Trong mâu thuẫn gia đình, trẻ em là tấm gương phản chiếu cha mẹ

Phương pháp bố mẹ xử lý những mâu thuẫn trong gia đình sẽ định hướng cho trẻ cách giải quyết những mâu thuẫn khác.
Mâu thuẫn trong khi đá bóng, một nam sinh lớp 9 bị đâm tử vong Bắt nghịch tử dùng dao chém mẹ và em trai bị thương “Phi công trẻ” giết “máy bay bà già”: Bi kịch từ những mâu thuẫn xã hội

Cùng chia sẻ về cách thức cha mẹ hướng dẫn con cái giải quyết những mâu thuẫn có thể gặp bên ngoài gia đình, tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Cha mẹ bình dị phi thường: Mâu thuẫn không là Zero - Giải quyết mâu thuẫn là Hero", các diễn giả đều đồng ý rằng cách bố mẹ xử lý mâu thuẫn trong gia đình sẽ định hướng cho trẻ cách giải quyết những mâu thuẫn khác.

Tại diễn đàn, nhà báo Hoàng Anh Tú chia sẻ: “Trong khi nhiều cha mẹ coi chuyện của con là “chuyện trẻ con” thì một số người lại xem đó là “chuyện người lớn”. Điều này dẫn đến việc nhiều bố mẹ hành xử, xử lý vấn đề của các con không sáng suốt.

Khi chúng ta giải quyết mâu thuẫn bằng thái độ bực tức, nóng nảy, bằng những lời lẽ không phù hợp hay thậm chí dùng bạo lực thì các con sẽ học được điều tốt đẹp gì? Con cái chính là bản sao, tấm gương phản chiếu hình ảnh cha mẹ”.

Nhà báo, nhà văn Hoàng Anh Tú
Nhà báo, nhà văn Hoàng Anh Tú

Từ đó, nhà báo Anh Tú đưa ra lời khuyên: “Cha mẹ cần để tâm đến con cái, đừng để mất sợi dây kết nối với các con. Chỉ khi thật sự để tâm, cha mẹ mới có thể nhận thấy những vấn đề con cái đang phải đối mặt, ngay cả khi chưa được nói ra. Từ đó, gia đình sẽ không chỉ đơn thuần là "nơi trú ẩn an toàn" nữa mà còn là nơi nuôi dưỡng tình thương yêu, trang bị kỹ năng để trẻ em phát triển toàn diện nhất. Yêu thương và tôn trọng con chính là chìa khoá của vấn đề đồng hành cùng con”.

Sự đồng hành của cha mẹ trở nên cần thiết hơn trong bối cảnh phức tạp của đại dịch Covid-19 khi việc học trực tuyến dần trở nên quen thuộc với trẻ em. Theo một nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, thế giới hiện có hơn 1,5 tỷ trẻ em và thanh thiếu niên đang chịu ảnh hưởng từ việc trường học bị đóng cửa, trong đó bao gồm việc phải đối diện với nhiều nguy cơ bất đồng và bắt nạt trên mạng.

Mâu thuẫn trên môi trường mạng đôi khi phức tạp và khó xử lý hơn ngoài đời thực rất nhiều. Vì lúc này, mâu thuẫn không chỉ xoay quanh hai người mà còn có sự tham gia của những người sử dụng internet khác. Thậm chí, chúng ta cần nhìn vào thực tế đôi khi chính con mình cũng sẽ là người bắt nạt, khơi mào và tham gia những “cuộc chiến" trên mạng xã hội.

“Trẻ em ngày nay được tiếp cận với nhiều luồng thông tin từ internet. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến suy nghĩ, hành động và thái độ, nhất là khi không có sự quan tâm, định hướng, uốn nắn kịp thời của cha mẹ và người chăm sóc trẻ. Một biểu cảm, bình luận vô tình trên mạng xã hội đều có thể trở thành nguyên nhân gây mâu thuẫn.

Trong hoàn cảnh đó, trước tiên, chúng ta không nên bức xúc, chỉ trích con cái. Hãy tìm hiểu lý do tại sao con muốn nói xấu bạn, đánh bạn và cha mẹ hãy khuyên con không nên tham gia vào những cuộc cãi vã. Cách hỏi con cũng rất quan trọng, giọng điệu sẽ quyết định đến chuyện thể hiện thái độ của cha mẹ như nào. Cha mẹ nên đồng hành, giáo dục con cư xử văn minh trên môi trường mạng”.

Các diễn giả trao đổi tại tọa đàm
Các diễn giả trao đổi tại tọa đàm

Cùng quan điểm, ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, gợi ý thêm: “Nếu muốn thực sự đồng hành cùng con, cha mẹ hãy đặt bản thân ngang hàng với trẻ. Từ đó, trẻ sẽ thoải mái chia sẻ những vấn đề của bản thân cả ngoài đời thực và trên môi trường mạng.

Việc làm bạn, đồng hành với con trên mạng xã hội tuy khó và cần thời gian nhưng chúng ta có thể bắt đầu bằng cách giữ hình ảnh không phản cảm, tiêu cực; Tương tác, bình luận với con và cả bạn con; Tìm hiểu những chương trình, ứng dụng trên mạng mà con thích; Học hỏi ngôn ngữ mà độ tuổi con hay sử dụng, đồng thời cũng nên tâm sự với con về những việc nên làm hay không nên trên mạng...

Quan trọng hơn, chính bản thân bố mẹ cũng cần xây dựng đời sống số chuẩn mực của bản thân để truyền động lực cho con trở thành người dùng internet văn minh”.

Bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng MSD
Bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng MSD

Các diễn giả đã cùng tương tác bình luận và chia sẻ nhiều bí kíp, kinh nghiệm cùng con xử lý các tình huống mâu thuẫn khác nhau trong gia đình, với bạn bè và cả trên môi trường mạng. Khép lại toạ đàm, bà Nguyễn Phương Linh gửi gắm thông điệp: “Hãy làm bạn cùng con ngay khi con còn nhỏ và ngay khi có thể. Tôn trọng, lắng nghe, chia sẻ và sẵn sàng xin lỗi, học hỏi từ con là rất cần thiết để tạo nền tảng yêu thương và sự tin tưởng; Kết nối giữa con cái và cha mẹ.

Những hành xử của cha mẹ và con cái thông qua giải quyết mâu thuẫn một cách tích cực, hiệu quả sẽ giúp con trưởng thành một cách lành mạnh, phát triển tư duy văn minh, cởi mở và vượt qua các mâu thuẫn, khó khăn trong cuộc sống”.

Hoàng Châu/Theo TTTĐ
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động