Từ vụ lừa bán combo du lịch giá rẻ: Người dân phải làm gì để lấy lại tiền?

Như đã đưa tin, vừa qua hàng trăm người dân đã dính “quả” lừa combo du lịch giá rẻ, còn chủ phòng vé có dấu hiệu “ôm” tiền chạy. Sau vụ việc này, điều được quan tâm là hành vi lừa đảo này sẽ bị xử lý ra sao, dấu hiệu nhận biết combo chuẩn
Chấn chỉnh tình trạng giảm giá tour du lịch nhưng cắt bớt dịch vụ Hàng trăm người sập bẫy lừa đảo combo du lịch giá rẻ, chủ phòng vé "ôm" tiền mất tăm? Kích cầu du lịch nội địa: Ngăn “loạn” cò mồi, chèo kéo du khách

Của rẻ là của ôi

Về dấu hiệu nhận biết combo du lịch chuẩn, ông Dương Tuấn Hoàng – Giám đốc một công ty lữ hành ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, điểm dễ nhận thấy nhất là mỗi combo du lịch thường bao gồm vé máy bay và khách sạn hoặc có thể thêm một số dịch vụ đính kèm như đưa đón sân bay, khu vui chơi… do các công ty du lịch, đại lý hay cá nhân bán với mức giá ưu đãi quảng cáo lên tới 50%, 70%. Song, cổ nhân đã có câu “tiền nào, của nấy”, "của rẻ là của ôi", nếu không tỉnh táo, khách hàng dễ hoa mắt vì giá rẻ nên nhanh chóng sập bẫy.

“Trước khi quyết định chi tiền mua combo du lịch, người dân cần thận trọng trước những lời mời chào hấp dẫn, kiểu như “trọn gói vé máy bay Vietnam Airlines khứ hồi, 3 đêm khách sạn 4 sao tại Nha Trang giá chỉ…3 triệu đồng”, bởi thực tế mức giá này là…không tưởng” – ông Hoàng nhấn mạnh.

ảnh 1

Một điểm bán combo du lịch giá rẻ tại Hà Nội đã đột ngột đóng cửa

Bên cạnh đó, giá combo thể hiện rõ ràng những dịch vụ khách hàng sẽ nhận được. Do vậy, không thể có com bo giá rẻ mà chất lượng phục vụ tốt. Ngoài ra, khi quảng cáo bán combo du lịch, đối tượng lừa đảo thường đưa ra những hình ảnh, clip các điểm đến trong hành trình rất lung linh, dịch vụ đầy đủ song thực tế lại khác xa quảng cáo.

Thực tế cho thấy, hầu hết những vụ lừa đảo không chỉ do người bán thủ đoạn tinh vi, đánh trúng tâm lý ham rẻ của khách hàng, mà còn do người mua chủ quan không tìm hiểu thông tin về đại lý, cá nhân bán những combo giá rẻ đó có đáng tin cậy không.

Cũng theo ông Hoàng, thông thường, các công ty lữ hành lớn và uy tín thường có các chi nhánh/đại lý ủy quyền. Việc để trở thành đại lý của những đơn vị này cũng cần phải tuân thủ quy định chặt chẽ. Họ cũng sẽ thường xuyên tiến hành kiểm tra chéo trong hệ thống nhằm hạn chế tình trạng đại lý lợi dụng lừa khách mua combo giá rẻ xong ôm tiền bỏ trốn. Bên cạnh đó, quy trình ghép khách, gửi khách cũng minh bạch, công khai, thông tin tour cung cấp cho khách hàng hoàn toàn chính xác…

Cần nhanh chóng tố cáo hành vi lừa đảo

Về chế tài xử lý đối với các đối tượng có hành vi lừa đảo combo du lịch, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, người dân khi thấy dấu hiệu lừa đảo cần phản ánh ngay sự việc tới cơ quan công an để được can thiệp, giải quyết kịp thời. Trong quá trình giao dịch với bên bán combo, người dân cần lưu lại các tin nhắn, thư điện tử, hóa đơn chuyển tiền…để làm bằng chứng sau này.

Khi nhận được phản ánh, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra xem người bán combo du lịch có thực hiện hành vi lừa đảo, có dấu hiệu bỏ trốn hay không, từ đó có biện pháp xử lý phù hợp.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, mỗi cá nhân trước khi quyết định đặt combo du lịch cần tìm hiểu kỹ chương trình chi tiết, thông tin chuyến bay, khách sạn, giá cả…và tiến hành ký hợp đồng du lịch với các điều khoản cụ thể.

Với những combo giá quá rẻ mà khởi hành vào các dịp cao điểm như hè, cuối tuần, du khách cũng nên cẩn trọng, xác thực thông tin đơn vị bán có thật sự uy tín hay không bằng cách so sánh giá combo với giá book lẻ máy bay, khách sạn; yêu cầu code vé máy bay để tự kiểm tra tình trạng vé trên trang web của hãng hàng không.

“Để tránh bị lừa, khách hàng không nên tham giá rẻ bất thường, hãy mua combo, tour du lịch của các công ty uy tín có thương hiệu trên thị trường. Với những combo du lịch có mức giá ưu đãi hấp dẫn, người dân phải thận trọng, tìm hiểu các thông tin liên quan đến bên bán, đề nghị xuất trình hợp đồng, hợp tác... giấy xác nhận của các khách sạn ký hợp đồng” - Luật sư Hòa khuyến cáo.

Nguồn: ANTĐ
anninhthudo.vn
Phiên bản di động