Trường quốc tế ở Đà Nẵng bị tố lạm thu
Trường quốc tế Singapore Đà Nẵng bị tố thu khoản phí đặt cọc không đúng quy định. Ảnh: AN |
Mới đây, một số phụ huynh trường Quốc tế Singapore tại Đà Nẵng (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, do Công ty cổ phần Kinderworld Việt Nam - đơn vị đầu tư và quản lý) đã phản ánh việc nhà trường lạm thu.
“Nhà trường thu các khoản ngoài luật”
Ông NVT. (một phụ huynh ở quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết, vào đầu năm học, gia đình đã trả trước 100% tất cả các khoản gồm phí ghi danh, học phí, học phí song ngữ, tiền ăn bán trú...
Tuy nhiên, nhà trường còn tự ý đặt ra một khoản phí gọi là phí đặt cọc năm học 2019-2020 là 8 triệu đồng/học sinh.
“Chúng tôi không đồng ý với lý do gia đình đã đóng trước mọi khoản phí cả năm học rồi nhưng nhà trường lại thu thêm khoản tiền cọc này là vô lý.
Chúng tôi đã yêu cầu nhà trường cấp phiếu thu nêu rõ mục đích đặt cọc và căn cứ pháp lý hoặc văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền về khoản tiền thu thêm này nhưng nhà trường giải thích lòng vòng và không cung cấp gì thêm”, ông T. bức xúc nói.
Nhưng để ghi danh đúng hạn cho con, ông T. đành phải chấp nhận đóng khoản tiền cọc vô lý này.
Theo phản ánh của phụ huynh thì khoản tiền đặt cọc này sẽ chỉ hoàn trả khi học sinh thôi học tại trường.
Trong khi nhiều học sinh học đến lớp 12. Như vậy, nhà trường đã thu và chiếm dụng vốn của phụ huynh trong một thời gian dài.
“Theo tôi được biết, khoản tiền này áp dụng thu cho toàn bộ học sinh lớp 1 và lớp 10 và đã thực hiện từ năm học 2018-2019.
Đây là hành vi chiếm dụng vốn của phụ huynh, khoản “phí đặt cọc” này nằm ngoài quy định của Luật Giáo dục" - một phụ huynh cho hay.
Nhiều phụ huynh đã bức xúc gửi đơn phản ánh đến các cơ quan chức năng, đề nghị làm rõ.
Có phải thỏa thuận dân sự?
Ông NVT. cho hay, trước phản ứng của phụ huynh thì đại diện công ty đã giải thích rằng việc thu phí này là một "thỏa thuận dân sự" giữa hai bên (nhà trường và phụ huynh). Và khi phụ huynh ký đơn nhập học cho con em là đã đương nhiên đồng ý thoả thuận này. Tuy nhiên, câu trả lời này không nhận được sự chấp nhận của các phụ huynh.
Phụ huynh cho rằng, thỏa thuận nói trên không nằm trong quy định của Luật giáo dục. Bởi trong Luật này không có điều khoản nào quy định về “phí đặt cọc”.
Theo văn bản trả lời phụ huynh của Công ty cổ phần Kinderworld Việt Nam thì khoản phí đặt cọc này hiện đang được áp dụng phổ biến, là khoản thu bắt buộc ở các trường quốc tế khác tại Đà Nẵng và Việt Nam.
Trường Quốc tế Singapore tại Đà Nẵng bắt đầu áp dụng khoản phí này từ năm học 2017-2018. Khoản phí này sẽ được áp dụng đối với học sinh mới nhập học và học sinh ở các bậc chuyển cấp trong hệ thống.
“Khoản phí đặt cọc được họ xây dựng trên cơ sở Điều 328 của Bộ luật Dân sự năm 2015 và tham khảo thực tiễn áp dụng của các trường quốc tế khác trên toàn lãnh thổ Việt Nam và Đà Nẵng nhằm đảm bảo việc phụ huynh sẽ thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ phát sinh trong quá trình học tập của học sinh tại trường.
Khoản phí đặt cọc này được hoàn trả lại cho phụ huynh khi học sinh thôi học tại trường sau khi đã khấu trừ các nghĩa vụ tài chính mà phụ huynh phải thực hiện (nếu có)", văn bản của Công ty cổ phần Kinderworld Việt Nam nêu rõ.
Cũng theo đơn vị này thì trong đơn đăng ký nhập học được ký bởi phụ huynh và nhà trường nhằm cam kết đầy đủ và cụ thể các khoản phí mà phụ huynh phải chi trả cho việc học tập của con em mình, trong đó, có khoản phí đặt cọc.
Đại diện sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng xác nhận đã nhận được đơn phản ánh của một số phụ huynh trường quốc tế Singapore Đà Nẵng.
Nhưng do đơn vị đang tập trung triển khai chấm thi trung học phổ thông quốc gia nên sau đó mới vào cuộc xác minh, làm rõ.
Liên quan đến khoản phí đặt cọc này có đúng quy định hay không, chúng tôi sẽ tiếp tục có bài viết phân tích về pháp luật quy định vấn đề này như thế nào?