Đại hội thi đua yêu nước Bộ TT&TT lần thứ IV:

Việc 5 năm hãy làm trong 1 năm sẽ có phong trào thi đua sôi nổi

"Vì yêu nước mà phải đặt mục tiêu cao, tìm giải pháp đột phá. Và vì mục tiêu cao mà phải thi đua. Việc 5 năm hãy làm một năm, khi đó có phong trào thi đua sôi nổi, tạo ra những giá trị lớn lao", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dự Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Thanh Hóa lần thứ X Cô giáo người Mông và hành trình khiến 100% trẻ ở vùng đất "3 không" đến trường Phó Chủ tịch nước đánh giá cao phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Bắc Ninh

Nền tảng của thi đua là công việc hàng ngày

Chiều 12/10/2020, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IV (giai đoạn 2020-2025).

Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã dự và phát biểu tại Đại hội. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã biểu dương, ghi nhận và chúc mừng những kết quả tích cực đạt được từ các phong trào thi đua yêu nước của ngành thông tin và truyền thông trong 5 năm qua. Ông cho rằng: Công tác khen thưởng ngày càng đi vào nề nếp, kịp thời động viên, tôn vinh các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc. Công tác thông tin, tuyên truyền về các phong trào thi đua và biểu dương người tốt, việc tốt, nhân rộng điển hình tiên tiến được chú trọng.

Đại hội thi đua yêu nước Bộ TT&TT lần thứ IV: Việc 5 năm, làm trong 1 năm
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu chỉ đạo tại Đại hội. Ảnh: Theo TTXVN

Trong 5 năm qua, công tác thi đua khen thưởng đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy ngành Thông tin và Truyền thông nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ giao cho.

Toàn ngành đã chung sức thực hiện 4 phong trào thi đua do Trung ương phát động. Trong đó, với phong trào "Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới", không chỉ tập trung vào chỉ đạo tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức xã hội, ngành Thông tin và Truyền thông còn huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, mạng lưới công nghệ thông tin truyền thông đến các xã, phổ cập dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, đưa phát thanh truyền hình, sách, báo tới người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo.

Trong phong trào "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển", ngành đã hoàn thiện thể chế, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh để hội nhập quốc tế.

Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia 1400 và các chương trình quyên góp, thăm và tặng quà của ngành thông tin và truyền thông đã góp sức vào công cuộc "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau".

Cán bộ ngành Thông tin và Truyền thông cũng tích cực đổi mới chính mình, tự tu dưỡng, rèn luyện, thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng để tạo nên hình ảnh mới trong phong trào thi đua "Cán bộ công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở giai đoạn 2019-2025".

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng tổ chức nhiều phong trào thi đua tiêu biểu đem lại các kết quả tích cực như phong trào "thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao", phong trào "Lao động giỏi, lao động sáng tạo", "Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật"...

Trong giai đoạn 2015-2020, ngành Thông tin và Truyền thông đã có 3 chiến sỹ thi đua toàn quốc; 143 Huân chương Lao động các hạng; 118 tập thể được trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ, 1.114 tập thể được tặng Cờ thi đua của Bộ Thông tin và Truyền thông; 243 tập thể và cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 980 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua của Bộ; 5.642 tập thể và cá nhân được tặng Bằng khen của Bộ trưởng.

Đại hội thi đua yêu nước Bộ TT&TT lần thứ IV: Việc 5 năm, làm trong 1 năm
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Đại hội. Ảnh: Theo TTXVN

Phát biểu tại đại hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: "Thi đua phải lấy tinh thần yêu nước làm gốc. Yêu nước tức là góp phần mình để làm cho Việt Nam phát triển thịnh vượng vào năm 2045. Yêu nước là dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia. Yêu nước tức là phát triển và quản lý tốt báo chí, xuất bản. Vì yêu nước mà phải đặt mục tiêu cao, tìm giải pháp đột phá. Và vì mục tiêu cao mà phải thi đua. Việc 5 năm hãy làm một năm, khi đó có phong trào thi đua sôi nổi, tạo ra những giá trị lớn lao.

Bên cạnh đó, công việc hằng ngày của mỗi người chính là nền tảng của thi đua. Thi đua là việc của mỗi người. Thi đua là thông qua việc hàng ngày của mỗi người. Bởi vậy, mục tiêu cao là phải đến được từng người. Ngày nay, mỗi người đều có thể tiếp cận kho tri thức của nhân loại, có thể lập nhóm làm việc với bất kỳ ai, bất kỳ đâu, vì vậy, sức mạnh của mỗi cá nhân là vô cùng to lớn. Hãy giao việc lớn cho nhóm nhỏ. Hãy giao việc lớn cho mỗi cá nhân. Việc càng lớn, càng thách thức thì cơ hội xuất hiện nhân tài càng lớn.

