Tỏa sáng nghĩa đồng bào trong cơn bão lũ
Huyện Lập Thạch: Cả hệ thống chính trị vào cuộc ứng phó với mưa lũ Kiểm tra công tác ứng phó với mưa lũ tại huyện Ba Vì |
Đoàn kết trên dưới một lòng
Đã 4 ngày trôi qua, kể từ khi cơn bão số 3 đổ bộ, những hình ảnh tàn phá khủng khiếp của bão vẫn còn ám ảnh đối với tất cả người dân Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hà Nội và các tỉnh miền núi phía Bắc như Thái Nguyên, Phú Thọ, Cao Bằng, Lạng Sơn, Yên Bái, Lào Cai, Bắc Cạn, Điện Biên… Số người tử vong và thiệt hại về hạ tầng, cơ sở công nghiệp, hoa màu vẫn không ngừng tăng. Song, với tinh thần sẻ chia, đùm bọc, đồng bào khắp nơi đã hướng về các địa phương bị ảnh hưởng với sự quan tâm sâu sắc.
Thật cảm động khi là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất sau cơn bão Yagi nhưng lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh quyết định nhường lại 100 tỉ hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho các tỉnh miền núi phía Bắc. Mới đây, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tập trung khắc phục hậu quả cơn bão số 3, tỉnh Quảng Ninh lại tiếp tục quyết định cấp kinh phí hỗ trợ đợt 1 cho các địa phương với số tiền 180 tỷ đồng. Tinh thần đùm bọc "bầu ơi thương lấy bí cùng" ấy hẳn chỉ có người Việt Nam mới có được, bởi đã được hun đúc từ truyền thống bao đời nay của cha ông ta.
Những người lính đang dầm mình trong mưa bão để giúp dân khắc phục hậu quả |
Trong mưa bão, những chiếc ô tô tình nguyện chạy song song, che chắn cho các xe máy, giúp người đi đường di chuyển đến được nơi an toàn hơn, tránh bị gió cuốn. Những người lính Cụ Hồ, những chiến sĩ Công an, Quân đội… vượt mưa đến giúp người neo đơn, những người nhà bị tốc mái, sập nhà… sơ tán đến nơi an toàn trong ngày gió bão; những người lính cứu hộ bới đất để cứu người bị vùi do sạt lở. Đã có những đau thương, mất mát đến nghẹn lòng. Sự hy sinh của 2 chiến sĩ khi giúp đồng bào ở Quảng Ninh trong cơn bão dữ có lẽ là hình ảnh in đậm mãi trong trái tim người ở lại về phẩm chất cao đẹp của những người lính cụ Hồ.
Vậy nên, chứng kiến sự chung tay của cả cộng đồng với người dân vùng bão lũ, nhiều bạn trẻ phải thốt lên: “Tôi đã hiểu vì sao cha ông ta xưa kia đã đánh tan những đế quốc siêu cường thế”.
Tấm lòng thơm thảo của người Thủ đô
Tại Hà Nội, trái tim của cả nước những ngày này đang căng mình đối mặt với hậu quả của hoàn lưu bão số 3. Mực nước trên các con sông liên tục báo động, các cấp, ban, ngành khẩn trương và nghiêm túc với tinh thần đảm bảo an toàn cao nhất, thiệt hại ít nhất cho người dân. Cả hệ thống chính trị, đoàn thể và Nhân dân cùng vào cuộc để ứng phó với đợt lũ lịch sử.
Ngày 9/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài thay mặt Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội có Thư thăm hỏi gửi Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam 11 tỉnh, TP bị thiệt hại do bão, lũ.
Để kịp thời hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả và giúp đỡ người dân đang gặp khó khăn, TP Hà Nội đã quyết định chi hỗ trợ khẩn cấp đối 9 tỉnh, TP bị thiệt hại nặng mỗi tỉnh, TP 5 tỷ đồng, bao gồm TP Hải Phòng và các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn; đồng thời hỗ trợ 2 tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc mỗi tỉnh 3 tỷ đồng. Tổng số tiền hỗ trợ là 51 tỷ đồng.
Trong thư thăm hỏi gửi các tỉnh, TP, Bí thư Thành ủy Hà Nội viết: "Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô, Thành ủy - HDND-UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội xin gửi lời thăm hỏi ân cần, sẻ chia sâu sắc tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân các tỉnh, TP, đặc biệt là Nhân dân các vùng bị ảnh hưởng do bão lũ gây ra".
Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài mong rằng, với tình cảm "Tương thân tương ái" và tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cùng cả mước", khoản hỗ trợ của TP Hà Nội gửi tới Quỹ Cứu trợ của các địa phương sẽ góp phần khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra và chia sẻ những khó khăn đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các tỉnh, TP.
Cả hệ thống chính trị TP Hà Nội đã vào cuộc để cùng dân ứng phó, khắc phục thiên tai. Trong ảnh là Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài kiểm tra công tác khắc phục mưa bão tại quận Bắc Từ Liêm. |
Sự quan tâm tới đồng bào cả nước không chỉ thấy ở tất cả các cấp lãnh đạo mà cả người dân Thủ đô. Những bài đăng, tổng hợp danh sách các địa chỉ căn hộ, chung cư mini... cùng số điện thoại liên hệ được đăng tải và chia sẻ với tốc độ chóng mặt, với hy vọng những hoàn cảnh còn đang gặp khó khăn trong thiên tai sẽ tìm được nơi trú ẩn an toàn.
