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương. Theo đó, tổng diện tích quy hoạch cụm công nghiệp sẽ tăng thêm 2.982m2 sau điều chỉnh. Ngày 25/11/2021, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có Quyết định 3216/QĐ-UBND về việc điều chỉnh quyết định giao đất đợt 1 theo điều chỉnh quy hoạch chi tiết được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt tại Quyết định số 1229/QĐ-UBND ngày 18/5/2021 với tổng diện tích được điều chỉnh là 120.494,2m2. Ngày 7/12/2021, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục ra Quyết định số 3347/QĐ-UBND giao đất đợt 2 cho chủ đầu tư với tổng diện tích 176.209,7m2.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dự án CNN Minh Phương |
Gần đây nhất là ngày 4/1/2022, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có Quyết định số 03/QĐ-UBND về việc đính chính nội dung Quyết định số 3347/QĐ-UBND ngày 7/12/2021 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc giao đất (đợt 2) cho Công ty Cổ phẩn Kehin thuê đất để thực hiện dự án Xây dựng – kinh doanh hạ tầng Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương tại thị trấn Yên Lạc và xã Nguyệt Đức với diện tích 176.209,7m2; hình thức cho thuê thuộc diện Nhà nước cho thuê trả tiền 1 lần cho cả thời gian thuê; thời gian thuê đất đến ngày 7/4/2066 (49 năm kể từ ngày Quyết định thành lập Cụm công nghiệp theo QĐ số 1081/QĐ-UBND ngày 7/4/2017).
Hiện nay, chủ đầu tư dự án Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao 296.704m2 để thực hiện việc đầu tư xây dựng hạ tầng theo đúng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được phê duyệt đối với phần diện tích đất được Nhà nước giao, cho thuê. Chủ đầu tư đã đóng đầy đủ tiền thuế thu đất, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.
Không có việc huy động vốn mà kêu gọi nhà đầu tư
Việc dư luận phản ánh về việc dự án Dự án Cụm Công nghiệp làng nghề Minh Phương huy động vốn. Phóng viên trao đổi với Luật sư Vũ Trường Hùng Giám đốc Công ty Luật An Bình cho biết: Điều 20, Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 về quản lý, phát triển cụm công nghiệp thì quyền của chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp được phép kêu gọi nhà đầu tư chứ không phải huy động vốn.
Luật sư Vũ Trường Hùng – Giám đốc Công ty Luật An Bình |
Dự án Cụm Công nghiệp làng nghề Minh Phương đi vào hoạt động sẽ góp phần xây dựng một khu sản xuất tập trung có quy mô hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ và sản xuất đồng bộ, đáp ứng yêu cầu sản xuất cho người dân.
Dự án Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương đang được Chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản đạt 90% |
Ngoài ra, Dự án cũng sẽ giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt tại thị trấn Yên Lạc. Ngành nghề chủ yếu hoạt động trong Cụm công nghiệp này là sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến gỗ, mộc dân dụng, phế liệu...
Khi đi vào hoạt động, Cụm Công nghiệp làng nghề Minh Phương dự kiến sẽ thu hút khoảng 260 doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng các hộ cá thể.
Dự án dự kiến sẽ tạo việc làm cho khoảng 8.000 - 10.000 lao động địa phương và các khu vực lân cận. Giải quyết việc làm, phân công lại lao động, từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; duy trì, phát huy làng nghề truyền thống góp phần phát triển kinh tế của địa phương.