Tìm giải pháp đổi mới công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của lĩnh vực Trái đất – Mỏ - Môi trường
Hoạt động của Đoàn tạo môi trường rèn luyện, truyền cảm hứng cho thanh niên 2019 là năm thảm họa khí hậu, giới lãnh đạo phải hành động gấp! |
Đây là ý kiến được các đại biểu thống nhất tại Hội thảo khoa học "Đổi mới công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực Trái đất - Mỏ - Môi trường" (EME 2019) do Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Khoa học Trái đất - Mỏ phối hợp với Tổng cục Khí tượng Thủy văn và các trường đại học và viện nghiên cứu trong nước,...tổ chức vào sáng ngày 21/12, tại Hà Nội.
| |
Thứ trưởng Lê Công Thành phát biểu tại Hội thảo |
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho rằng, trong bối cnarh nền kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi, nhiều thành tựu cả về kinh tế, xã hội vượt mức chỉ tiêu đề ra, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đang được ứng dụng rộng khắp, nhu cầu về tài nguyên “số” trong lĩnh vực TN&MT đang tăng cao; ngành TN&MT nói chung, lĩnh vực khoa học Trái đất – Mỏ - Môi trường nói riêng rất cần một đội ngũ đông đảo các nhà khoa học trẻ, nhiệt huyết, có nền tảng kiến thức chuyên ngành vững vàng, có năng lực học và tự học, năng lực nghiên cứu, sáng tạo, tích lũy kinh nghiệm trong nghề nghiệp, có tình độ ngoại ngữ, tin học cao để bắt kịp trình độ phát triển khoa học và công nghệ của thế giới.
Vẫn tồn tại những nghịch lý “cung” – “cầu”
Trình bày tham luận tại Hội nghị, GS. Mai Trọng Nhuận - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Liên ngành Khoa học Trái đất - Mỏ thẳng thắn nhìn nhận, đối với lĩnh vực khoa học Trái đất – Mỏ - Môi trường (EME), vẫn tồn tại những nghịch lý giữa công tác đào tạo và nhu cầu của xã hội. Hiện nay, công tác tuyển sinh vào học các ngành này ngày càng gặp nhiều khó khăn, mà nguyên nhân là cơ hội tìm kiếm việc làm hạn chế.
Trong khi đó, theo phản ánh của đại diện các Công ty hoạt động trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, họ có nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, thế nhưng, việc tuyển dụng này không dễ dàng, bởi khó thu hút được người tài, trong khi nhiều sinh viên ra trường còn yếu về các kỹ năng hay trình độ ngoại ngữ.
| |
Giáo sư Trần Hồng Thái chủ trì Hội thảo |
Phân tích rõ các thách thức trong phát triển công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, công nghệ EME, GS. Trần Hồng Thái – Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ TN&MT) cho rằng, vẫn còn tư duy manh mún và chậm tiến, do xuất phát chủ yếu từ chính các chuyên ngành, từ cơ sở đào tạo, nghiên cứu. Việc phát triển nguồn nhân lực EME chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu, yêu cầu mới của phát triển kinh tế – xã hội, phát triển bền vững; thậm chí, không dựa trên tầm nhìn và chiến lược vĩ mô, dài hạn và nhất quán. Mặt khác, chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo nguồn nhân lực với thực hiện các đề tài, dự án, chương trình khoa học công nghệ; thiếu định hướng ưu tiên của Nhà nước.
Cùng với đó, còn thiếu sự kết nối, hợp tác và hỗ trợ hoạt động giữa các bên liên quan như cơ quan quản lý, doanh nghiệp và xã hội, ...với các cơ sở đào tạo về đánh giá, dự báo đặt hàng số lượng, chất lượng, yêu cầu sử dụng nguồn nhân lực, sản phẩm khoa học công nghệ EME; phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức; tổ chức đào tạo và nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ EME.
Cần đổi mới một cách đồng bộ
Gỡ những nút thắt trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của lĩnh vực EME, GS. Trần Hồng Thái đưa ra khuyến nghị: Cần thiết phải xác định các định hướng, chiến lược, giải pháp và kế hoạch nhằm đổi mới công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học Trái Đất, Mỏ, Môi trường một cách đồng bộ để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển bền vững đất nước, ứng phó biến đổi toàn cầu.
| |
Các đại biểu trao đổi tại Hội thảo |
Cụ thể, đối với cơ sở giáo dục đại học và đơn vị nghiên cứu, hỗ trợ, GS. Trần Hồng Thái đề nghị, chủ động nghiên cứu tạo nhu cầu mới về đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực EME. Tích cực nghiên cứu, dự báo, thông báo các nhu cầu hiện có và mới của các nhà tuyển dụng và sử dụng lao động, các bên liên quan khác về sản phẩm khoa học, nguồn nhân lực EME. Mạnh dạn sáng tạo, phát triển các chương trình đào tạo mới, cải tiến, nâng cấp các chương trình đào tạo và phương pháp dạy học hiện có đáp ứng nhu cầu, yêu cầu mới, bối cảnh mới; tăng cường áp dụng các thành tựu CMCN 4.0 trong đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp yêu cầu xây dựng quốc gia số, chuyển đổi số, kinh tế số,...
| |
Hội thảo quy tụ các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực Trái đất - Mỏ - Môi trường |
Cũng theo GS. Trần Hồng Thái, các cơ sở giáo dục, nghiên cứu cần hợp tác thực sự và hiệu quả với các bên liên quan, tổ chức đào tạo, kiểm định chất lượng và các hoạt động khác liên quan để đáp ứng cao và nhanh hơn yêu cầu, nhu cầu và hài lòng của họ. Đảo bảo chất lượng bền vững các hoạt động khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao tri thức EME.
“Các trường, các đơn vị cũng cần nghiên cứu, lựa chọn, chắt lọc, phát triển và vận dụng sáng tạo các bài học hay của các trường đại học trong và ngoài nước về đảm bảo chất lượng, đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ, đào tạo phù hợp với điều kiện cụ thể, sứ mạng, tầm nhìn, thế mạnh của từng đơn vị để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mới, bối cảnh mới, phát triển và đảm bảo chất lượng bền vững EME”, GS. Trần Hồng Thái nhấn mạnh.
Đề xuất với các nhà tuyển dụng, sử dụng nguồn nhân lực và sử dụng các sản phẩm khoa học công nghệ của EME, Giáo sư cũng khuyến nghị các đơn vị chủ động đề xuất, nên rõ nhu cầu, yêu cầu hiện có và tương lai về số lượng, chất lượng (mục tiêu, chuẩn đầu ra,...) đối với khoa học công nghệ (KHCN), nguồn nhân lực EME; Tích cực tham gia các khâu của KHCN, đào tạo, kiểm định chất lượng EME; Sử dụng, đãi ngộ sản phẩm KHCN, người lao động theo đúng chất lượng; Tài trợ, hỗ trợ nghiên cứu KHCN, đào tạo nguồn nhân lực EME đáp ứng tốt hơn nhu cầu, yêu cầu, hài lòng của chính mình;…
Với ý tưởng khởi đầu mang tính đột phá cho đổi mới công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Trái Đất- Mỏ- Môi trường, hy vọng rằng, các cơ quan quản lý, các trường đại học, viện nghiên cứu sẽ đề ra được các giải pháp hữu hiệu trong xây dựng các chiến lược, mục tiêu và kế hoạch quản lý, đào tạo và phát triển khoa học công nghệ, nguồn nhân lực đáp ứng được những yêu cầu thực tế và phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế.