Tin môi trường tuần qua: Sạt lở bờ sông ở Quảng Trị ngày càng trầm trọng, dân chạy lũ giữa mùa khô
Tin môi trường tuần qua: Xử lý đất nhiễm chất độc dioxin ở sân bay A So, mưa lũ gây thiệt hại lớn |
Sạt lở bờ sông ở Quảng Trị
Sau các đợt lũ lụt liên tiếp xảy ra trong tháng 10 và tháng 11 vừa qua tại Quảng Trị đã và đang làm bờ các con sông vốn đã sạt lở phức tạp, nay ngày càng trầm trọng hơn, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản, công trình, đất thổ cư và sản xuất nông nghiệp của người dân ven sông.
Bờ sông Hiếu đoạn qua huyện Cam Lộ và thành phố Đông Hà đã bị sạt lở thêm hàng nghìn mét do các đợt lũ lớn vừa qua.
Bờ sông Hiếu đoạn qua xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ bị sạt lở nghiêm trọng. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN) |
Chỉ riêng bờ sông Hiếu đoạn qua huyện Cam Lộ đã có thêm trên 3.000m bị sạt lở nặng, ăn sâu vào từ 15-20m sau các đợt lũ lụt vừa qua; tập trung ở các xã: Cam Thành, Cam Tuyền, Cam Thủy, Cam Hiếu và thị trấn Cam Lộ. Đáng chú ý, hệ thống kè bảo vệ bờ sông Hiếu đoạn qua huyện Cam Lộ cũng bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự an toàn của nhiều hộ dân.
Tương tự, tình trạng sạt lở bờ sông Thạch Hãn cũng đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng sau lũ lụt. Bờ sông Thạch Hãn đoạn qua thị xã Quảng Trị đã có khoảng 6.500m bị sạt lở sau các đợt mưa lũ đặc biệt lớn vừa qua; trong đó nghiêm trọng nhất là ở xã Hải Lệ và phường An Đôn.
Đặc biệt tại thôn Như Lệ, xã Hải Lệ sạt lở bờ sông Thạch Hãn đã đe dọa đến tính mạng, tài sản của nhiều hộ dân. Chỉ riêng bờ sông Thạch Hãn đoạn qua thôn Như Lệ đã bị sạt lở dài 1.600m, ăn sâu vào từ 5-15m, ảnh hưởng trực tiếp đến 41 hộ dân, làm nứt nhiều công trình, nhà cửa.
Tại bờ sông Bến Hải đoạn qua các xã: Trung Sơn, Trung Giang thuộc huyện Gio Linh; Vĩnh Sơn huyện Vĩnh Linh, tình trạng sạt lở cũng diễn biến phức tạp. Bờ sông Ô Lâu ở huyện Hải Lăng bị sạt lở nặng đoạn qua các xã: Hải Chánh và Hải Sơn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Trị, chỉ riêng các đợt lũ lụt đặc biệt lớn liên tiếp vừa qua đã làm bờ sông, suối bị sạt lở, cuốn trôi tổng chiều dài lên đến 30km. Trong đó có nhiều khu vực bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm, ăn sâu vào đất thổ cư, đất sản xuất, nguy cơ cao mất an toàn tính mạng, nhà cửa của người dân và các công trình hạ tầng kỹ thuật của Nhà nước.
Tình trạng bờ các con sông ở Quảng Trị bị sạt lở nghiêm trọng là do biến đổi khí hậu, cụ thể là lũ lụt đặc biệt lớn diễn ra phức tạp; trong khi đất dọc theo bờ các con sông chủ yếu là đất cát pha, kết cấu yếu nên tình trạng sạt lở xảy ra rất nhanh và thường xuyên hơn. Ngoài ra còn do tác động của con người, nhất là khai thác cát sỏi trái phép, xây dựng các công trình ảnh hưởng đến dòng chảy.
Nhà máy nước sạch ở Sơn La ngừng hoạt động do nước nguồn ô nhiễm
Xí nghiệp cấp nước thành phố số 1 (Công ty Cổ phần cấp nước Sơn La) vừa có thông báo tạm dừng cấp nước trên địa bàn thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. Nguyên nhân là do ô nhiễm nước thải từ hoạt động sơ chế càphê tại khu vực đầu nguồn.
Theo đó, tại Thông báo số 10 TB/XN của Xí nghiệp Cấp nước thành phố số 1, nguồn nước của nhà máy bị ô nhiễm do nước thải từ sơ chế càphê tại đầu nguồn nên nhà máy phải tạm ngừng cấp nước cho các hộ dân tại các khu vực phường Chiềng Lề, Chiềng An, Tô Hiệu, Quyết Thắng và một số khu vực phường Chiềng Cơi, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La. Thời gian tạm ngừng cấp nước bắt đầu từ 15 giờ ngày 4/12.
