Đã có tới 6/9 huyện của tỉnh Yên Bái xuất hiện dịch tả lợn châu Phi
Dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện ở Quảng Nam, có nguy cơ bùng phát mạnh Yên Bái triển khai các biện pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi lây lan |
Theo thông tin từ Cổng Thông tin điện tử tỉnh Yên Bái, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu và chỉ đạo tổ chức tiêu hủy 1.069 con lợn (với tổng trọng lượng 47.623 kg) bị dịch bệnh tả lợn châu Phi của 244 hộ chăn nuôi thuộc 25 thôn, 10 xã phường, thị trấn trên địa bàn 6 huyện thị xã, thành phố là thị xã Nghĩa Lộ, các huyện Văn Chấn, Trấn Yên, Trạm Tấu, Lục Yên và Yên Bình.
Ngay sau khi xảy ra dịch bệnh (7/5), UBND tỉnh Yên Bái đã cấp 3.622 lít sát trùng cùng các vật tư để thực hiện công tác phun tiêu độc khử trùng tại các ổ dịch và vùng uy hiếp, vùng đệm và các chốt kiểm dịch. Hiện vẫn đang tiếp tục cấp thuốc sát trùng cho các địa phương để chống dịch.
Đã có tới 6/9 huyện của tỉnh Yên Bái xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Ảnh CTTĐT Yên Bái. |
Các địa phương phát hiện dịch đã và đang thành lập chốt kiểm soát dịch bệnh để khống chế và ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng, trong đó chú trọng đến công tác kiểm soát việc vận chuyển lợn và tiêu thụ các sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái - Ông Trần Đức Lâm cho biết: “Để ứng phó với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND xã, phường, thị trấn tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Trong đó cần tăng cường giám sát, phát hiện bệnh, nếu có triệu chứng lâm sàng, nghi Dịch tả lợn Châu Phi lấy mẫu xét nghiệm; Kiểm tra buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm việc vận chuyển buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc theo quy định”.
“Thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng sau mỗi đợt họp chợ, cơ sở giết mổ, nơi buôn bán lợn; Hướng dẫn người chăn nuôi, cơ sở tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn; nếu phát hiện lợn bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi, lợn chết không rõ nguyên nhân hoặc nghi nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi báo chính quyền địa phương, cơ quan thú y lấy mẫu xét nghiệm bệnh; Mua con giống phải rõ nguồn gốc, đặc biệt thời gian này không nên tăng đàn; Cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh, tuyên truyền hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh...” – ông Lâm cho biết thêm.
Mới đây nhất, UBND tỉnh Yên Bái đã thành lập 2 chốt kiểm soát phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại Quốc lộ 2D, khu vực nhà bà Trần Thị Lộc thôn Ngòi Sen, xã Văn Tiến (giáp xã Hậu Bổng, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) và trên Quốc lộ 32C, khu vực trạm Kiểm lâm cơ động thôn Đắng Con, xã Âu Lâu.