Thủ tướng phê chuẩn kết quả bầu cử, Bắc Giang nỗ lực vì một nền hành chính phục vụ
Mùa vải lịch sử và kỳ tích từ tâm dịch Bắc Giang Bắc Giang: Xem xét khởi tố và xử lý kỷ luật cán bộ vi phạm về phòng dịch Covid-19 Bắc Giang tăng tốc sau "bão" Covid-19 |
Ông Lê Ánh Dương được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang khoá XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026, với số phiếu tín nhiệm tuyệt đối |
Phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ 2021 - 2026
Ngày 10/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với đồng chí Lê Ánh Dương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Phê chuẩn kết quả bầu chức vụ các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với các đồng chí: Mai Sơn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ 2016 - 2021; Lê Ô Pích - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ 2016 - 2021; Phan Thế Tuấn - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Bắc Giang triển khai kế hoạch phòng, chống dịch trong trạng thái bình thường mới
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, ông Lê Ánh Dương kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp (Ảnh: BGP) |
UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch sẵn sàng kích hoạt các biện pháp phòng, chống dịch trong trạng thái bình thường mới.
Theo đó, UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh quán triệt nghiêm túc sự chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện nguyên tắc người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Nội dung của kế hoạch tập trung vào các các giải pháp: Ngăn chặn, phát hiện sớm dịch bệnh xâm nhập vào cộng đồng; xâm nhập vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Đối với khu, cụm công nghiệp kiên trì thực hiện các mục tiêu “công nhân an toàn, giao thông an toàn, nhà trọ an toàn và sản xuất an toàn”.
6.821 tỷ đồng doanh thu từ vải thiều
Vụ vải thiều năm 2021 tại Bắc Giang, tổng doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ ước đạt 6.821 tỷ đồng |
UBND tỉnh Bắc Giang ra Thông cáo báo chí về công tác sản xuất và tiêu thụ vải thiều năm 2021. Năm nay, thị trường nội địa là trọng tâm, với tổng sản lượng tiêu thụ nội địa đạt 126.552 tấn (chiếm khoảng 58,6% tổng sản lượng tiêu thụ).
Đối với thị trường xuất khẩu giữ được ổn định, quả vải đã khẳng định được thương hiệu, định vị được giá trị tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, được người tiêu dùng tại các nước đón nhận và đánh giá cao.
Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang đã được Nhật Bản cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đây là nông sản đầu tiên của Việt Nam được phía Nhật Bản cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Tổng sản lượng xuất khẩu năm 2021 đạt 89.300 tấn (chiếm 41,4% tổng sản lượng tiêu thụ). Vải thiều được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường truyền thống Trung Quốc và các quốc gia, khu vực như: EU, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Đông Nam Á, khu vực Trung Đông…; trong đó thị trường Nhật Bản, EU (Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan…) đã xuất khẩu với sản lượng gấp hàng chục lần so với năm 2020; khu vực Đông Nam Á cũng được mở rộng xuất khẩu với sản lượng lớn nhất từ trước đến nay với gần 5.000 tấn.
Mặc dù chịu ảnh hưởng từ những diễn biến bất lợi do dịch Covid-19, song năm 2021, vải thiều Bắc Giang được đánh giá có chất lượng tốt nhất và có sản lượng lớn nhất trong những năm gần đây.
Tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ đạt 215.852 tấn (tăng trên 50.850 tấn, tương đương tăng 30,8% sản lượng so với năm 2020), trong đó: vải chín sớm tiêu thụ đạt 58.805 tấn (tăng 11.130 tấn, tương đương tăng 23,35% so với năm 2020), vải chính vụ tiêu thụ đạt trên 157.047 tấn (tăng 39.722 tấn, tương đương tăng 33,86% so với năm 2020). Giá bán luôn được duy trì ổn định từ đầu đến cuối vụ, bình quân của cả vụ đạt 19.800 đồng/kg, cơ bản tương đương, thậm chí có thời điểm cao hơn những năm không có dịch.
Tổng doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ ước đạt 6.821 tỷ đồng (tương đương với năm có doanh thu cao nhất), trong đó: Doanh thu từ vải thiều ước đạt 4.274 tỷ đồng, doanh thu từ các hoạt động, dịch vụ phụ trợ đạt khoảng 2.547 tỷ đồng.
Bắc Giang: Nỗ lực vì một nền hành chính phục vụ
Chỉ số PAR Index tỉnh Bắc Giang tăng 12 bậc so với năm 2019, đạt 85,58/100 điểm, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố |
Những năm gần đây, Bắc Giang luôn tích cực, có nhiểu đổi mới về cải cách hành chính (CCHC), không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, do đó Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) của tỉnh không ngừng được tăng lên.
Theo kết quả công bố, năm 2020 chỉ số PAR Index tỉnh Bắc Giang tăng 12 bậc so với năm 2019, đạt 85,58/100 điểm, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố; về điểm số, tăng 3,74 điểm (năm 2019 đạt 81,84 điểm). Chỉ số CCHC được đánh giá trên 8 lĩnh vực, 43 tiêu chí, 102 tiêu chí thành phần.
Cụ thể, Chỉ số CCHC năm 2020 so với năm 2019 có 7/8 lĩnh vực đánh giá tăng thứ hạng. Trong đó, công tác chỉ đạo điều hành CCHC đạt 7,92/8,5 điểm, xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố, tăng 15 bậc.
Lĩnh vực xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) đạt 8,98/10 điểm, xếp thứ 21/63 tỉnh, thành phố, tăng 02 bậc. Lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đạt 11,95/13,5 điểm, xếp thứ 38/63 tỉnh, thành phố, tăng 17 bậc.
Lĩnh vực cải cách tổ chức bộ máy hành chính đạt 9,64/11,5 điểm, xếp thứ 38/63 tỉnh, thành phố, tăng 14 bậc.
Lĩnh vực xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) đạt 12,45/13,5 điểm, xếp thứ 05/63 tỉnh, thành phố, tăng 37 bậc.
Lĩnh vực tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển KT-XH của tỉnh đạt 12,29/16 điểm, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố, tăng 03 bậc so với năm 2019.
Nổi bật là lĩnh vực hiện đại hóa hành chính đạt 14,32/15 điểm, tăng 04 bậc, dẫn đầu cả nước.
Kết quả đánh giá cho thấy, công tác CCHC được tỉnh Bắc Giang quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện trong năm 2020 đạt được nhiều thành tựu. Có thể khẳng định, kết quả đạt được trong công tác CCHC ở Bắc Giang trong thời gian qua cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp CCHC trong thời gian tới sẽ nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.