Giáo dục truyền thống lịch sử địa phương - “đặc sản” giáo dục Tây Hồ
Quận Tây Hồ tiếp tục thi đua xây dựng "Trường học hạnh phúc" Tây Hồ: 5 thông điệp hưởng ứng tuần lễ học tập suốt đời năm 2024 Quận Tây Hồ: 100% trường học tập huấn chuyển đổi số trong giáo dục |
Tầm quan trọng của giáo dục truyền thống địa phương
Giáo dục lịch sử và văn hóa địa phương là yếu tố quan trọng trong việc hình thành nhân cách, tinh thần dân tộc và niềm tự hào với quê hương. Những năm qua, Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ đã xây dựng nhiều chương trình giáo dục lịch sử và văn hóa, từ đó truyền tải cho học sinh hiểu biết sâu sắc về giá trị di sản của địa phương. Việc này không chỉ giúp các em hiểu biết về nơi mình đang sinh sống mà còn khơi dậy tình yêu quê hương, giúp các em nhận ra rằng mỗi di tích, mỗi câu chuyện lịch sử ở Tây Hồ đều chứa đựng ký ức thiêng liêng của cha ông.
Tây Hồ là nơi hội tụ nhiều di sản quý giá như chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ, đền Quán Thánh và đặc biệt là đền Đồng Cổ. Các di tích này không chỉ là điểm đến thu hút du khách mà còn là những “bài học sống” giúp học sinh tiếp cận lịch sử một cách gần gũi và dễ nhớ. Những chuyến tham quan thực tế giúp các em có cái nhìn rõ ràng hơn về giá trị của sự bảo tồn và phát huy truyền thống.
Tập thể, cá nhân Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ đạt nhiều thành tích đáng ghi nhận trong các phong trào thi đua của toàn quận |
Trong số các hoạt động nổi bật, chương trình ngoại khóa tìm hiểu về di tích đền Đồng Cổ và Hội thề Trung Hiếu được tổ chức cho học sinh Trường THCS Đông Thái đã để lại dấu ấn sâu sắc. Tại đây, các em được tìm hiểu về di sản văn hóa và giá trị tâm linh của đền, tham gia vào các hoạt động như nghe kể chuyện, xem nghi lễ Hội thề Trung Hiếu, tham dự màn trống hội, vẽ tranh, thi tìm hiểu về lễ hội.
Đây là hình thức giáo dục trực quan giúp các em hiểu sâu hơn về lịch sử truyền thống của quê hương và nhắc nhở thế hệ trẻ không ngừng học tập, gìn giữ và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa địa phương.
Truyền cảm hứng yêu quê hương qua từng tiết học
Bà Trần Thị Hương, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ chia sẻ: “Không phải đến bây giờ việc giáo dục truyền thống lịch sử cho học sinh mới được triển khai. Cùng với dạy học văn hóa, ngành GD&ĐT quận luôn quan tâm đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống thông qua các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Qua đó, chúng tôi khơi dậy tinh thần trách nhiệm, niềm tự hào và trân trọng truyền thống lịch sử quý báu của dân tộc cho thế hệ trẻ”.
Em Gia Bảo, học sinh Trường THCS Đông Thái chia sẻ đầy tự hào: “Em rất vui và tự hào khi được sinh ra và lớn lên tại phường Bưởi, nơi có ngôi đền Đồng Cổ linh thiêng. Được nghe cụ Mưu kể chuyện về đền và xem cụ ông, cụ bà tái hiện nghi lễ Hội thề Trung Hiếu, em cảm thấy rất linh thiêng và tự nhủ phải cố gắng hơn trong học tập để xứng đáng với truyền thống của quê hương”.
Tiết học ngoại khoá Hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ của học sinh Trường THCS Đông Thái được sự quan tâm của lãnh đạo quận và Phòng. |
Ngoài ra, học sinh Trường Tiểu học Quảng An cũng có cơ hội tham gia lớp học ngoại khóa tại nhà các nghệ nhân làm trà sen Tây Hồ, tìm hiểu về quy trình chế biến trà và giá trị văn hóa truyền thống của nghề làm trà ở địa phương. Đây là một cách sáng tạo giúp các em có cái nhìn trực quan về văn hóa ẩm thực địa phương, từ đó thêm yêu và trân trọng các giá trị truyền thống.
Những nỗ lực trong giáo dục truyền thống lịch sử và văn hóa địa phương tại Tây Hồ đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của ngành giáo dục Thủ đô. Khi học sinh có được nền tảng hiểu biết sâu rộng về lịch sử, văn hóa của chính quê hương mình, các em sẽ ý thức hơn về trách nhiệm và nghĩa vụ đối với cộng đồng, đất nước.
Đây là minh chứng rõ ràng cho sự đóng góp của quận Tây Hồ vào sự phát triển giáo dục Thủ đô, góp phần đưa Hà Nội trở thành trung tâm văn hóa - giáo dục tiêu biểu của cả nước.