Để văn hóa giao thông trở thành nét đẹp của người dân Thủ đô...

Thói quen ứng xử có văn hóa, đúng pháp luật khi tham gia giao thông không chỉ giúp giảm tai nạn mà còn góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Truyền thông “Thanh niên với văn hóa giao thông” trên mạng xã hội Đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng văn hóa giao thông trong Nhân dân Trang bị kiến thức, kỹ năng văn hóa giao thông cho sinh viên Khối các cơ quan Trung ương

Hình thành thói quen dùng phương tiện giao thông công cộng

Trong những năm gần đây, hệ thống giao thông công cộng của thành phố Hà Nội đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, trở thành loại hình vận tải hành khách chủ lực.

Hà Nội hiện đã lên tới hơn 8,3 triệu dân. Theo thống kê, Thủ đô đang có khoảng 7,78 triệu phương tiện, trong đó có hơn 1 triệu ô tô và hơn 6,5 triệu xe máy, gần 200 nghìn xe máy điện. Con số này chưa bao gồm phương tiện của lực lượng vũ trang, xe biển ngoại giao, biển quốc tế và của các tỉnh khác lưu thông trên thành phố. Để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông của Hà Nội, hệ thống giao thông công cộng đã được chú trọng phát triển nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân. TP Hà Nội không chỉ mở thêm các tuyến xe buýt chạy về những khu vực xa trung tâm mà còn tăng cường kết nối giữa các điểm giao thông công cộng, tạo thuận lợi cho hành khách. Điều này cũng khiến người dân hình thành thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Tại Hội thảo "Giải bài toán phát triển giao thông đô thị" được Báo Lao Động tổ chức mới đây, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Hà Nội Metro cho hay, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông được chính thức đưa vào vận hành khai thác gần 3 năm, bước đầu cho thấy hiệu quả của phương tiện giao thông công cộng.

Tuyến đã được đông đảo người dân ghi nhận là phương tiện đi lại nhanh chóng, an toàn, xanh, sạch, đẹp. Hiện tại, mỗi ngày có trên 35 ngàn hành khách sử dụng tuyến ĐSĐT Cát Linh – Hà Đông là phương tiện đi lại trong đó 47% là những người đi làm, 45% là những người đi học và 8% còn lại là đi lại với các mục đích khác.

Để văn hóa giao thông trở thành nét đẹp của người dân Thủ đô...
Hành khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông

Nếu như thời gian đầu hành khách đi lại trên tuyến chủ yếu là những người đi trải nghiệm thì hiện tại đã trở thành hành khách đi lại thường xuyên bằng vé tháng với tỷ lệ bình quân trong ngày chiếm 70% đặc biệt khách đi lại bằng vé tháng trong giờ cao điểm chiếm trên 85%. Điều này thực sự đã góp phần giảm thiểu mật độ phương tiện trên hành lang tuyến giờ cao điểm, từng bước giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Đồng thời, người dân đã giảm dần lệ thuộc vào xe cá nhân, thay vào đó là sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Để văn hóa giao thông trở thành nét đẹp của người dân Thủ đô...
Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Hà Nội Metro cho rằng, người dân Hà Nội đang hình thành nét đẹp văn hóa giao thông qua hệ thống giao thông công cộng.

Văn hóa giao thông được coi trọng

Cùng với thói quen sử dụng phương tiện công cộng, ý thức, văn hóa giao thông của người dân Thủ đô cũng đã dần nâng cao. Ông Trường cho biết, nếu như trong giai đoạn đầu, vẫn còn những hành vi chưa đẹp trên các nhà ga và trên tàu như: Vứt rác bừa bãi, nói chuyện ồn ào, không nhường ghế cho người già, phụ nữ, trẻ em,.... thì đến nay chỉ còn lại những hình ảnh đẹp về sự chấp hành nội quy đi tàu, về sự thân thiện giữa nhân viên quản lý vận hành của Hà Nội Metro với hành khách,.... Điều đáng mừng là văn hóa này đang từng bước lan tỏa sang các phương tiện công cộng khác ở Hà Nội như: tàu hỏa, xe buýt điện…

Và quan trọng hơn là bước đầu đã hình thành một số lượng lớn người dân luôn ưu tiên lựa chọn phương tiện công cộng làm phương tiện đi lại yêu thích, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng xanh, sạch, đẹp. Đây cũng chính là lực lượng tuyên truyền viên thúc đẩy sử dụng vận tải công cộng và giao thông xanh trong phát triển bền vững.

Bàn luận về văn hóa giao thông, nhiều chuyên gia khẳng định, việc xây dựng văn hóa giao thông trước mắt sẽ có tác dụng hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông trong điều kiện hạ tầng giao thông chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội. Về lâu dài, việc tuân thủ pháp luật về giao thông trong người dân sẽ góp phần tạo ra môi trường giao thông an toàn và văn minh hơn.

Để văn hóa giao thông trở thành nét đẹp của người dân Thủ đô...
Cần tăng cường hơn nữa giáo dục ý thức tự giác chấp hành luật lệ giao thông của người dân khi tham gia giao thông trên đường, khi dừng đỗ và cả khi sử dụng giao thông tĩnh.

Để xây dựng văn hóa giao thông, ngoài trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm của người thực thi công vụ về giao thông thì việc chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông và hành vi ứng xử có văn hóa của người tham gia giao thông là một trong các nội dung quan trọng nhất, có tính quyết định trong việc giảm thiểu ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông.

Vì thế, để văn hóa giao thông thực sự là một nét đẹp của Thủ đô ngàn năm văn hiến, cần tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền ý nghĩa, vai trò, khó khăn, thách thức của giao thông đô thị đối với một nước đang phát triển có tốc độ đô thị hóa nhanh và xe máy đang là phương tiện đi lại chủ yếu như Việt Nam hiện nay; giáo dục về ý thức tự giác chấp hành luật lệ giao thông của người dân khi tham gia giao thông trên đường, khi dừng đỗ và cả khi sử dụng giao thông tĩnh.

“Đặc biệt, cần nghiêm khắc phê phán những hành động chưa đẹp, thiếu văn hóa trong tham gia giao thông và tôn vinh những hình ảnh, những hành động đẹp của người tham gia giao thông. Làm được điều này, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân, chúng ta hy vọng Hà Nội ngày càng xanh, sạch, đẹp, xứng đáng là Thủ đô “Ngàn năm văn hiến” – TGĐ Hà Nội Metro nhấn mạnh.

Thái Sơn
Phiên bản di động