Trách nhiệm của chủ hãng vận tải khi ô tô thuộc sự quản lý gây TNGT
Lái xe thuê khi gây tai nạn giao thông có phải chịu trách nhiệm không? |
Câu hỏi: Công ty do tôi làm chủ sở hữu có giấy phép kinh doanh lĩnh vực vận tải hành khách. Anh A là anh họ tôi, muốn gửi một chiếc xe vào công ty tôi, tất nhiên là trên giấy tờ là tên công ty tôi (lãi lỗ anh A tự chi phí tự chịu).
Tôi muốn hỏi luật sư, sau này lỡ xe của anh A có gây ra tai nạn thì tôi có phải bồi thường hay bị truy cứu trước pháp luật không?
Trách nhiệm của chủ hãng vận tải khi ô tô thuộc sự quản lý gây TNGT. Ảnh minh họa |
Luật sư tư vấn:
Luật sư Văn phòng Luật Phúc Quang đưa ra nhận định với trường hợp trên như sau:
"Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này."
Như vậy theo pháp luật quy định thì người nào có lỗi cố ý hoặc vô ý xâm phạm tính mạng sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản , quyền lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trường hợp người của pháp nhân gây ra thiệt hại phải bồi thường được quy định tại Điều 597 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
"Điều 597. Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra
Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật."
Theo quy định tại điều này, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao. Khái niệm "người của mình” theo quy định tại Điều 597 Bộ luật dân sự 2015 được hiểu là bất cứ thành viên nào của pháp nhân. Thành viên này có thể được pháp nhân tuyển dụng vào làm việc theo các quan hệ hợp đồng dài hạn, ngắn hạn, đang trong thời gian thử việc….
Với câu hỏi của bạn là việc anh họ bạn gửi xe vào công ty bạn tức là việc chiếc xe đứng tên công ty và anh bạn được tự ý sử dụng chiếc xe đó mà không phải sử dụng xe để thực hiện những nhiệm vụ công ty giao cho. Như vậy, anh bạn không phải là thành viên của công ty bạn, anh bạn không được công ty bạn tuyển dụng làm việc theo hợp đồng lao động. Căn cứ Điều 597, khi có thiệt hại xảy ra do lỗi của anh bạn trong quá trình sử dụng xe thì pháp nhân tức là công ty bạn sẽ không phải bồi thường thiệt hạn. Do đầu tiên là anh họ bạn không phải là người của pháp nhân, thứ 2 công ty bạn không giao nhiệm vụ cho anh họ bạn mà việc sử dụng xe là việc anh họ bạn tự ý sử dụng, thứ ba, căn cứ Điều 584, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại là người nào do lỗi cố ý hoặc vô ý gây ra thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Như vậy, anh họ bạn do lỗi vô ý hay cố ý gây thiệt hại thì anh họ bạn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Vậy khi xe có gây ra tai nạn thì bạn không phải bồi thường, hay bị truy cứu trước pháp luật mà người bồi thường và chịu trách nhiệm chính là anh bạn trong trường hợp anh họ bạn không phải là người của công ty bạn và công ty bạn không giao nhiệm vụ cho anh bạn.