Thủ tướng đồng ý xếp Hà Nội vào nhóm có nguy cơ nhưng phải nâng cao trách nhiệm phòng, chống dịch

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xếp Hà Nội thuộc nhóm tỉnh, thành “có nguy cơ” bùng phát dịch Covid-19, chỉ lưu ý một số địa phương của Hà Nội “nguy cơ cao” như huyện Mê Linh, Thường Tín...
Khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” tại CDC Hà Nội Lào Cai cho phép xe khách chạy liên tỉnh với địa phương thuộc nhóm nguy cơ thấp Khởi động chương trình "San sẻ yêu thương, chung tay vượt qua đại dịch" Cháy cửa hàng kinh doanh quần áo trên phố Hàng Ngang, Hà Nội

Chiều 22/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch bệnh, trong đó có việc xem xét danh sách các địa phương thuộc các nhóm nguy cơ và đưa ra các quyết sách mới.

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trong thời gian qua, cơ bản người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đặc biệt là Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ cũng như hướng dẫn, chỉ đạo Trung ương và của Bộ Y tế. Yêu cầu về phòng chống dịch được người dân thực hiện đầy đủ.

Thủ tướng đồng ý xếp Hà Nội vào nhóm có nguy cơ nhưng phải nâng cao trách nhiệm phòng, chống dịch
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại cuộc họp

Về khả năng xét nghiệm (cả test nhanh và xét nghiệm PCR) đến nay, thành phố có thể thực hiện được từ 5.000 - 6.000 mẫu/ngày. Thực hiện công tác truy vết để khoanh vùng dập dịch, Hà Nội đã xây dựng hệ thống, từ ban quản lý toà nhà cho đến tổ dân phố, trạm y tế; mỗi xã, phường, thị trấn khi có trường hợp cần xác minh thì các đơn vị có thể tự trao đổi thông tin với nhau mà không cần phải họp nên tốc độ nhanh chóng, hiệu quả.

“Theo tính toán của Ban Chỉ đạo quốc gia, ca cuối cùng Hà Nội phát hiện và công bố vào ngày 14/4 thì đến nay được 8 ngày. Nếu tính từ ngày Hà Nội phát hiện ổ dịch Hạ Lôi, Mê Linh và đã đưa vào cách ly toàn bộ thôn này thì từ ngày 17/4 đến nay, đã qua 14 ngày Hạ Lôi không có ca nhiễm mới”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nói.

Báo cáo về việc xử lý các ổ dịch trên địa bàn, Chủ tịch UBND TP cho biết, Ban Chỉ phòng chống dịch bệnh Covid-19 thành phố đã xin ý kiến của đồng chí Bí thư Thành ủy, Thường trực Thành ủy và sáng 22/4, TP đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia đề xuất đưa Hà Nội vào nhóm có nguy cơ.

Tuy nhiên, để thực hiện nghiêm việc phòng, chống bệnh tật trên địa bàn thành phố, nếu được Thủ tướng quyết định trong trường hợp này, cũng tương tự như trước 1/4, Hà Nội vẫn tạm dừng hoạt động đối với tất cả các dịch vụ thể thao và văn hóa, lễ hội, karaoke, massage, các trò chơi điện tử đến hết ngày 1/5.

Chủ tịch UBND TP nêu rõ, nếu Ban Chỉ đạo Quốc gia xếp Hà Nội vào nhóm các tỉnh nguy cơ cao, thực hiện cách ly xã hội thêm 1 tuần nữa thì rất khó khăn cho các hoạt động liên quan đến các tỉnh, thành phố khác; lao động không thể vào Hà Nội; hoặc nếu có nối lại đường bay Hà Nội - TP Hồ Chí Minh nhưng một đầu (TP Hồ Chí Minh) nhóm nguy cơ trong khi Hà Nội nhóm nguy cơ cao... sẽ khó cho công tác quản lý.

“Ngay cả khi Hà Nội được xếp vào nhóm nguy cơ nhưng công tác phòng dịch của Hà Nội vẫn được bảo đảm, phản ứng, xét nghiệm nhanh, khoanh vùng dập dịch tốt không để lây lan ra cộng đồng...”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định.

Liên quan đến vấn đề thời gian học sinh đi học trở lại mà dư luận đang quan tâm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, TP đã đưa ra kịch bản dự kiến: Các trường từ bậc THPT đến bậc đại học đi học từ ngày 4/5, các trường THCS, tiểu học và mẫu giáo đi học sau đó 1 tuần, từ ngày 11/5.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Hà Nội là địa phương có nguy cơ nhưng một số quận, huyện ở Hà Nội có nguy cơ cao như huyện Thường Tín, Mê Linh và một số nơi nếu có ca nhiễm chưa qua đủ 14 ngày. Có một số huyện của Hà Nội là nguy cơ cao, cần áp dụng nghiêm khắc Chỉ thị 16, các nơi khác là có nguy cơ. Chưa áp dụng nguy cơ cao với toàn thành phố Hà Nội mà chỉ một số địa phương của Hà Nội.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội có quyết định để thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 đối với các địa phương trên. Đối với các địa phương khác như Thành phố Hồ Chí Minh, các vùng khác của Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh, một vài huyện của Hà Giang; huyện có bệnh nhân của Hà Giang là huyện nguy cơ cao. Nơi có một bệnh nhân ở cơ sở sản xuất là nguy cơ cao, còn các nơi khác là nơi có nguy cơ.

"Như vậy tất cả các địa phương khác chúng ta đặt vấn đề là có nguy cơ để kiểm soát chặt chẽ, theo dõi nghiêm ngặt nhưng tạo điều kiện sản xuất kinh doanh bình thường cho người dân", Thủ tướng nói đồng thời yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục ngăn chặn dịch quyết liệt, không để dịch xâm nhập vào Việt Nam.

“Phòng, chống dịch tốt ở Việt Nam, thực hiện nghiêm cách ly xã hội nhưng phải đảm bảo lưu thông hàng hóa, giải quyết việc làm và phát triển kinh tế, xã hội”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm cần “xác định trạng thái bình thường mới” như đeo khẩu trang bắt buộc trong các hoạt động cộng đồng, đi học, đi chợ, tham gia giao thông...; thường xuyên rửa tay sát khuẩn; giữ khoảng cách tối thiểu giữa người với người trong các hoạt động thường xuyên; tiếp tục khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài, hạn chế tập trung đông người. Thực hiện nếp sống mới, văn minh, tác phong làm việc mới, một thời kỳ mới với các ứng dụng khoa học và công nghệ, công nghệ thông tin được áp dụng rộng rãi trong mọi mặt đời sống xã hội; khẳng định khả năng tự lực tự cường của đất nước.

Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý, những người có dấu hiệu ốm, sốt nên ở nhà, không đến cơ quan, đơn vị, trường học và cần làm theo hướng dẫn của bác sĩ; không được để lây lan trong cộng đồng. Thủ tướng cơ bản đồng ý với các biện pháp nới lỏng thận trọng mà Ban Chỉ đạo đề xuất.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động