Vì Hà Nội không rác thải nhựa – Hành động của cả cộng đồng!

Để gìn giữ một Hà Nội thân thiện, đáng sống và một Thủ đô gương mẫu cho cả nước, xứng danh “Thành phố vì hòa bình”, không rác thải nhựa rất cần sự chung tay của cả cộng đồng.
Nỗ lực chống rác thải nhựa trên thế giới "Ít nhựa thêm xanh" - góp phần chống rác thải nhựa
vi ha noi khong rac thai nhua hanh dong cua ca cong dong
Ông Mai Trọng Thái - Chi cục trưởng Chi cục Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội)

Để hiểu rõ hơn việc TP Hà Nội đã vào cuộc triển khai như thế nào và hiệu quả ra sao trong chiến dịch “Chống rác thải nhựa”, phóng viên Bbáo Tuổi trẻ Thủ đô đã có cuộc phỏng vấn với ông Mai Trọng Thái - Chi cục trưởng Chi cục Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội).

- Thưa ông, là Thủ đô của cả nước, TP Hà Nội đã triển khai những biện pháp gì để tiên phong trong phòng chống rác thải nhựa?

- Thực hiện các Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 11/4/2013 về phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020 và Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.

Thời gian tới, Hà Nội sẽ xây dựng và hoàn thiện chính sách hỗ trợ nhằm tăng cường năng lực về công nghệ và thị trường cho các đơn vị sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường; đưa danh mục dự án đầu tư sản xuất sản phẩm túi, bao gói thân thiện với môi trường vào danh mục các dự án khuyến khích đầu tư xã hội hóa…

Bên cạnh đó, thành phố cũng đẩy mạnh phát triển hạ tầng, dịch vụ thu gom, tái chế chất thải nhựa khó phân hủy sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy; tăng cường nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tiên tiến để tái chế chất thải này trở thành các sản phẩm hữu ích; thực hiện các biện pháp phân loại chất thải tại nguồn...

Hà Nội cũng đề nghị các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, các siêu thị, chuỗi nhà hàng, khách sạn trên địa bàn thành phố cam kết chung tay cùng Chính phủ, UBND thành phố và toàn xã hội trong nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa bằng các hành động cụ thể, thiết thực. Đồng thời, thành phố đẩy mạnh thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong nước, quốc tế và kêu gọi hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài trong chống rác thải nhựa.

- Hiệu quả thực hiện của chiến dịch "Chống rác thải nhựa" đến nay như thế nào và kết quả thực tế ra sao, thưa ông?

- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát động phong trào chống rác thải nhựa, với mục tiêu đến năm 2021, các cửa hàng, chợ, siêu thị tại đô thị không sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần; đến năm 2025, cả nước không sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần.

Hưởng ứng phong trào, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm là vận động, tuyên truyền, kêu gọi sự ủng hộ của doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân tiên phong trong việc nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

Thành phố Hà Nội tích cực vận động, tuyên truyền, kêu gọi doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Siêu thị là nơi sử dụng nhiều túi ni lông để bao gói sản phẩm và bán sản phẩm làm từ nhựa dùng một lần cho người tiêu dùng. Chính vì vậy, nơi đây trực tiếp và gián tiếp thải ra môi trường lượng rác nhựa rất lớn. Vì vậy, thành phố Hà Nội chọn siêu thị, trung tâm thương mại làm điểm đột phá, lan tỏa phong trào nói không với túi ni lông. Mục tiêu được thành phố đề ra là đến ngày 31-12-2020, 100% trung tâm thương mại, siêu thị không dùng túi nilon.

Theo thống kê của của Sở Công Thương Hà Nội, toàn thành phố hiện có 140 siêu thị, 24 trung tâm thương mại và hàng nghìn cửa hàng tiện lợi. Nếu bình quân một siêu thị hoặc trung tâm thương mại dùng 1 tấn bao bì nilon/năm thì tại Hà Nội, riêng hệ thống này đã thải ra môi trường hàng trăm tấn rác thải nhựa. Ngoài ra, trong quầy hàng, các siêu thị còn bán nhiều sản phẩm nhựa dùng một lần như: Ống hút, đĩa, bát, cốc... Do vậy, lượng nhựa các siêu thị trực tiếp hoặc gián tiếp thải ra môi trường thực tế còn lớn hơn nhiều. Từ thực trạng đó, các siêu thị trên địa bàn Hà Nội được chọn là nơi tiên phong triển khai nhiều chương trình, hoạt động chống rác thải nhựa.

Thực tế cho thấy hiệu quả của chương trình được thể hiện qua một số siêu thị như: Co.opmart Hà Đông, Big C Hồ Gươm, các siêu thị thuộc hệ thống Vinmart và cửa hàng Vinmart+..., các siêu thị đều chuyển sang sử dụng túi nilon tự phân hủy để gói hàng cho khách và bán sản phẩm túi, màng bọc thực phẩm, găng tay dùng khi chế biến thực phẩm... làm từ ni lông tự phân hủy. Một số loại rau cũng được gói bằng lá chuối. Chuỗi cửa hàng Vinmart+ hưởng ứng phong trào hạn chế sản phẩm nhựa dùng một lần, cửa hàng đã giảm dần việc sử dụng túi ni lông gói hàng và giảm dần việc nhập bán các loại ống hút, cốc, thìa nhựa...

Nhiều hệ thống siêu thị còn xây dựng kế hoạch dài hạn và những hoạt động thiết thực hưởng ứng phong trào như hệ thống siêu thị Lotte Mart đã cắt giảm nhiều sản phẩm nhựa dùng một lần, thay vào đó là sản phẩm thân thiện với môi trường...

Sau lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa năm 2019 do UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa tổ chức, nhiều công ty, tập đoàn bán lẻ đã tham gia vào liên minh các doanh nghiệp chống rác thải nhựa do Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập. Tham gia liên minh này, các siêu thị thuộc hệ thống Vinmart và cửa hàng Vinmart+ (thuộc Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce - thành viên của Tập đoàn Vingroup) cam kết giảm 20% nguyên liệu nhựa trong sản xuất; phân loại 100% rác thải tại nguồn, ủng hộ hoạt động thu gom chai nhựa đổi lấy sản phẩm cho khách hàng, hạn chế bán túi ni lông khó phân hủy, thay thế túi ni lông khó phân hủy bằng túi sinh học… Hay hệ thống siêu thị Lotte Mart sử dụng hộp giấy thay chai nhựa đựng nước; sử dụng hộp đựng thức ăn bằng nguyên liệu bã mía thay thế hộp xốp... cũng là những cách làm cần được nhân rộng.

- Ông có thể chia sẻ những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện mục tiêu trên của TP Hà Nội?

- Về mặt thuận lợi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát động phong trào chống rác thải nhựa, với mục tiêu đến năm 2021, các cửa hàng, chợ, siêu thị tại đô thị không sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần; đến năm 2025, cả nước không sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần.

Kế hoạch phòng, chống rác thải nhựa và túi nilon trên địa bàn Thành phố Hà Nội luôn được Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo thành phố rất quan tâm, chỉ đạo thực hiện nên công tác phối hợp triển khai của các cấp, các ngành sẽ đạt hiệu quả hơn.

Cụ thể như: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát động phong trào chống rác thải nhựa, với mục tiêu đến năm 2021, các cửa hàng, chợ, siêu thị tại đô thị không sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần; đến năm 2025, cả nước không sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần. Hà Nội cũng đã tổ chức lễ ký Bản cam kết chống rác thải có nguồn gốc từ nhựa trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng của Hà Nội và một số tỉnh, thành phố đến hơn 200 doanh nghiệp sản xuất, phân phối nhằm đạt mục tiêu đến 31/12/2020, 100% trung tâm thương mại, siêu thị không dùng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần.

Về khó khăn, hiện nay phong trào chống rác thải nhựa hưởng ứng cuộc vận động của Chính phủ diễn ra sôi nổi, tích cực. Việc khai tử đồ dùng nhựa là giải pháp tích cực giúp xóa bỏ loại chất nguy hại này đang đe dọa sức khỏe, tính mạng con người. Tuy nhiên, với nhiều người nhận định đây là cuộc chiến đi ngược với số đông do đó sẽ gặp nhiều thách thức.

