Tiết Thanh minh: Niệm Phật báo ân
Tiết Thanh minh là gì?
Với đạo lý "uống nước nhớ nguồn", từ xa xưa Tiết Thanh Minh đã trở thành ngày lễ quan trọng, thiêng liêng, đi sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam.
Thanh minh tuy không phải là lễ lớn, nhưng lại gắn liền với đạo đức, với bổn phận con người Việt Nam – bổn phận của con cháu tưởng nhớ công lao của tổ phụ, của những người đi trước. Đây chính là ngày giỗ tổ chung để mọi người có dịp báo hiếu, trả nghĩa, đền đáp phần nào ơn sinh thành tạo dựng của tổ tiên.
Thanh minh là tiết thứ 5 trong 24 tiết khí hằng năm, sau Lập xuân 45 ngày, hoặc sau Đông Chí 105 ngày. Năm nay, tiết Thanh Minh là ngày mùng 5/4 Dương lịch (tức 1/3 Âm lịch).
Tiết Thanh minh kéo dài 15-16 ngày (khoảng từ 20 - 21/4 Dương lịch). Theo truyền thống, trong khoảng thời gian này các gia đình tổ chức cho con cháu trong họ làm lễ tảo mộ - du xuân, người đi làm ăn xa cũng hẹn nhau trở về để cùng đi tảo mộ gia tiên, sum họp với gia đình.
Ảnh minh họa
Chuẩn bị cúng Thanh minh
Nhiều nhà tâm linh chia sẻ, Thanh minh cần 2 lễ: Một lễ cúng mặn đặt ở miếu quan Thần linh; Hai là lễ thanh bông hoa quả đặt ở mộ phần gia tiên.
Việc đầu tiên tới nghĩa trang là dâng lễ cúng quan Thần linh (nghĩa trang lớn có Ban thờ đức Phật Địa Tạng, nghĩa trang nhỏ có miếu thờ, hoặc cây hương) – là vị cai quản khu vực nghĩa trang, giống như xin phép vào thăm và sửa sang mộ phần cho gia tiên. Nếu không có miếu Thần linh thì có thể dùng bàn nhỏ đặt đồ lễ, tuyệt đối không cúng Thần linh tại mộ phần.
Lễ mặn đặt ở miếu quan Thần linh có thể đặt theo công thức: 5 bánh bao, miếng thịt (nếu có), xôi, hoa quả, tiền vàng (1 lễ nhỏ), bánh kẹo tùy tâm.
Sau đó mọi người chia ra kiểm tra mộ phần của tổ tiên xem cần phải được quét dọn cỏ dại, thêm đất mới và hoa tươi, quét dọn cả phía sau mộ. Quá trình tảo mộ trong lòng luôn cung kính, hoan hỉ. Nếu bát hương, đồ thờ cúng bị hỏng, vỡ thì thay thế. Tục xưa tiết Thanh minh chỉ đắp đất và tôn cao, không đào bới mộ phần.
Tiếp đó, đặt lễ hoa quả, lễ vàng nhỏ, rồi thắp hương. Nếu nhiều mộ thì đặt một lễ chung lên mộ phần người có thứ bậc cao nhất (cụ Tổ, Trưởng họ, hay người cao niên nhất…) rồi khấn vái mời gia tiên cùng thụ hưởng. Việc khấn nguyện cần thành tâm, dễ nhất là theo Văn khấn Việt Nam (Thượng tọa Thích Thanh Duệ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát hành), khấn cầu cho các vong linh được an nhàn yên ổn, sớm siêu thoát, phù hộ cho con cháu mạnh khỏe an bình, bốn mùa không tật ách, tám tiết hưởng thanh bình. Nên thắp hương tới những mộ phần quanh đó, nhất là những ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng.