Thủ tướng: Xem xét thuê giám đốc nước ngoài cho doanh nghiệp Nhà nước

Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi ý doanh nghiệp Nhà nước nên tính phương án thí điểm thuê giám đốc điều hành của nước ngoài, lãnh đạo không phải đảng viên.
Nhà nước thu gần 330 tỷ đồng từ thoái vốn doanh nghiệp

Đây là vấn đề được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước tham gia đóng góp, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, diễn ra chiều 15/6.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước một cách căn cơ, bài bản, toàn diện, bền vững thông qua đổi mới, tối ưu hoá các phương thức sản xuất, hợp tác, công nghệ, quản trị, nhân sự….

Đặc biệt, doanh nghiệp Nhà nước cần chú trọng đổi mới công tác cán bộ, nguồn nhân lực là then chốt của then chốt, tuyển dụng, thuê nguồn nhân lực chất lượng cao, xem xét thí điểm thuê các giám đốc điều hành của nước ngoài, nhân sự lãnh đạo không phải là đảng viên; xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ, tiền lương phù hợp.

Thủ tướng: Xem xét thuê giám đốc nước ngoài cho doanh nghiệp Nhà nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước tham gia đóng góp, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, chiều 15/6.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu doanh nghiệp Nhà nước phát huy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tinh thần sáng tạo, yêu nước, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để thực hiện sứ mệnh cao cả này; tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, sản xuất chip bán dẫn, hydorgen, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI).

Cùng đó, các doanh nghiệp Nhà nước cần tiếp tục rà soát, triển khai hiệu quả các đề án cơ cấu lại, chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hằng năm và 5 năm đã được phê duyệt; xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng kéo dài, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thành các dự án dở dang, chậm tiến độ nhiều năm, thực hiện công tác quyết toán các dự án đúng thời hạn quy định.

"Chiến lược đúng sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức. Vì vậy, với kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hằng năm và 5 năm, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng lộ trình chi tiết, cụ thể ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như phấn đấu đạt toàn bộ các chỉ tiêu chủ chốt gồm doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách Nhà nước, thu nhập bình quân của người lao động", Thủ tướng nói.

Thủ tướng: Xem xét thuê giám đốc nước ngoài cho doanh nghiệp Nhà nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị.

Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả các dự án đầu tư phát triển của doanh nghiệp Nhà nước để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống, động lực tăng trưởng mới, 3 đột phá chiến lược; quán triệt, nhận thức rõ ưu thế nổi trội về nguồn lực, về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao đang nắm giữ.

"Nếu doanh nghiệp Nhà nước không làm trụ cột, đi đầu, tiên phong mở đường trong đầu tư phát triển, tạo động lực, dẫn dắt, lan tỏa trong phát triển kinh tế - xã hội thì thành phần kinh tế nào có thể làm được", Thủ tướng đặt vấn đề.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị ưu tiên hình thành, phát triển lực lượng doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng có lợi thế cạnh tranh, khả năng dẫn dắt quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Nói thêm về nội dung này, Thủ tướng cho biết, Nghị quyết 29 của Trung ương xác định rõ xây dựng và phát triển một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trong nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có năng lực cạnh tranh quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt, trụ cột trong một số lĩnh vực quan trọng, tăng cường cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho một số tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn, có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ có tính chiến lược.

Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị cũng xác định nghiên cứu chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp có quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu, có vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

"Hơn lúc nào hết, Việt Nam cần có những doanh nghiệp trong nước đủ lớn, có năng lực cạnh tranh, vươn tầm quốc tế, có thương hiệu. đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá", Thủ tướng phát biểu và đề nghị các doanh nghiệp Nhà nước, nhất là những doanh nghiệp quy mô lớn cần nỗ lực hơn nữa, tăng cường tích luỹ, tập trung đẩy mạnh hoạt động đầu tư, trở thành đầu tàu lớn ngang tầm khu vực và thế giới, vươn lên khẳng định uy tín, thương hiệu doanh nghiệp quốc gia, dân tộc trên trường quốc tế.

Hậu Lộc
Phiên bản di động