Thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa DNNN, hạn chế những bất cập

Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, cử tri TP. Đà Nẵng đã kiến nghị về tiến độ thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, việc đánh giá, định giá tài sản của doanh nghiệp cổ phần còn bất cập, giá trị định giá quá thấp, gây thất thoát tài sản nhà nước.    
Đà Nẵng: Bất nhất trong điều hành khiến không ít doanh nghiệp gặp khó Đà Nẵng: Họp báo về những vấn đề "nóng" tại các dự án bất động sản Sở Xây dựng Đà Nẵng lên tiếng về dự án Bến du thuyền Công ty Bến du thuyền Đà Nẵng: Chúng tôi không lấn sông, phân lô bán nền

Trước kiến nghị mà cử tri Đà Nẵng nêu, Bộ Tài chính đã có ý kiến trả lời. Trong đó khẳng định, việc giá trị định giá quá thấp, gây thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) như cử tri Đà Nẵng nêu là chưa có cơ sở.

thuc day tien trinh co phan hoa dnnn han che nhung bat cap
Cử tri TP. Đà Nẵng kiến nghị về tiến độ thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước còn chậm (Ảnh H.Nam)

Theo đó, công tác thẩm định giá, tài sản do các tổ chức, doanh nghiệp (DN) thực hiện theo quy định của Luật giá số 11/2012/QH13 ngày 20/06/2012; Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 06/08/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá; Thông tư số 122/2017/TT-BTC ngày 15/11/2017 của Bộ Tài chính ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 12. Đồng thời, các Công ty phải chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định giá của mình.

Trên cơ sở giá khởi điểm được cấp có thẩm quyền xác định tại phương án cổ phần hóa được phê duyệt, doanh nghiệp sẽ tổ chức bán cổ phần. Việc bán cổ phần được tổ chức đấu giá công khai thực hiện tại các Sở Giao dịch chứng khoán. Trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa có khối lượng cổ phần bán ra có mệnh giá dưới 10 tỷ đồng thì cơ quan đại diện chủ sở hữu có thể xem xét, quyết định tổ chức đấu giá tại các công ty chứng khoán hoặc trung tâm dịch vụ, doanh nghiệp đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.

Với các quy định nêu trên, đã giúp khắc phục các bất cập trong công tác định giá tài sản của DN cổ phần hóa, doanh nghiệp cổ phần hóa tổ chức bán đấu giá cổ phần công khai, minh bạch theo đúng nguyên tắc thị trường.

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước định kỳ tiến hành kiểm toán việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các DNNN và DN có vốn nhà nước, cũng như triển khai các cuộc kiểm toán chuyên đề liên quan đến cổ phần hóa. DN cổ phần hóa và tổ chức tư vấn định giá có trách nhiệm giải trình, cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến công tác xác định giá trị DN và xử lý các vấn đề tài chính trước khi định giá theo yêu cầu của Kiểm toán nhà nước.

Như vậy, có thể nói việc đánh giá, định giá tài sản của DN cổ phần còn bất cập, giá trị định giá quá thấp, gây thất thoát tài sản nhà nước như cử tri đã nêu là chưa có cơ sở.

Thêm vào đó, ngày 21/11/2018, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Trên cơ sở ý kiến của các đơn vị tại Hội nghị và tình hình triển khai thực tiễn. Thủ tướng Chính phủ đã kết luận nhiều nội dung quan trọng liên quan đến tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp có vốn nhà nước nhằm thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, thoái vốn trong thời gian tới một cách hiệu quả và minh bạch.

Trên cơ sở kết luận, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 05/01/2019 về việc tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

thuc day tien trinh co phan hoa dnnn han che nhung bat cap

Bộ Tài chính khẳng định, việc giá trị định giá quá thấp, gây thất thoát tài sản nhà nước là chưa có cơ sở

Có thể thấy, các cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại các DNNN cũng như cổ phần hóa, thoái vốn liên tục được hoàn thiện phù hợp với yêu cầu đổi mới, hội nhập; các cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý đầy đủ, đồng bộ, ổn định cho hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước và DN; cơ chế, chính sách đã đảm bảo tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DN cùng việc tăng cường sự kiểm tra, giám sát của nhà nước trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản, việc ban hành, hoàn thiện Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN là bước hoàn thiện có tính pháp luật cao nhất trong quá trình thực hiện cơ chế đổi mới quản lý DNNN.

Như vậy, công tác xây dựng thể chế về tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn cũng như quá trình triển khai, giám sát... trong thời gian vừa qua là đồng bộ, vừa đảm bảo thúc đẩy quá trình cổ phần hóa DNNN nhưng cũng hạn chế được những bất cập, hạn chế về công tác định giá giá trị tài sản như ý kiến kiến nghị của cử tri nêu.

N.Dương
Phiên bản di động