Thủy điện ngăn dòng tích nước bất chấp hàng trăm héc ta hoa màu chết khô
Giữa mùa hạn nhưng các Công ty Thủy điện đã ngăn dòng khiến hàng trăm diện tích hoa màu của người dân bị thiệt hại |
Thủy điện tích nước hàng trăm héc ta hoa màu khô hạn
Thủy điện Thượng Kon Tum (thuộc Công ty Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh) đã ngăn dòng từ ngày 26/2; Thủy điện Đắk Ne (thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư năng lượng Trường Thịnh) xả không đủ nước ra ngoài môi trường.
Hai sự việc này khiến hơn 100ha cây trồng của người dân thôn 3 (xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) bị khô héo và có nguy cơ chết trắng vì thiếu nước. Trong khi 2 thủy điện này đang “đá bóng” trách nhiệm cho nhau, cơ quan chức năng “hứa” sẽ vào cuộc, thì nhiều hộ dân đang đứng ngồi không yên vì cây trồng đang héo úa từng ngày.
Theo một số người dân xã Tân Lập (huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) phản ánh, gần một tháng qua, dòng sông Đăk Snghé cạn khô khiến cây trồng không đủ nước tưới. Nguyên nhân chính là do thủy điện tích nước khiến sông bị cạn. Kéo theo đó là, khoảng 100ha hoa màu, cây công nghiệp bị khô héo, nguy cơ chết trắng.
Bà Doãn Thị Nhâm (thôn 3, xã Tân Lập) cho biết, gia đình bà canh tác 1,3 ha lúa. Tất cả diện tích lúa của gia đình đều dựa vào nguồn nước từ sông Đăk Snghé. Tuy nhiên, gần 1 tháng nay, dòng nước đổ về kênh dẫn ra ruộng bỗng nhiên cạn kiệt khiến hơn 1ha lúa của gia đình bà bị chết héo, còn lại 3 sào thì đang có dấu hiệu vàng úa.
"Kể từ khi nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum chặn dòng, thì kênh nước dẫn ra đồng cũng bắt đầu cạn nước. Chúng tôi cũng đã ý kiến lên UBND xã, huyện, nhưng tình trạng vẫn chưa được giải quyết. Nếu tình trạng này tiếp diễn, chỉ 3 ngày nữa ruộng lúa của gia đình tôi cũng chết hết.”, bà Nhâm bức xúc nói.
Dân xót xa nhìn những cây cà phê, hoa màu bị chết khô |
Gia đình ông Đặng Văn Thương (thôn 3, xã Tân Lập) phản ánh: Gia đình tôi đang vay ngân hàng gần 700 triệu để đầu tư 6ha cà phê. Tuy nhiên, những ngày qua do thiếu nước nên 1ha cà phê trồng năm thứ 2 không thể cứu vãn được. Ngoài ra, gần 5ha cà phê đang cho thu hoạch đứng trước nguy cơ chết nếu những ngày tới tiếp tục không đủ nước.
"Để cứu cà phê gia đình tôi phải đặt 5 máy bơm, thuê người tưới. Tuy nhiên, nước không đủ khiến cây cà phê rủ lá, thân còi cọc. Nếu tình hình này cứ tiếp diễn toàn bộ gần 6ha cà phê của gia đình coi như mất trắng. Số tiền nợ ngân hàng gia đình tôi không biết xoay xở ra sao”, ông Thương cho biết.
Trao đổi với phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Đặng Tuấn Tịnh (Chủ tịch UBND xã Tân Lập) cho biết: Trước đây, lượng nước tưới tiêu cho cây trồng của người dân không bao giờ thiếu. Tuy nhiên, hơn nửa tháng trở lại đây, thủy điện Thượng Kon Tum chặn dòng thì khoảng 100ha lúa, cây công nghiệp của người dân bị khô héo do thiếu nước.
"Người dân đã nhiều lần phản ánh, chính quyền địa phương đã trình lên các cấp để có hướng hỗ trợ, xử lý. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục xảy ra thì nhiều diện tích cây trồng của người dân sẽ bị chết khô, không thể cứu được", ông Tịnh nói.
Người dân mong muốn chính quyền sớm có biệp pháp giúp cứu các diện tích còn lại khỏi nguy cơ chết khô |
Dân mong sớm cứu hoa màu khỏi cảnh chết khô
Được biết, cuối tháng 2/2020, UBND tỉnh Kon Tum đã có công văn số 554/UBND-HTKT về việc tích nước tạm hồ chứa thủy điện Thượng Kon Tum (trên địa bàn huyện Kon Plông), phục vụ công tác nghiệm thu hạng mục cụm đầu mối (đập dâng, đập tràn, cửa nhận nước) và vận hành thử nghiệm thiết bị. Thời gian cho thủy điện tích nước là 60 ngày. Tuy nhiên, ngay khi thủy điện này bắt đầu quy trình tích nước, thì tình trạng khô hạn xuất hiện.
Theo thống kê của UBND huyện Kon Rẫy, sau hơn 20 ngày sông Đăk Snghé bị chặn dòng đã có hơn 113 ha cây công nghiệp, cây ăn trái, gần 3ha lúa vụ Đông Xuân (trong đó nặng nhất là xã Tân Lập với 92 ha cà phê, gần 6 ha tiêu…) bị khô hạn nặng.
Ông Nguyễn Việt Cường (Chánh văn phòng UBND huyện Kon Rẫy) cho biết, huyện mới nhận được báo cáo của xã Tân Lập về việc này và đang khẩn trường tìm giải pháp để phục vụ đủ nước tưới cho bà con.
"Để phục vụ nước tưới cho người dân, ngày 12/3 UBND huyện Kon Rẫy đã tổ chức cuộc họp với 2 hai nhà máy thủy điện, nhưng nhà máy thủy điện Đăk Ne không ký vào biên bản cuộc họp. Sau đó, UBND huyện tiếp tục làm việc thì thủy điện này đã chấp hành điều tiết nước cho người dân theo lịch 3 lần mỗi ngày. Hiện, UBND huyện đang tiếp tục giám sát việc điều tiết nước của 2 thủy điện này. Nếu lượng nước không đủ phục vụ sản xuất, tưới tiêu, UBND huyện sẽ báo cáo UBND tỉnh có biện pháp xử lý", ông Cường nói.
Người dân tìm các biện pháp cứu hạn cho cây trồng |
Ông Lê Như Nhất (Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kon Tum) cho rằng: Thủy điện Thượng Kon Tum chặn dòng, tích nước đã để lại một nhánh nhỏ chảy về đập thủy điện Đăk Ne. Dòng chảy này có lưu lượng hơn 1m3/s. Trong khi đó, với lưu lượng 0,29m/s là đủ lượng nước tưới cho bà con ở Tân Lập. Để đảm bảo sản xuất của người dân, Sở Công Thương yêu cầu phía thủy điện Đăk Ne tạm dừng việc phát điện, ưu tiên cho mục tiêu xả nước đảm bảo cho việc sản xuất của người dân phía hạ lưu.