Văn hóa giao thông - Lá chắn vô hình
Văn hóa giao thông: Ngược đường, lao mình vào cửa tử Văn hóa giao thông: Thách thức “tử thần” Văn hóa giao thông: Ánh nến trong đêm |
Phát triển thành gánh nặng
Nhìn thẳng vào thực tế, sự phát triển không ngừng của đời sống kinh tế khiến số lượng phương tiện giao thông trở nên ngày càng dày đặc. Đó không còn là câu chuyện số lượng xe tính trên đầu người, việc ô tô cá nhân ngày càng phổ biến nhưng số lượng xe máy không hề giảm đi, tiếp tục là phương tiện thông dụng phục vụ cả mục đích đi lại và kiếm tiền của người dân đang thực sự gây sức ép lên hệ thống hạ tầng giao thông.
Trẻ vị thành niên điều khiển phương tiện giao thông |
Kéo theo đó là vấn đề ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn,.., đặc biệt làm gia tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Nhìn ra ngoài phạm vi các thành phố lớn, điều kiện kinh tế khá hơn nên việc sở hữu chiếc xe máy cũng trở nên dễ dàng. Nhiều gia đình hoặc chủ quan, hoặc thiếu hiểu biết nên đã giao xe cho những đứa trẻ mới 13, 14 tuổi thậm chí nhỏ hơn sử dụng mà không biết rằng đang gián tiếp đẩy con cái vào lưỡi hái tử thần.
Những đứa trẻ ấy về luật pháp chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện, về nhận thức chưa được học Luật giao thông đường bộ, và càng không đủ thể lực hay trí tuệ để làm chủ hành vi của mình. Đến khi xảy ra tai nạn, gánh chịu hậu quả không ai khác là người điều khiển phương tiện và thân nhân của họ.
Nhắc lại sự việc xảy ra hồi tháng 5/2019, em Nguyễn Bá Nguyên (SN 2005) điều khiển xe máy mang BKS 43L1-6099 chở theo em Nguyễn Hà (SN 2002, cùng trú tại phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) di chuyển trên đường Trường Chinh, theo hướng từ cầu vượt Hòa Cầm về khu vực nút giao thông khác mức Ngã ba Huế.
Khi chạy đến trước số nhà 281 Trường Chinh (phường An Khê, quận Thanh Khê), do không làm chủ được tốc độ nên xe máy đã lao vào vỉa hè bên phải, làm hai thiếu niên ngã xuống đường. Hậu quả, em Hà ngồi sau tử vong tại chỗ, còn em Nguyên may mắn chỉ bị thương nhẹ và được người dân đưa đi cấp cứu. Vụ tai nạn giao thông đã để lại nỗi đau, sự mất mát cho gia đình các em học sinh đang trong độ tuổi cắp sách tới trường.
Văn hóa giao thông cần được lan tỏa |
Đó là chưa kể tới hệ thống đường giao thông, biển báo hay lực lượng Cảnh sát giao thông ở nông thôn, miền núi chưa thể hoàn thiện như tại các thành phố lớn. Để chờ đợi sự cưỡng chế chấp hành luật có lẽ không hiệu quả với một số vùng dân cư đặc trưng.
Giải pháp toàn diện?
Với điều kiện kinh tế như ở nước ta, khó lòng đòi hỏi sẽ có ngay một hệ thống giao thông phát triển đồng nhất, các thiết bị tín hiệu hiện đại ở khắp nơi hay lực lượng Cảnh sát giao thông thường trực trên mọi tuyến đường từ nông thôn tới thành thị.
Người dân muốn tự bảo vệ tính mạng, sức khỏe của bản thân và những người xung quanh, chỉ còn cách duy nhất biến hiểu biết về an toàn giao thông thành hành động, thói quen thường trực.
Muốn tạo dựng ý thức về an toàn giao thông, gia đình, nhà trường cùng các tổ chức giáo dục xã hội đóng vai trò vô cùng quan trọng. Từ lứa tuổi học sinh, các thanh thiếu niên cần được truyền đạt kiến thức về văn hóa giao thông, kỹ năng tham gia giao thông an toàn, tìm hiểu những quy định của Luật Giao thông đường bộ như: Cách tham gia giao thông và điều khiển các loại phương tiện đảm bảo an toàn; phân biệt các loại biển báo giao thông; quy tắc tham gia giao thông, độ tuổi được phép điều khiển các loại phương tiện có động cơ; kỹ năng lái xe an toàn; lựa chọn và sử dụng đội mũ bảo hiểm đúng quy cách; phân biệt các hành vi đúng, sai của người tham gia giao thông.
Tính mạng con người không phân biệt già trẻ, nam nữ, càng không phân biệt người nông thôn hay thành thị. Bởi vậy câu chuyện văn hóa giao thông, ý thức giao thông không thể bó hẹp trong phạm vi một thành phố. Nó không phải là thước đo trình độ văn minh, văn hóa giao thông cần trở thành tấm lá chắn vô hình nhưng hữu hiệu, bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho mỗi người, mỗi phương tiện giao thông.