Hà Nội

Từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc người cao tuổi

Trong thời gian qua, thành phố Hà Nội tập trung thực hiện các chính sách trợ giúp người cao tuổi, tăng cường sức khỏe cho người cao tuổi như: Triển khai chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám sức khỏe định kỳ; Phát triển Khoa Lão khoa tại các bệnh viện đa khoa tuyến thành phố...
Vĩnh Phúc: Tập trung đầu tư hạ tầng phát triển du lịch cho thị trấn Tam Đảo Vĩnh Phúc: Tập huấn kiến thức về sàng lọc trước sinh, sơ sinh và khám sức khỏe tiền hôn nhân Vĩnh Phúc: Tổ chức truyền thông về sức khỏe sinh sản cho các đoàn viên, công nhân lao động

Đối mặt với già hóa dân số

Công tác dân số của Hà Nội cũng đang đứng trước nhiều thách thức do quy mô dân số lớn, tốc độ gia tăng dân số cơ học hàng năm ở mức cao, tốc độ già hóa dân số nhanh, mất cân bằng giới tính khi sinh còn ở mức cao…

Trong đó, tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh sẽ tác động đến mọi lĩnh vực đời sống kinh tế- xã hội - từ sự khủng hoảng nguồn nhân công, tăng áp lực với hệ thống y tế và lương hưu, hệ thống bảo trợ xã hội đến việc chăm sóc người cao tuổi về sức khỏe thể chất và tinh thần.

Nhiều hoạt động nâng cao sức khỏe cho NCT Thủ đô được tích cực triển khai. Ảnh: TL
Nhiều hoạt động nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi được các quận, huyện trên địa bàn Thủ đô tích cực triển khai

Vì vậy, vấn đề già hóa dân số và việc đề xuất các chính sách xã hội thích ứng với hoàn cảnh "chưa giàu đã già” không chỉ là mối quan tâm của riêng người cao tuổi, của một số Bộ, ngành có liên quan mà của toàn xã hội.

Theo thống kê, thành phố Hà Nội hiện có 1.069.456 người cao tuổi, chiếm 12,8% dân số. Người cao tuổi được hưởng đầy đủ các chính sách theo quy định (lương hưu, trợ cấp BHXH, bảo trợ xã hội, cấp thẻ bảo hiểm y tế, đi xe buýt miễn phí...).

Nhằm tăng cường sức khỏe cho người cao tuổi, thành phố đã thực hiện trợ giúp y tế như: Triển khai chăm sóc sức khỏe ban đầu; Khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ quản lý theo dõi sức khỏe người cao tuổi ở trạm y tế tuyến xã, ưu tiên nhóm người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên và từng bước mở rộng đến nhóm từ 65 tuổi trở lên.

Hà Nội phát triển Khoa Lão khoa tại các bệnh viện đa khoa tuyến thành phố; Phát triển mạng lưới nhân viên chăm sóc, thực hiện tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại nhà và cộng đồng.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, người dân ở các nước phát triển đã chuẩn bị sẵn lộ trình khi về già cả về tài chính và thời gian nhiều chục năm trước, còn người Việt "chưa giàu đã già”. Hầu hết người dân không chuẩn bị được tài chính từ khi còn trung niên để an dưỡng khi về già.

Nhu cầu chăm sóc toàn diện cho người cao tuổi ở Việt Nam rất lớn, hệ thống nhà dưỡng lão, trung tâm bảo trợ xã hội còn hạn chế về số lượng và chất lượng. Nước ta còn thiếu bác sĩ lão khoa, điều dưỡng lão khoa, nhân lực chăm sóc người cao tuổi.

Trước bối cảnh già hóa dân số đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng hoàn thiện các các mô hình, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người cao tuổi để thích ứng với già hóa dân số, góp phần đảm bảo cơ cấu dân số.

Chú trọng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, góp phần thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi; Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản từng bước nâng cao chất lượng dân số Thủ đô, thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn thành phố luôn được quan tâm, chú trọng.

Cụ thể, về công tác truyền thông, thành phố đã tổ chức nhiều đợt truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức cho lãnh đạo Đảng, chính quyền, ban ngành đoàn thể, các nhà hoạch định chính sách, chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng về thách thức của quá trình già hóa dân số, thực trạng và nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi nhằm xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, đầu tư kinh phí thích ứng với một xã hội già hóa.

Bên cạnh đó, ngành Y tế Thủ đô đã tăng cường nâng cao năng lực cho hệ thống y tế cơ sở, bao gồm cả trạm y tế xã, phường, thị trấn trong thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi.

Các quận, huyện thường xuyên tổ chức thực hiện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại trạm y tế xã, phường, thị trấn với các nội dung như: Tuyên truyền phổ biến kiến thức về rèn luyện thân thể, tăng cường sức khỏe và phòng bệnh, nhất là những bệnh thường gặp ở người cao tuổi; Hướng dẫn người cao tuổi các kỹ năng phòng bệnh, chữa bệnh và tự chăm sóc sức khỏe tại nhà; Khám, chữa bệnh cho người cao tuổi tại trạm y tế và nơi cư trú của người cao tuổi; Đồng thời hướng dẫn các cộng tác viên xây dựng kế hoạch chăm sóc sức khỏe cụ thể cho từng người cao tuổi.

Theo báo cáo của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) Hà Nội, hoạt động khám sức khỏe cho người cao tuổi cũng được đẩy mạnh, tỷ lệ khám sức khỏe người cao tuổi định kỳ 9 tháng năm 2023 đạt 79,25%, ước năm 2023 đạt 87% phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu được giao.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ Hà Nội Nguyễn Minh Xuân phát biểu tại hội nghị.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ Hà Nội Nguyễn Minh Xuân phát biểu tại hội nghị

Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ Hà Nội Nguyễn Minh Xuân cho biết, chủ đề của ngày Quốc tế người cao tuổi 1/10 năm nay là “Gia đình và xã hội hãy tạo điều kiện để người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích” thể hiện sự tôn vinh với những đóng góp của người cao tuổi trong xã hội.

Từ nay đến hết tháng 10/2023, thành phố phát động tổ chức kỷ niệm cao điểm rộng khắp trên địa bàn; Qua đó, tiếp tục khẳng định vai trò của người cao tuổi trong việc tuyên truyền, vận động để con cháu chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về công tác dân số, góp phần vào kết quả giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng dân số.

Phương Thu
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động