Cụ thể, do thói quen sử dụng đồ nhựa lâu đời của người dân, sỡ dĩ việc khai tử đồ nhựa là cuộc chiến đi ngược lại số đông là do thói quen sử dụng đồ nhựa cố hữu của người Việt. Gần 20 năm trước, các sản phẩm làm từ chất liệu nhựa từng bước bao trùm toàn bộ đời sống người dân Việt vì rất tiện dụng. Đơn cử là sự xuất hiện của túi nilon như cuộc “cách mạng” thay đổi thói quen của người mua và bán, thay thế cho hình thức gói đụm bọc bằng lá. Ngày nay, người dân có thể dùng túi nilon với nhiều kích cỡ treo thoải mái trên xe, cầm tay, không bị đổ vỡ khi đựng thức ăn, thực phẩm thậm chí là vứt bỏ sau khi dùng. Theo một kết quả khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường, bình quân mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng 223 túi/tháng, tương đương 1kg túi nilon/hộ/tháng. Hàng trăm kg túi nilon được xả môi trường sau khi con người sử dụng. Con số đã minh chứng cho kết quả Việt Nam được xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới.

Bên cạnh đó, hiện nay có không ít người dân sống nhờ rác thải nhựa, điều này cũng sẽ làm cản trở đến hành động khai tử đồ nhựa và ảnh hưởng đến “miếng cơm manh áo” của người dân. Ví dụ, làng tái chế Xà Cầu, thuộc xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa) có hơn 170/800 hộ làm nghề tái chế phế liệu. Nghề tái chế đồ nhựa từ vỏ ô tô, xe máy, can, thùng, chậu, vỏ chai, ống nước, tấm lợp, đến con lợn nhựa… được người dân ở đây tích cực phát triển và gắn bọ dài lâu. Nếu cắt giảm rác thải nhựa thì cũng đồng nghĩa người dân địa phương không thể làm ăn, sinh sống. Làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) cũng “nổi tiếng” là một trong những điểm thu mua và phế liệu trực tiếp. Mỗi ngày có hàng tấn phế liệu nhựa từ đài, tivi, đồ nhựa hỏng đến lông gà, lông vịt tới tấp đổ về làng. Sự phát triển nhanh chóng của nghề này đã tạo góp phần nâng cao thu nhập của người dân.

Ngoài ra, chi phí cho vật dụng thay thế đồ dùng nhựa có giá thành cao. Hiện nay, nhiều nơi đã bắt đầu thay thế đồ dùng nhựa khi bán hàng. Các sản phẩm ống hút tre, ống hút gạo, ống hút cỏ cho đến các bao bì bằng giấy, tủi vải, thủy tinh đã làm giảm thiểu lượng nhựa xả ra môi trường.

Tuy nhiên sử dụng nguyên liệu thiên nhiên thay thế cho đồ dùng nhựa thường tốn kém. Đơn cử như giá thành của ống hút tre là 120.000 đồng/10 chiếc, người bán lẫn người mua vẫn còn e dè dùng nó để thay thế cho ống hút nhựa. Thay thế bao bì, xanh hóa trong quy trình sản xuất dễ gây khó khăn cho doanh nghiệp, người kinh doanh lẫn người sử dụng bởi các sản phẩm sinh học hiện nay đắt hơn các sản phẩm nhựa, nilông. Với những người thu nhập thấp có thể bị ảnh hưởng.

Việc thu hút các nhà đầu tư có công nghệ hiện đại vào sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần sẽ mất khá nhiều thời gian.

Khai tử rác thải nhựa bằng biện pháp luật hóa là đòn bẩy quan trọng để nước ta có thể cắt giảm rác thải, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của người dân. Tuy nhiên cuộc chiến loại bỏ đồ nhựa sẽ gặp nhiều khó khăn và thử thách, lộ trình luật hóa rác thải nhựa đòi hỏi sự nỗ lực và kiên quyết từ mọi phía.

- Là cơ quan chuyên môn, tham mưu của thành phố Hà Nội về công tác môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện nhiệm vụ của mình như thế nào, thưa ông?

- Với tư cách là cơ quan chuyên môn, tham mưu Thành phố Hà Nội về công tác bảo vệ môi trường Thủ đô, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 25/10/2019 về Phòng, chống rác thải nhựa và túi ni lông đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Trước hết tại cơ quan, đơn vị, Sở Tài nguyên và Môi trường quán triệt các phòng ban, đơn vị không sử dụng nước đóng chai trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo thay thế bằng bình nhựa lớn 20lit, sử dụng cốc thủy tinh, bình thủy tinh, cắt giảm tối đa các sản phẩm từ nhựa và bao bì nhựa trong hoạt động thường xuyên. Phát động phong trào mỗi cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng vận động người dân, tổ dân phố cùng tham gia thực hiện “Nói không với túi nilon khó phân hủy sử dụng một lần và hạn chế với sản phẩm nhựa khó phân hủy sử dụng một lần”.

