Thường trực Chính phủ: Khuyến khích bán điện mặt trời mái nhà nhưng có điều kiện

Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa chính sách khuyến khích đầu tư cho loại hình điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu...
Bộ trưởng Bộ Công thương: Dứt khoát không có mua bán điện mặt trời mái nhà Thứ trưởng Bộ Công thương nói về chính sách điện mặt trời mái nhà

Văn phòng Chính phủ ban hành Văn bản số 205/TB-VPCP thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về tình hình xây dựng, trình ban hành Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Theo Thường trực Chính phủ, Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu là chính sách quan trọng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người dân chủ động một phần nguồn điện, sản xuất, phát triển xanh, góp phần giảm áp lực về nhu cầu cung ứng điện lên hệ thống điện quốc gia, góp phần bảo đảm cung ứng điện trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Tuy nhiên, để Nghị định nêu trên đi vào cuộc sống, khuyến khích được người dân sử dụng nguồn năng lượng tái tạo sẵn có, Thường trực Chính phủ đề nghị Bộ Công thương bổ sung, làm rõ các nội dung chính sách, bảo đảm thực hiện đúng mục tiêu khuyến khích một cách thực chất, khả thi trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Đồng thời, Thường trực Chính phủ đề nghị Bộ Công thương rà soát kỹ lưỡng để đảm bảo việc đề xuất chính sách không được sơ hở dẫn đến việc lợi dụng chính sách.

Cụ thể, đối với Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, Thường trực Chính phủ đề nghị làm rõ nội hàm tự sản, tự tiêu; quy định rõ trách nhiệm của các Bộ (Xây dựng, Công an, Công thương…) trong việc quy định các thủ tục về phòng cháy chữa cháy, xây dựng, điều kiện kỹ thuật… để có thể thực hiện ngay khi Nghị định được ban hành, không phải chờ thông tư hướng dẫn.

Đồng thời, Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa chính sách khuyến khích đầu tư cho loại hình sản xuất nguồn điện này; quy định việc tích điện cụ thể để nguồn tự sản, tự tiêu nhưng sử dụng không hết được bán thế nào, giá bán trên nguyên tắc nào, nên khuyến khích bán nhưng có điều kiện…

Thường trực Chính phủ: Khuyến khích bán điện mặt trời mái nhà nhưng có điều kiện
Thường trực Chính phủ đề nghị Bộ Công thương rà soát kỹ lưỡng để đảm bảo việc đề xuất chính sách không được sơ hở dẫn đến việc lợi dụng chính sách.

Trước đó, chiều 4/5, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Hội thảo tham vấn kỹ thuật về dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong trường hợp không sử dụng điện quốc gia, và không sử dụng điện trên lưới quốc gia thì không giới hạn công suất. Điều này phù hợp với Quyết định số 500/QĐ-TTg của Thủ tướng và không có hoạt động mua bán điện.

"Dứt khoát phải như vậy, vì nếu có phát sinh hoạt động mua bán điện thì phải tuân thủ theo pháp luật hiện hành, có giấy phép hoạt động điện lực và tuân thủ theo quy định của pháp luật hiện hành", ông Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

Theo Bộ trưởng, loại hình điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu được xây dựng với nhiều cơ chế ưu đãi như được nối lưới, miễn giấy phép hoạt động điện lực, không phải điều chỉnh công năng đất.

Do đó, nếu cho mua bán sẽ gây ra tình trạng phát triển ồ ạt, khó kiểm soát dẫn tới tình trạng mất cân đối nguồn điện, gây áp lực lên hệ thống truyền tải điện quốc gia, nhất là khi hệ thống phải tiếp nhận thêm một lượng nguồn rất lớn chưa xác định được là bao nhiêu, phát triển ở nhà dân, trong công sở, trong các doanh nghiệp.

"Lợi ích nhìn thấy nhưng rủi ro cũng rất lớn. Đồng thời, điều này vô hình chung tạo nên sự thiếu công bằng và xung đột lợi ích trong vận hành các nguồn điện, đặc biệt đối với các nguồn điện nền", ông Diên nói.

Cũng theo ông Diên, việc cho phép mua bán điện đối với nguồn điện mặt trời mái nhà nếu vượt nhu cầu sử dụng có thể dẫn đến cổ súy cho việc trục lợi chính sách, khi các đối tượng này không phải tuân thủ các quy định của pháp luật mà lại được hưởng nhiều chính sách ưu tiên, không phải chịu các rủi ro như chủ đầu tư các dự án điện khác.

Góp ý tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, khi chưa tính toán được toàn bộ lợi ích, chi phí và các hệ lụy của việc các hộ điện mặt trời tự sản tự tiêu bán điện vào lưới thì nên ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng.

Theo ông Tuấn, việc ghi nhận nghĩa là giá trị tài sản xã hội đó được xác nhận là đóng góp (hoặc tác động bất lợi) đối với bên cung cấp điện, như vậy cần có những tính toán cụ thể về lợi và hại của sản lượng điện này.

Nói rõ hơn, ông Tuấn cho biết, mặt lợi là giảm đầu tư nguồn mới, giảm được chi phí truyền tải phân phối, giảm phát thải khí nhà kính… Trong khi đó, mặt hại là phải tiết giảm hoặc ngừng các tổ máy phát điện có hiệu quả kinh tế, tăng chi phí điều độ, điều áp dưới tải,… do dư thừa nguồn vào thấp điểm trưa và không phát vào cao điểm chiều.

Do đó, ông Tuấn cho rằng giá trị ghi nhận này, trước mắt, có thể được Chính phủ cho phép hạch toán vào chi phí đầu tư cung cấp điện cho vùng sâu, vùng xa, không được coi là lợi nhuận của bên cung cấp điện. Cần có những giải thích rõ ràng để tránh suy diễn, kích động đối với chính sách.

“Về giá 0 đồng là có tính chất thận trọng, tạm thời, chống trục lợi chính sách trong khi chưa có những kinh nghiệm thực tế áp dụng. Vì vậy kiến nghị trong nghị định cần có quy định về thời gian áp dụng mức giá 0 đồng này, ví dụ cho giai đoạn 3 năm 2024-2027”, ông Tuấn chia sẻ.

Ông Tuấn cho biết thêm, Bộ Công thương nên tiếp tục cho nghiên cứu tính toán, đánh giá đầy đủ lợi ích, chi phí về kỹ thuật, tác động về pháp lý, kinh tế xã hội để giai đoạn sau có quy định giá hợp lý. Khi đó, Nhà nước có thể quy định mức giá cao, thấp hoặc giá âm, tùy thời điểm và khu vực địa lý.

Hậu Lộc
Phiên bản di động