Trong nước thiếu hụt, xăng dầu nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh

Mặc dù sụt giảm trong tháng 4 song lượng xăng dầu nhập khẩu vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2022 vẫn tăng cao.
Bộ Công thương yêu cầu tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chất lượng xăng dầu Nguồn cung xăng dầu trong nước quý II vẫn đủ dù chưa tính nguồn từ Nhà máy Nghi Sơn Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng xăng dầu xuống 12%

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 4/2022, lượng nhập khẩu xăng dầu vào Việt Nam là 789 nghìn tấn với trị giá là 860 triệu USD, giảm 39,6% về lượng và tăng giảm 36,6% về trị giá so với tháng trước.

Tính chung trong 4 tháng dầu năm 2022, Việt Nam đã nhập khẩu tới 3,42 triệu tấn xăng dầu các loại, với trị giá là 3,29 tỷ USD, tăng 20,4% về lượng và tăng 123,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Xét về thị trường, lượng nhập khẩu xăng dầu các loại vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2022 tăng ở thị trường Hàn Quốc, Brunei và Singapore nhưng giảm mạnh ở thị trường Malaysia và Thái Lan.

Cụ thể, Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc là 1,38 triệu tấn, tăng 106,3%; Brunei là 276 nghìn tấn, tăng 198%; Singapore là 450 nghìn tấn, tăng 2,6%. Trong khi đó, nhập khẩu từ Malaysia là 661 nghìn tấn, giảm 42,2%; Thái Lan là 308 nghìn tấn, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong nước thiếu hụt, xăng dầu nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh
Ảnh minh họa

Trong thời gian gần đây, vấn đề năng lượng nói chung và xăng dầu, khí đốt nói riêng có sự xáo trộn lớn do tình hình chính trị, đặc biệt là xung đột giữa Nga và Ukraina.

Tại cuộc họp báo cuối tháng 4 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, ở Việt Nam hiện nay, việc cung ứng từ nguồn trong nước tại hai Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và Bình Sơn chiếm 70 - 75%. Như vậy chúng ta chỉ nhập khẩu 25 - 35%.

Tuy nhiên, thị trường xăng dầu trong nước quý I/2022 có nhiều biến động bởi nguồn cung ứng xăng dầu trong nước chịu ảnh hưởng bởi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, đơn vị chiếm 35-40% thị phần cung bảo đảm cho thị trường trong nước nhưng đã phải giảm mạnh công suất sản xuất trong tháng 1 và đầu tháng 2, từ 100% xuống 85%, 60% rồi 55%, thậm chí có thời điểm phải dừng sản xuất.

Trong khi đó, tình hình địa chính trị như tôi đã nói khiến nguồn cung nhập khẩu gặp khó khăn, giá cả tăng, đặc biệt là chi phí về logistics, kể cả các nguồn cung bị hạn chế.

Trong bối cảnh đó, liên Bộ Công thương - Tài chính đã yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối chủ động nhập khẩu, cũng đã tính đến việc giảm công suất của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và như vậy trong quý I, không xảy ra hiện tượng không đủ nguồn cung xăng dầu, vẫn bảo đảm xăng dầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh,.

Đến quý II/2022, sau khi làm việc với Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, xem xét quá trình sản xuất của Nhà máy và việc chưa bảo đảm cung ứng xăng dầu trong nước, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định 242 ngày 24/2/2022 về việc phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong quý II cho 10 tư nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để bổ sung nguồn thiếu hụt từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Như vậy trong quý II, theo Thứ trưởng Bộ Công thương, dù không tính đến lượng xăng dầu do Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cung cấp nhưng chúng ta vẫn bảo đảm nguồn cung.

"Đây cũng là nỗ lực cố gắng của Chính phủ và trực tiếp sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ cũng như liên Bộ Công thương - Tài chính, các sở ngành cũng như các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu", ông Hải nhận định.

Cũng theo ông Hải, trong quý III và IV sắp tới, Bộ Công thương đã làm việc lại với Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, trên căn cứ cam kết của nhà máy về việc cung ứng ở mức độ nào bộ này sẽ ưu tiên mức độ đó để tiêu thụ trong nước. Phần còn lại nếu còn thiếu sẽ tiếp tục phân giao cho các đầu mối kinh doanh xăng dầu để nhập khẩu bù vào lượng thiếu hụt của nhà máy.

Hậu Lộc
Phiên bản di động