Hồ chứa nước thải từ hoạt động sơ chế cà phê của người dân tại xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La. (Ảnh minh họa: Hữu Quyết/TTXVN) |
Để khắc phục tạm thời, công ty đã sử dụng nguồn từ Nhà máy nước Nà Cóng và Nậm Na, nhưng do công suất nhỏ không đáp ứng đủ nhu cầu, vì vậy một số khu vực có thể xảy ra mất nước hoặc nước yếu.
Trước tình trạng trên, tỉnh Sơn La đã tiếp tục triển khai 6 tổ công tác liên ngành rà soát, kiểm tra phát hiện các tổ chức, cá nhân đang có hoạt động sơ chế, chế biến càphê tại các huyện, thành phố nhằm xác minh nguyên nhân ô nhiễm nguồn cấp nước sinh hoạt.
Trong ngày 5/12, đoàn công tác liên ngành đã đình chỉ 1 cơ sở sơ chế, chế biến càphê nhỏ lẻ là hộ gia đình ông Quàng Văn Hồng ở xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu.
Hiện tỉnh Sơn La giao cho Công ty Cổ phần cấp nước Sơn La sử dụng các nguồn nước khác để thay thế, đảm bảo duy trì cấp nước từ 50-70% và sẽ cấp nước luân phiên, không để mất nước trên địa bàn thành phố.
Được biết, nguồn nước cấp cho thành phố Sơn La được lấy từ hang Thẳm Tát Tòng, thuộc bản Bó, phường Chiềng An (thành phố Sơn La). Lưu vực của nguồn nước này trải dài từ xã Muổi Nọi (huyện Thuận Châu) qua các xã Chiềng Đen, Chiềng Cọ (thành phố Sơn La). Đây là khu vực tập trung nhiều cơ sở sơ chế, sản xuất càphê của người dân và doanh nghiệp.
Tây Nguyên dân chạy lũ giữa mùa khô
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Đắk Nông, nước trên sông Krông Nô và sông Sêrêpốk bất ngờ lên nhanh đã gây ngập lụt làm thiệt hại nhiều tài sản của người dân trên địa bàn huyện Krông Nô, Cư Jút.
Đến trưa ngày 4/12, nước tại các sông này đã có xu hướng giảm dần, nhưng không đáng kể. Tại xã Buôn Choáh (Krông Nô), có 4/6 thôn vẫn đang bị ngập trên diện tích khoảng 800ha. Nước lũ cũng làm ngập lụt một số diện tích tại thị trấn Ea T’ling (Cư Jút).
Nhiều diện tích hoa màu bị ngập sâu |
Tại huyện Krông Nô, có 56 ngôi nhà bị ngập và khoảng 60 hộ dân phải di dời; khoảng 70ha lúa và hoa màu bị ngập úng; trên 120 lồng cá bị thiệt hại; trên 25km đường giao thông bị ngập…
Tại thị trấn Ea T’ling, huyện Chư Jút có 20 lồng cá trên sông Sêrêpốk bị trôi hoàn toàn và khoảng 15ha cây trồng ngắn ngày, 10ha cây công nghiệp ảnh hưởng bởi ngập lụt. Tổng mức thiệt hại trong đợt ngập lụt này ước tính khoảng 30 tỷ đồng.
Theo đại diện lãnh đạo thủy điện Buôn Kuốp (đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa thủy điện Buôn Tua Srah và Buôn Kuốp, Sêrêpôk 3), trong hai ngày (3 – 4/12), Đắk Lắk trời đã tạnh ráo nhưng mực nước trên các sông đang tiếp tục lên, hiện ở mức báo động 2.
Đặc biệt ở lưu vực sông Sêrêpôk, nước lũ từ thượng nguồn vẫn đang đổ mạnh về hạ lưu, các thủy điện xả lũ với lưu lượng rất lớn. Cụ thể, ngày 30-11-2020, lưu lượng nước đổ về hồ trung bình khoảng 338 m3/s, thì đến ngày 1-12, con số này đã 412 m3/s; ngày 2-12 tăng lên hơn 707 m3/s; ngày 3-12 con số này tiếp tục tăng lên hơn 1.280 m3/s, thời điểm cao nhất trong ngày có khi lên đến 1.455 m3/s.
Hồ thủy điện Buôn Kuốp là hồ có dung tích nhỏ, chỉ khoảng 14,7 triệu m3, không có khả năng phòng lũ và cắt lũ. Do vậy, đơn vị vận hành đã áp dụng quy định về quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Sêrêpốk để vận hành xả tương đương với lượng nước đến hồ nhằm bảo đảm lượng nước không được vượt mức nước dâng bình thường (mực nước dâng bình thường là 412m).