Tiếng chuông cảnh tỉnh giới trẻ từ vụ lừa đảo của Mr Pips
Hậu quả từ lòng tham và thiếu hiểu biết
Theo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công an TP Hà Nội, năm 2024, Công an TP đã phá hai vụ án lừa đảo nghiêm trọng trên không gian mạng. Đáng chú ý, vụ án do Phó Đức Nam và Lê Khắc Ngọ cầm đầu liên quan đến 33 bị can bị khởi tố về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, không tố giác tội phạm và rửa tiền; 5 bị can bị truy nã quốc tế.
Tổng tài sản thu giữ lên tới 5.300 tỷ đồng. Đặc biệt, hơn 1.000 học sinh, sinh viên tại Cầu Giấy đã tham gia đường dây này, nhiều người biết hành vi lừa đảo nhưng vẫn tiếp tay, khiến họ đối mặt nguy cơ “rơi vào vòng lao lý”.
![]() |
Phó Đức Nam (Mr Pips thời điểm bị bắt giữ) |
TS. LS. Đặng Văn Cường phân tích: “Phó Đức Nam đã lợi dụng lòng tham và sự thiếu hiểu biết pháp luật của giới trẻ, quảng bá các hình thức đầu tư tài chính, tiền ảo, sàn chứng khoán quốc tế để lôi kéo họ tham gia.
Một số người nhẹ dạ cả tin trở thành nạn nhân, nhưng nhiều học sinh, sinh viên vì lòng tham, coi thường pháp luật hoặc thiếu kỹ năng sống đã trở thành đồng phạm, giúp sức cho hành vi lừa đảo.” Theo Điều 174 Bộ luật Hình sự, người từ 16 tuổi trở lên, nếu cố ý giúp sức chiếm đoạt tài sản từ 2 triệu đồng trở lên, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm, mức phạt cao nhất lên đến tù chung thân nếu tài sản chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên.
Cơ quan điều tra đang phân loại vai trò của những người tham gia, từ nạn nhân, người liên quan đến đồng phạm. TS. Cường nhấn mạnh: “Nếu có bằng chứng cho thấy học sinh, sinh viên biết hành vi gian dối, như truyền tải thông tin sai sự thật để dụ dỗ nạn nhân chuyển tiền, mà vẫn thực hiện vì lợi ích cá nhân, họ sẽ bị xử lý hình sự. Pháp luật không khoan nhượng với bất kỳ ai, dù là học sinh, sinh viên, nếu đủ năng lực trách nhiệm hình sự”.
Giáo dục pháp luật và kỹ năng sống cho giới trẻ
Việc hơn 1.000 học sinh, sinh viên liên quan đến một vụ án lừa đảo là hồi chuông cảnh tỉnh về ý thức pháp luật và đạo đức của thế hệ trẻ; TS. LS. Đặng Văn Cường cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng này bao gồm: thiếu hiểu biết pháp luật, coi thường quy định, lòng tham, hoặc ảo tưởng về tính ẩn danh trên không gian mạng.
“Nhiều bạn trẻ nghĩ hành vi trên mạng khó bị phát hiện, hoặc không nhận thức được hậu quả pháp lý. Tuy nhiên, pháp luật bắt buộc mọi người phải nhận thức hành vi gian dối là vi phạm, và đồng phạm giúp sức cũng chịu trách nhiệm như kẻ chủ mưu”, luật sư nhấn mạnh.
![]() |
Học sinh hào hứng tham gia học kỹ năng sống |
Hậu quả của vụ án không chỉ là hình phạt tù mà còn là tương lai mờ mịt của nhiều học sinh, sinh viên. Dù pháp luật khoan hồng với người dưới 18 tuổi (mức phạt tù tối đa 18 năm), những sinh viên trên 18 tuổi có thể đối mặt án tù chung thân, đánh mất cơ hội học tập và sự nghiệp.
TS. Cường kêu gọi: “Các nhà trường, gia đình cần tăng cường giáo dục pháp luật, đạo đức và kỹ năng sống để học sinh, sinh viên nhận diện thủ đoạn lừa đảo, biết điểm dừng trong các hoạt động trên mạng và tránh tiếp tay cho tội phạm”.
![]() |
Học sinh Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghệ (TTC) sôi nổi trong tiết học kỹ năng sống |
Vụ án Phó Đức Nam là bài học đắt giá, nhấn mạnh sự cần thiết của việc nâng cao nhận thức pháp luật trong giới trẻ.
TS. LS. Đặng Văn Cường khuyến nghị các cơ quan chức năng phối hợp với nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền, giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hậu quả của hành vi vi phạm và xây dựng ý thức tuân thủ pháp luật, tránh sa vào cạm bẫy của tội phạm công nghệ cao.
“Chỉ khi được trang bị kiến thức và kỹ năng đầy đủ, các bạn trẻ mới có thể tự bảo vệ mình và đóng góp tích cực cho xã hội”, luật sư kết luận.