Trong đó, các bài đăng "đang có căn chung cư ở Hà Nội để trống dành cho người vô gia cư hoặc nhà không được chắc chắn, đã bị ảnh hưởng có thể qua trú vài hôm" xuất hiện khá nhiều trên các diễn đàn mạng xã hội OFFB, Beat… Chị Trần Phương Anh (30 tuổi, sống ở chung cư số 47 đường Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã rất vui khi đón được 16 người tới ở. Trước đó, vợ chồng chị đăng lên group chung cư để nhờ mọi người hỗ trợ. Ngay lập tức nhiều người hàng xóm tốt bụng gửi trứng vịt, rau… sang cho. Có người còn cho mượn cả chăn ga gối để nhà chị đón khách. Nhiều người còn đăng tải hỗ trợ chi phí di chuyển nếu người di cư không có phương tiện và phải di chuyển bằng taxi.
Dân quân xã Cổ Đô (Ba Vì) phối hợp với các đơn vị quân đội gặt lúa giúp Nhân dân |
“Vì chúng ta là đồng bào”
Yên Bái, địa phương là tâm lũ 2 ngày qua đang phải vật lộn với việc khắc phục hậu quả thiên tai. Song những suất cơm ấm áp giữa tiết trời mưa lũ, những chuyến xe chở đồ đạc 0 đồng; những chuyến tàu miễn phí vận chuyển lương thực, thực phẩm tiếp tế cho người dân; hay hình ảnh các các bộ, chiến sỹ dầm mình dưới mưa, lội nước để thu hoạch lúa, rau màu cho Nhân dân, vận chuyển đồ đạc, cõng người già và trẻ nhỏ ra khỏi vùng nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng… Đến nay tất cả các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh Yên Bái cũng đã có nhiều hoạt động thiết thực, kêu gọi các nguồn lực để hỗ trợ các nhu yếu phẩm, giúp người dân vùng lũ sớm vượt qua thời điểm nguy khó này.
Mới đây, hình ảnh người dân ở Yên Bái xúm lại nhà trưởng thôn Gốc Báng (xã Đồng Khê, H.Văn Chấn) để gói bánh tét tặng cho bà con chịu ảnh hưởng của lũ, sạt lở đất đang nhận về mưa tim trên mạng xã hội.
Người dân Hội An rủ nhau gói bánh tét để gửi cho đồng bào miền Bắc đang hứng chịu hậu quả nặng nề của thiên tai |
Câu chuyện được anh Hà Xuân Hải (40 tuổi, ngụ Yên Bái) chia sẻ lên mạng xã hội với những dòng viết ấm lòng: "Nhằm chung tay hỗ trợ người dân miền núi Yên Bái qua khó khăn, lũ lụt, hiện tại mọi người đã đến nhà trưởng thôn gói bánh rồi ạ. Vẫn cần mọi người giúp đỡ, ai có gì góp đấy ạ....". Kèm theo là khoảnh khắc nhiều người tụ họp trong một căn nhà với nếp, lá dong, đậu, thịt heo… chuẩn bị gói bánh tét.
"Hiện giờ Yên Bái đang là tâm điểm của lũ, mưa giông ngày càng lớn. Vậy nên, những hộ gia đình nào bị ngập, lụt, hư hại nhà cửa, chịu ảnh hưởng của bão YAGI, xin mời bà con đến Nhà khách Trường Sơn - 129, đường Yên Ninh, Yên Bái trú ẩn. Nhà khách đang có 3 hội trường lớn và công suất còn khoảng 10 phòng trống. Tính đến thời điểm hiện tại, điện nước vẫn đang được duy trì ổn định. Vậy nên bà con yên tâm tới trú ẩn, nhà khách sẽ miễn phí hoàn toàn chi phí và cung cấp điện nước đầy đủ cho bà con". Ngay sau khi dòng trạng thái này được đăng tải vào tối 8/9, đến nay Nhà khách Trường Sơn đã trở thành nơi trú ẩn tạm cho nhiều gia đình ở rốn lũ Yên Bái.
Không chỉ vậy, người dân khắp miền Nam, Trung và cả kiều bào cũng hướng về rốn lũ những ngày này với tinh thần khẩn trương, tích cực nhất. Tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc hỗ trợ lẫn nhau của người dân Việt Nam một lần nữa nổi bật lên qua những nghĩa cử ấm áp tình người. 10 nghìn chiếc bánh chưng từ Nghệ An, 500 chiếc bánh tét từ Đà Nẵng, tất cả hàng hoá đã được xuyên đêm sẵn sàng để cứu trợ cho bà con miền Bắc.
Ở khắp mọi nơi trên mảnh đất hình chữ S, mọi hoạt động cứu trợ đều đang được gấp rút triển khai. Từ các cụ già tới những em học sinh, các công ty, xí nghiệp, tập đoàn; từ những ngôi nhà nhỏ cho đến phòng cộng đồng ở các chung cư lớn… đâu đâu cũng đang tổ chức gói ghém đồ ăn, thức uống, hàng tiêu dùng cần thiết cho bà con vùng lũ.
Những nghĩa cử cao đẹp, những câu chuyện ấm lòng giữa thiên tai, hoạn nạn làm tỏa sáng phẩm chất, giá trị tốt đẹp của dân tộc Việt Nam: Đó là tinh thần đoàn kết, "thương người như thể thương thân" sẵn sàng hỗ trợ, dìu nhau qua cơn khó.