VietBank chính thức có tân Tổng giám đốc
Ông Bùi Xuân Khu làm Chủ tịch VietBank |
Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) đã chính thức bổ nhiệm ông Lê Huy Dũng giữ chức vụ Tổng giám đốc kể từ 8/3/2021.
Cùng ngày, VietBank cũng bổ nhiệm ông Nguyễn Tiến Sỹ giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc, nâng tổng số thành viên trong ban điều hành lên 7 người.
Được biết, ông Lê Huy Dũng SN 1967, tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc Dân và có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Ông Lê Huy Dũng - Tổng giám đốc VietBank |
Ông Dũng từng đảm nhận các vị trí lãnh đạo cấp cao tại Ngân hàng ACB và Tổng giám đốc Ngân hàng Đại Á.
Trước đó, ông Dũng bắt đầu tham gia vào công tác điều hành tại VietBank trên cương vị Phó Tổng giám đốc từ tháng 8/2017. Đến tháng 3/2020, ông Dũng được bổ nhiệm làm quyền Tổng giám đốc VietBank.
Cách đây ít ngày, Hội đồng quản trị VietBank cũng đã có nghị quyết thống nhất bầu ông Bùi Xuân Khu làm Chủ tịch nhà băng thay thế ông Dương Ngọc Hoà.
Về kết quả kinh doanh, kết thúc năm 2020, thu nhập lãi thuần của ngân hàng này đạt hơn 573 tỷ đồng, chỉ bằng chưa đến một nửa mức thực hiện năm 2019. Trong khi các hoạt động ngoài lãi được đẩy mạnh như lãi từ dịch vụ (+26%), lãi từ kinh doanh ngoại hối (gấp 5 lần), lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư (gấp 2.7 lần)…
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm đến 41% so với năm trước, chỉ còn gần 48 tỷ đồng, nhưng do lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm đến 35%. Do đó, lợi nhuận trước và sau thuế năm 2020 của VietBank giảm 34% và 32%, còn gần 403 tỷ đồng và gần 319 tỷ đồng.
Như vậy, VietBank chỉ thực hiện được 66% so với kế hoạch 613 tỷ đồng lãi trước thuế của cả năm 2020.
Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản của Vietbank đạt 91.660 tỷ đồng, tăng gần 33% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng tăng nhẹ lên hơn 44.345 tỷ đồng, chứng khoán đầu tư cũng tăng từ 10.601 tỷ đồng (đầu năm 2020) lên 27.537 tỷ đồng (cuối năm 2020).
Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu tính đến ngày 31/12/2020 tăng 46% so với đầu năm, lên mức gần 785 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 8%, nợ có khả năng mất vốn tăng 69% lên xấp xỉ 600 tỷ đồng, dẫn đến tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 1,32% lên 1,75%.