Tỉnh Bắc Giang: 129 năm thành lập và phát triển

Bắc Giang, vùng đất cổ, có lịch sử hào hùng, oanh liệt hàng nghìn năm, gắn bó hữu cơ với sự hình thành, phát triển của lịch sử dân tộc, đất nước. Ngày 10/10/1895, Rút xô - viên quan toàn quyền Pháp ở Đông Dương ký Nghị định thành lập tỉnh Bắc Giang, lấy tỉnh lỵ là Phủ Lạng Thương (thành phố Bắc Giang ngày nay).
UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức gặp mặt doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu năm 2024 Chi tiết việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Bắc Giang Ông Phan Thế Tuấn tạm thời điều hành hoạt động UBND tỉnh Bắc Giang

Trong suốt chiều dài lịch sử, vùng đất Bắc Giang ngày nay từng có nhiều tên gọi và quy mô địa giới hành chính khác nhau: Thời vua Hùng, vùng đất Bắc Giang thuộc bộ Vũ Ninh của nước Văn Lang. Thời kỳ nhà Đinh chia đất nước thành 10 đạo, trong đó có đạo Bắc Giang. Năm 1010, nhà Lý chia đất nước ra làm 24 lộ; lộ Bắc Giang đã xuất hiện trên bản đồ nước Đại Việt. Sau đó, lộ Bắc Giang tiếp tục có những sự điều chỉnh về địa giới hành chính, thay đổi tên gọi, như: Năm 1469, nhà Lê đổi tên lộ Bắc Giang thành thừa tuyên Bắc Giang, rồi trấn Kinh Bắc. Năm 1822, nhà Nguyễn đổi trấn Kinh Bắc thành trấn Bắc Ninh; năm 1831, lại đổi thành tỉnh Bắc Ninh. Đến năm 1895, tỉnh Bắc Ninh được chia thành 2 tỉnh: Bắc Giang và Bắc Ninh.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng đặt ra, Đảng và Nhà nước đã có một số lần thay đổi, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh Bắc Giang. Ngày 27/10/1962, Quốc hội khóa II nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Nghị quyết sáp nhập 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh thành tỉnh Hà Bắc. Sau gần 34 năm sáp nhập, ngày 6/11/1996, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị quyết chia tỉnh Hà Bắc thành 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Ngày 1/1/1997, tỉnh Bắc Giang tái lập chính thức đi vào hoạt động.

Tỉnh Bắc Giang hiện nay có diện tích tự nhiên 3.895 km2; tỉnh có 10 đơn vị hành chính gồm 8 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố, với 209 xã, phường, thị trấn; dân số gần 2 triệu người.

Bắc Giang truyền thống, hào hùng

Nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, tỉnh Bắc Giang luôn được coi là “phên dậu”, là một trong “tứ trấn” trọng yếu của Thăng Long - Hà Nội. Ngay từ buổi đầu dựng nước, vùng đất Bắc Giang thường xuyên là địa bàn diễn ra chiến sự ác liệt, chống các thế lực phản động và ngoại bang xâm lược; do đó, nơi đây đã sớm hun đúc truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm kiên cường, bất khuất. Rất nhiều sự kiện lịch sử vẻ vang, những chiến công oanh liệt trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc được gắn với các địa danh trên đất Bắc Giang, như: Cần Trạm, Hố Cát, Xương Giang, Phồn Xương, Hố Chuối...

Truyền thống yêu nước, anh hùng ấy tiếp tục được phát huy trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Từ những chiến sĩ cách mạng đầu tiên tham dự lớp huấn luyện chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc) như Nguyễn Hữu Căn, Nguyễn Trọng Ngọc, và việc thành lập chi bộ đảng đầu tiên do đồng chí Ngô Gia Tự trực tiếp thành lập vào đầu tháng 7/1929, với 3 đảng viên (chi bộ cộng sản đầu tiên của hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh), Đảng bộ tỉnh không ngừng phát triển.

Song hành cùng lịch sử cách mạng Việt Nam, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo Nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang giành được nhiều thắng lợi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang đã huy động hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong ra mặt trận; đóng góp hàng triệu ngày công phục vụ tiền tuyến, hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm để nuôi quân đánh giặc… góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân Bắc Giang lại nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tích cực đóng góp sức người, sức của tham gia kháng chiến. Trên tiền tuyến, nhiều người con của Nhân dân Bắc Giang đã lập công xuất sắc. Trong những năm đế quốc Mỹ cho máy bay ném bom bắn phá miền Bắc, Bắc Giang là một địa bàn trọng điểm. Quân và dân Bắc Giang đã anh dũng chiến đấu, bắn hạ được 162 máy bay, tiêu diệt và bắt sống 92 giặc lái. Dưới làn bom đạn của quân thù, Nhân dân toàn tỉnh vẫn liên tục thi đua, thực hiện thắng lợi khẩu hiệu: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”…

Trong cuộc kháng chiến ấy, hàng vạn người con Bắc Giang đã hi sinh anh dũng, biết bao tấm gương tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã trở thành biểu tượng của lẽ sống, niềm tin của Nhân dân; nhiều tên đất, tên người đã mãi tạc vào lịch sử, làm vẻ vang truyền thống quê hương Bắc Giang cách mạng, kiên cường.