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung vào tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức cộng đồng, cụ thể: Xây dựng các tài liệu tuyên truyền hướng dẫn phân loại rác; tác hại của chất thải nhựa, biện pháp giảm thiểu chất thải nhựa và túi nilon trong sinh hoạt; Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí, truyền trình, đài truyền thanh cấp huyện xã và các cơ quan Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội để tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân, khuyến khích, hướng dẫn sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường và giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy đối với từng hộ gia đình, các khu dân cư, chợ, siêu thị, trường học, trung tâm thương mại, khu du lịch, danh lam thắng cảnh, khu di tích lịch sử...

Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Thành phố Hà Nội thực hiện điều tra, khảo sát thống kê các cơ sở sản xuất bao bì dùng từ nhựa đang hoạt động trên địa bàn Thành phố, để nghiên cứu xây dựng quy định cấm các đơn vị, cơ sở sản xuất bao bì tiêu dùng bằng nhựa sử dụng một lần, thực hiện cam kết đến hết năm 2020 không còn cơ sở sản xuất bao bì tiêu dùng từ nhựa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Đề xuất thay thế công nghệ sản xuất bao bì lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, khuyến khích sử dụng công nghệ hiện đại, sản xuất các sản phẩm túi đựng thân thiện môi trường. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chinh sách, hỗ trợ và ưu đãi đối với hoạt động thu gom, tái chế, xử lý rác thải nhựa và túi nilon, phát triển hạ tầng, dịch vụ thu gom, tái chế chất thải nhữa, tăng cường hợp tác quốc tế chuyển giao công nghệ tiên tiến tái chế chất thải nhựa sản xuất các sản phẩm hữu ích, thân thiện môi trường. Đẩy mạnh phân loại chất thải tại nguồn, thu gom, tái chế rác thải nhựa.

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu UBND Thành phố tuyên dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhận tiêu biểu thực hiện tốt phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn Thành phố Hà Nội để lan tỏa những hành động đẹp, ý nghĩa tới toàn thể người dân cùng hưởng ứng và hành động vì Thủ đô không rác thải nhựa.

- Thưa ông, để có thể hoàn thành mục tiêu mà TP Hà Nội đề ra, ngoài sự vào cuộc của các cấp chính quyền thì vai trò của doanh nghiệp, người dân là như thế nào?

- Để hoàn thành mục tiêu mà Thành phố Hà Nội đề ra, ngoài sự vào cuộc của các cấp chính quyền từ Trung ương tới địa phương, thì vai trò của doanh nghiệp, các cơ sở dinh doanh dịch vụ và người dân là đặc biệt quan trọng, là yếu tố quyết định đến sự thành công của phong trào phòng chống rác thải nhựa trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Ước tính, bình quân mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng 1kg túi nilon/tháng, tương ứng hàng chục triệu túi ni lông thải ra môi trường mỗi ngày. Như vậy, để phong trào nói không với ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần đạt hiệu quả, cần bắt đầu thực hiện ngay từ mỗi gia đình, sự chung tay của cả cộng đồng.

Ngoài những chính sách, chế tài của các cơ quan chức năng, công tác tuyên truyền cần phải sâu hơn, mạnh hơn nữa… nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của rác thải nhựa, định hướng người tiêu dùng đến sử dụng các sản phẩm xanh thân thiện môi trường, khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hạn chế tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, thay thế bằng các sản phẩm dùng nhiều lần, tự tiêu hủy và thân thiện môi trường.

Cùng với đó, vận động, khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp tích cực nghiên cứu, sáng chế sản phẩm thân thiện với môi trường để thay thế sản phẩm ni lông. Xây dựng, hoàn thiện chính sách hỗ trợ giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường; đưa các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm nhựa tái chế, bao bì thân thiện với môi trường vào danh mục dự án khuyến khích đầu tư xã hội hóa... Mặt khác, cần hỗ trợ, biểu dương, nhân rộng những mô hình không sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần…

- Xin cảm ơn ông!

* Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2019
Tuổi trẻ Thủ đô
Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động