Tin môi trường tuần qua: Xử lý đất nhiễm chất độc dioxin ở sân bay A So, mưa lũ gây thiệt hại lớn

Dự án “Xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế”.đánh dấu một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt trong công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin đối với môi trường tại Thừa Thiên Huế; mưa lũ xảy ra trên địa bàn các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản là một trong những tin tức nóng về môi trường trong tuần qua...
Ngành Tài nguyên và Môi trường chú trọng triển khai thủ tục hành chính trên môi trường điện tử
Nóng tuần qua: Bão số 5 gây thiệt hại lớn, Hàng chục nhà dân ở Hà Tĩnh bị tốc mái, đường biến thành sông

Gần 16.000 người ở Huế nhiễm dioxin

Ngày 2/10, Bộ Tư lệnh Hóa học (thuộc Bộ Quốc phòng) tổ chức lễ khởi công dự án “Xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Trong thời kỳ chiến tranh, quân đội Mỹ đã sử dụng thung lũng A So của huyện A Lưới làm sân bay dã chiến. Tại đây cũng là nơi chứa, đựng chất độc hóa học, là trạm trung chuyển để không quân Mỹ đi phun rải ở khu vực miền Trung.

Tin môi trường tuần qua: Xử lý đất nhiễm chất độc dioxin ở sân bay A So, mưa lũ gây thiệt hại lớn
Đại diện các gia đình bị nhiễm chất độc dioxin đến dự lễ. Người dân đã mong chờ dự án này từ lâu

Trong vòng 10 năm (1961- 1971), Thừa Thiên Huế mà trọng điểm sân bay A So là nơi hứng chịu hậu quả nặng nề của hơn 432.812 gallon thuốc diệt cỏ (chứa khoảng 11kg dioxin). Do đó, Thừa Thiên Huế nói chung và huyện A Lưới nói riêng là một trong những địa bàn chịu hậu quả nặng nề của chất độc màu da cam. Toàn tỉnh có gần 16.000 người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, riêng huyện A Lưới khoảng 5.000 người.

Theo đại diện Bộ Tư lệnh Hóa học, từ sau khi chiến tranh kết thúc đến nay, đã có một số dự án thực hiện việc khảo sát tình trạng đất nhiễm độc trên địa bàn huyện A Lưới. Các kết quả khảo sát cho thấy đã có bản xác định được khu vực ô nhiễm tại sân bay A So. Nếu lấy mục tiêu xử lý là 40 ppt (đất trồng cây hàng năm theo quy chuẩn Việt Nam QCVN 45:2012/BTNMT) thì diện tích ô nhiễm ước tính khoảng 5ha, chiều sâu ô nhiễm trung bình 0,7m, tổng khối lượng đất ô nhiễm cần xử lý là 35.000m3. Trong đó, khoảng 6.600m3 đất nhiễm chất độc có nồng độ ô nhiễm trên 200 ppt.

Nhằm nhanh chóng tiến hành các biện pháp tẩy độc đất ở sân bay A So, ngày 30/3/2020, Bộ Quốc phòng đã ban hành quyết định phê duyệt dự án “Xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế” và giao trực tiếp cho Bộ Tư lệnh Hóa học chủ trì thực hiện dự án...

Mưa lũ gây nhiều thiệt hại tại các tỉnh miền núi phía Bắc

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, tính đến 17 giờ ngày 2/10, mưa lũ xảy ra trên địa bàn các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.

Tỉnh Hà Giang có 2 người bị thương do sét đánh (thôn Nậm Khương, xã Nà Chì, Xín Mần) hiện đã hồi phục; 29 nhà bị ngập bùn cát do sạt lở đất.

Tin môi trường tuần qua: Xử lý đất nhiễm chất độc dioxin ở sân bay A So, mưa lũ gây thiệt hại lớn
Ảnh hưởng đến các phương tiện tham gia giao thông tại xã Minh Tân, huyện Bảo Yên, Lào Cai.

