Nam Trực - Nam Định:

Tiêu hủy lợn '5 không' ở Tân Thịnh, chính quyền địa phương nói gì?

Sau khi Tuổi trẻ & Pháp luật có bài phản ánh về việc tiêu hủy lợn dịch “5 không” ở xã Tân Thịnh  (Nam Trực - Nam Định), mới đây, ông Phạm Ngọc Châu, Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh đã làm việc với phóng viên.
Dịch tả lợn châu Phi: Sự vô cảm sẽ giết chết niềm tin [Infographic] Dịch tả lợn châu Phi quét qua 34 tỉnh thành, tiêu diệt 1,5 triệu con lợn Nam Định: Rùng mình khi tiêu hủy lợn "5 không" tại xã Tân Thịnh

Tại buổi làm việc, ông Châu cho biết: “Ngay hôm có bài phản ánh về địa phương, chúng tôi đã xử lý 11 điểm. Do địa bàn ở đây phức tạp, các gia đình nuôi không tập trung theo kiểu trang trại mà nhà thì mấy con, có nhà chỉ 1 con bị chết thì cũng phải đến tiêu hủy. Đội phòng dịch thì chỉ có 5 người, nên vận hành khó. Hôm xử lý tiêu hủy tại thôn Đồng Lư (Tân Thịnh), đội phòng dịch còn tập trung xử lý bên thôn Nam Hà. Xã thì nhiều việc mà mà có mỗi mình tôi nên cũng không thể tránh khỏi sơ suất". (Hiện tại xã Tân Thịnh chỉ có Chủ tịch UBND xã mà không có cấp phó - PV).

tieu huy lon 5 khong o tan thinh chinh quyen dia phuong noi gi
Sau khi Tuổi trẻ & Pháp luật phản ánh thì khu vực tiêu hủy lợn đã được xã Tân Thịnh khắc phục thêm biển cảnh báo

Giải thích cho việc các cán bộ thú y không mặc quần áo bảo hộ, không rắc vôi bột, ông Châu cho rằng do dịch tả lợn châu Phi không lây qua người nên đội phòng chống dịch của xã có sự chủ quan.

Để thông tin chính xác tình hình dịch và công tác kiểm soát dịch tại địa phương, PV đề xuất được tiếp cận các văn bản giấy tờ liên quan nhưng ông Châu từ chối. Lý do là xã nhiều việc mà những giấy tờ ấy bộ phận văn phòng quản lý.

tieu huy lon 5 khong o tan thinh chinh quyen dia phuong noi gi

Nhằm làm rõ hơn trách nhiệm trong việc tiêu hủy "5 không" của xã Tân Thịnh, PV đã trao đổi với ông Vũ Văn Thắng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Trực.

“Huyện đã lấy việc làm chưa đúng của xã Tân Thịnh trong việc tiêu hủy lợn nhiễm dịch được phản ánh trên báo chí làm bài học rút kinh nghiệm. Chúng tôi cũng chỉ đạo các xã khác thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ hơn nữa để đỡ dịch bệnh và hạn chế ô nhiễm môi trường. Đối với các hộ có lợn bị tiêu hủy thì theo quyết định của tỉnh Nam Định thì mức hỗ trợ sẽ là 45 nghìn/ kg đối với lợn nái, còn lợn thịt là 30 nghìn/kg”, ông Thắng cho biết.

Mặc dù chỉ đạo “khá quyết liệt”, nhưng theo tìm hiểu của PV, đến nay huyện Nam Trực không thành lập chốt kiểm dịch.

Giải thích điều này, ông Thắng cho rằng sẽ rất khó kiểm soát được bởi các xe chở lợn đi rất nhanh. Các xe đi qua chỉ phụt khử trùng thì cũng không có tác dụng gì. Ông Thắng cho rằng những việc ấy chỉ thuộc vào hệ phòng dịch, còn bây giờ huyện chủ yếu tập trung vào công tác dập dịch.

Theo ông Vũ Văn Thắng, từ ngày mùng 10 đến ngày 27/4 dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng 20/20 xã.

Một diễn biến liên quan đến dịch tả lợn châu Phi, mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chủ trương: “Phòng chống dịch như chống giặc, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng chống dịch tả lợn châu Phi; Cần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác này”.

Trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 37 tỉnh thành làm 1,6 triệu con lợn phải tiêu hủy, việc siết chặt công tác phòng chống dịch ở các địa phương, lấy người dân làm cơ sở là hết sức cần thiết.

Các chuyên gia về thú y cho rằng, các cơ quan chức năng, người chăn nuôi cần hợp lực để phòng chống đúng cách thì dịch tả lợn châu Phi mới được khống chế hoàn toàn.

Nhóm PV
Phiên bản di động