Đại hội thi đua yêu nước Bộ TT&TT lần thứ IV: Việc 5 năm, làm trong 1 năm
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao bằng khen và quà lưu niệm tôn vinh các tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước Bộ TT&TT giai đoạn 2015-2020. Ảnh: Đoàn Bổng

Đồng thời, thi đua phải có mục tiêu, có tiêu chí rõ ràng, tạo ra giá trị và giá trị tăng thêm. Thi đua cũng phải có kế hoạch tỉ mỉ và phải do từng đơn vị nhỏ, từng cá nhân góp phần xây dựng nên từ chính nhiệm vụ hàng ngày, tự thấu hiểu mục tiêu của mình là gì, làm thế nào để đạt được, để có thể tự giác, tự nguyện thực hiện mỗi ngày. Bởi vậy phải tuyệt đối tránh sự chung chung, áp đặt hay cào bằng".

Đại hội thi đua yêu nước Bộ TT&TT lần thứ IV: Việc 5 năm, làm trong 1 năm
20 tập thể và 41 cá nhân đã được tôn vinh trong phong trào thi đua yêu nước Bộ Thông tin và Truyền thông giai đoạn 2015-2020. Ảnh: Đoàn Bổng

Tại Đại hội, Bộ trưởng Bộ Thông và Truyền thông đã trao bằng khen cho 20 tập thể và 41 cá nhân xuất sắc trong phong trào thi đua 5 năm qua.

Thi đua thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới

Tại Đại hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã đề nghị ngành thông tin và truyền thông tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Đó là nhận lãnh trách nhiệm tham mưu định hướng chiến lược cho đất nước trong lĩnh vực phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông; hoạch định chính sách phù hợp để huy động tối đa nguồn nhân lực và nguồn tài chính trong nước và quốc tế để đảm bảo hạ tầng thông tin tiên tiến nhất đáp ứng mọi nhu cầu phát triển cách mạng công nghiệp 4.0.

Bên cạnh đó, ngành cần tập trung phát triển hạ tầng bưu chính theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số trong bưu chính; chuyển dịch hạ tầng viễn thông sang hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông để thúc đẩy chuyển đổi số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển dịch từ chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số; đảm bảo an toàn, an ninh mạng đặc biệt trong thời gian diễn ra đại hội Đảng các cấp và các sự kiện quan trọng của đất nước. Ngoài việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng mạng 5G, Bộ cần sớm phê duyệt quy hoạch Trung tâm Dữ liệu quốc gia - một trụ cột không thể thiếu của cách mạng công nghiệp 4.0.

Đó là tổ chức thực hiện Đề án chuyển đổi số quốc gia và Chỉ thị số 01/CT - TTg ngày 14 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Đó là việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về báo chí truyền thông; đẩy mạnh công tác tuyên truyền kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ.

Đó là nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách hành chính, kiện toàn tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong theo các tiêu chí, điều kiện quy định tại các Nghị định khung về tổ chức các bộ.

Và cuối cùng là nâng cao vai trò các cấp ủy, tổ chức đảng trong chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Các phong trào thi đua cần xác định rõ mục tiêu, chủ đề, nội dung và biện pháp tổ chức thực hiện. Chú trọng khen thưởng đột xuất nhất là khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích mang tính đột phá, tích cực ứng dụng công nghệ 4.0, đam mê nghiên cứu, sáng tạo để phát triển các sản phẩm, mô hình dịch vụ kinh doanh mới, đưa công nghệ thông tin vào các ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội và phục vụ chuyển đổi số Quốc gia.

Thứ trưởng Phan Tâm đã thay mặt Bộ thông tin và Truyền thông phát động phong trào thi đua yêu nước của ngành trong giai đoạn 2020-2025 với 8 mục tiêu: chuyển đổi bưu chính thành hạ tầng của dòng chảy vật chất của nền kinh tế số; chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng của nền kinh tế số; đưa Việt Nam thành cường quốc an ninh mạng; chuyển đổi chính phủ điện tử thành chính phủ số; chuyển đổi gia công lắp ráp thành phát triển sản phẩm Make in Vietnam; phát triển các doanh nghiệp số Việt Nam; báo chí phản ánh trung thực dòng chảy xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, tạo đồng thuận và lan tỏa năng lượng tích cực; chuyển đổi từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số.

Tất cả để "Yêu nước là thi đua vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng".

Huyền My
Phiên bản di động