Tỉnh Lào Cai có 590 nhà bị ảnh hưởng, thiệt hại (2 nhà bị đổ sập, 588 nhà bị ngập cục bộ, đất bùn tràn vào nhà); 631 con gia súc, gia cầm bị chết. Ước tính thiệt hại 2 tỷ đồng.

Tỉnh Yên Bái có 65 căn nhà bị ngập (hiện tại nước đã rút); 27,2ha lúa, ngô, rau màu bị ngập úng, một số đoạn đường giao thông bị ngập cục bộ (hiện đã thông đường). Ước tính thiệt hại 800 triệu đồng.

Một số tuyến đường bị sạt taluy dương tại tỉnh Hà Giang như Tỉnh lộ 178 (sạt 350m3 đất đá), Quốc lộ 4D (sạt 210m3 đất đá), 8 tuyến đường liên xã, liên thôn thuộc huyện Xí Mần (sạt 3.620m3 đất đá), 3 tuyến đường (K17, K55, Vinh Quang) thuộc huyện Hoàng Su Phì (sạt 1.170m3 đất đá), 3 đường liên thôn thuộc huyện Vị Xuyên (sạt 3.600m3 đất đá); đất đá trôi cản trở tuyến đường ôtô từ Nậm Ban đi Lũng Chinh tại huyện Mèo Vạc.

Hiện tại, các tuyến đường đã được khắc phục, thông tuyến.

Bên cạnh đó, mưa lũ đã làm hư hỏng một số công trình hạ tầng. Tại huyện Xín Mần, một cầu treo bị sạt trụ tại xã Nấm Dần, một trạm biến áp bị ngập nước, hỏng một cầu tại xã Nà Chì, một nhà văn hóa, một hội trường, hai trường học bị sạt lở gây vùi lấp một số công trình phụ tại xã Bản Ngò, 35m kênh bêtông bị gãy hỏng tại xã Nấm Dần.

Tại huyện Mèo Vạc, sạt lở xảy ra tại 2 điểm trường tại xã Nậm Ban.

Tại huyện Hoàng Su Phì, trường Mầm non Bản Luốc bị sạt lở ta luydương (sạt 250m3 đất đá). Ước tính thiệt hại ban đầu 3,6 tỷ đồng.

Hiện chính quyền địa phương các tỉnh bị thiệt hại đang chỉ đạo tổ chức các hoạt động khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Phát hiện xe đầu kéo chở 35 tấn phế liệu từ nước ngoài về Việt Nam

Ngày 2/10, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Tây Ninh cho biết đang thu giữ một xe đầu kéo có hành vi nhập lậu trên 35 tấn phế liệu từ nước ngoài về Việt Nam để điều tra, xử lý theo pháp luật.

Tin môi trường tuần qua: Xử lý đất nhiễm chất độc dioxin ở sân bay A So, mưa lũ gây thiệt hại lớn
Tài xế Nguyễn Văn Tú và xe tải chở phế liệu nhập lậu bị lực lượng chức năng bắt giữ

Trước đó, vào lúc 23 giờ ngày 29/9 tại ấp Đông Thành, xã Tân Đông, huyện Tân Châu, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Tây Ninh phối hợp với Công an huyện Tân Châu bắt quả tang xe đầu kéo mang biển số 51C-571.38 kéo theo rơmoóc 51R-328.16 do ông Nguyễn Văn Tú (sinh năm 1986, ngụ tại tỉnh Gia Lai) điều khiển vận chuyển phế liệu (loại sắt ép bánh và nhiều loại sắt vụn khác) từ nước ngoài về Việt Nam và chuẩn bị vận chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ.

Kiểm tra bước đầu, cơ quan Công an xác định số phế liệu có khối lượng 35,635 tấn. Tài xế không xuất trình được hóa đơn, giấy tờ nguồn gốc, xuất xứ của số phế liệu kể trên.

Duy Tân (t/h)
Phiên bản di động