Cùng với truyền thống anh hùng chống giặc ngoại xâm, trải qua quá trình lao động, sáng tạo, đấu tranh chống giặc ngoại xâm, Nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang đã sản sinh và bảo tồn kho tàng di sản văn hoá vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú, đa dạng với trên 2.200 di tích các loại và trên 500 lễ hội truyền thống.

Đó là hàng nghìn di tích lịch sử - văn hoá phân bổ rộng khắp 10 huyện, thị xã, thành phố, tiêu biểu như: Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, di tích “Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế”, di tích “Địa điểm chiến thắng Xương Giang”, An toàn khu (ATK) II Hiệp Hoà,… Bên cạnh những di sản văn hóa vật thể đó, phải kể đến những di sản văn hoá phi vật thể đặc sắc như: Dân ca quan họ, ca trù, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, thực hành Then của người Tày, Nùng,… Đặc biệt, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu Khu vực châu Á - Thái Bình Dương,… Những giá trị văn hóa đặc sắc đó đã làm nên một Bắc Giang giàu bản sắc văn hóa truyền thống, xứng đáng là một trong những miền di sản của Việt Nam.

Quê hương Bắc Giang còn là mảnh đất địa linh - nhân kiệt, quê hương của những nhân sĩ, trí thức, anh hùng làm rạng danh đất Việt, tiêu biểu như: Trạng nguyên Đào Sư Tích, Trạng nguyên Giáp Hải, Tiến sĩ Thân Nhân Trung, Tiến sĩ Trần Đăng Tuyển,... và nhiều anh hùng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và các anh hùng trong thời kỳ xây dựng, bảo vệ và đổi mới đất nước.

Tỉnh Bắc Giang: 129 năm thành lập và phát triển
Ảnh minh họa. Ảnh: Hoàng Tuấn.

Bắc Giang đổi mới, phát triển

Phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu, sau khi thống nhất đất nước, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang đã chủ động vượt qua mọi khó khăn, thử thách, cùng với toàn Đảng và Nhân dân cả nước bước vào thời kỳ vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và đi vào thời kỳ đổi mới với những thành tựu đã đạt được rất quan trọng.

Từ khi tỉnh Bắc Giang được tái lập (1997) đến nay, kinh tế - xã hội của tỉnh đã có những bước tiến rõ nét. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2024, nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, khoảng 13,89%, cao nhất cả nước (duy trì thứ hạng từ năm 2023 đến nay); trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng khoảng 18,03%; dịch vụ tăng khoảng 6,19%; nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm khoảng 2,19%, thuế sản phẩm tăng khoảng 12,89%. Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng nhanh, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 27,69% so với cùng kỳ.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng ước đạt trên 49.400 tỷ đồng, tăng 16,3% so cùng kỳ. Tổng giá trị xuất nhập khẩu 9 tháng ước đạt 39,8 tỷ USD, tăng gần 24% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu đạt 21 tỷ USD, tăng 22,8%, đạt 63,6% kế hoạch; nhập khẩu 18,8 tỷ USD, tăng 26,9%, đạt 61,6% kế hoạch.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu tiếp tục được quan tâm đầu tư, nâng cấp, nhất là hệ thống giao thông; dự án Cầu Như Nguyệt (giai đoạn 2) và nhiều trục giao thông quan trọng đã hoàn thành và phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục tiếp tục có nhiều chuyển biến tiến bộ, nhiều mặt nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, tỉnh Bắc Giang xếp thứ 9 toàn quốc về số giải Nhất và thứ 7 cả nước về số lượng giải tại kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia năm học 2023 - 2024; có 2 học sinh tham dự kỳ thi Olympic Vật lý khu vực châu Á, kết quả có 1 học sinh đạt huy chương vàng và 1 học sinh đạt huy chương đồng; 2 học sinh dự kỳ thi Olympic môn Vật lí và 1 học sinh dự kỳ thi Olympic môn Hóa học quốc tế và cả 3 học sinh đều đạt Huy chương Vàng.

Công tác quốc phòng, an ninh được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường. Đời sống của Nhân dân được cải thiện; hình ảnh, vị thế của tỉnh tiếp tục được nâng cao.

Với những thành tích xuất sắc của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý cho nhiều tập thể, cá nhân. Trong đó có 56 tập thể, 29 cá nhân được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 1.475 Bà mẹ được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 2 tập thể, 10 cá nhân được phong tặng Anh hùng Lao động. Đặc biệt, tỉnh được tặng Huân chương Sao vàng - phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta.

Phát huy truyền thống của vùng đất văn hiến, giàu truyền thống và những thành tựu đạt được, trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang tiếp tục đổi mới, chủ động, sáng tạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn, sản xuất nông nghiệp hàng hóa, du lịch và dịch vụ; quan tâm xây dựng văn hóa; không ngừng nâng cao đời sống cho Nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn; tăng cường quốc phòng, an ninh. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, tạo bước chuyển biến tích cực trong quản lý Nhà nước và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trong sạch, vững mạnh, đưa Bắc Giang phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc.

Ngô Thị Toàn/Cổng thông tin Tỉnh ủy Bắc Giang
Phiên bản di động