Thủ tướng: Bảo đảm an toàn hệ thống và thanh khoản ngân hàng trong mọi tình huống

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn hệ thống và thanh khoản ngân hàng thông suốt trong mọi tình huống.
Ngân hàng Nhà nước sẽ báo cáo Thủ tướng giải pháp tín dụng cho bất động sản Ngân hàng Nhà nước yêu cầu kiểm soát rủi ro tín dụng vào trái phiếu, chứng khoán

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu như vậy khi dự và phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2023 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức sáng 28/12.

Tại hội nghị, Thủ tướng ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm cao, sự phối hợp, quyết liệt triển khai hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ đề ra và kết quả đạt được của ngành ngân hàng trong năm 2022, đóng góp tích cực và quan trọng vào những thành tựu và kết quả khá toàn diện của đất nước.

Lãnh đạo Chính phủ nêu rõ, ngân hàng là lĩnh vực đặc thù, nhạy cảm, liên quan tới toàn dân, tới tất cả các doanh nghiệp, ngân hàng phát triển được là nhờ sự phát triển của doanh nghiệp, nhờ sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân và ngược lại, ngân hàng phát triển cũng mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp; đây là hai mặt song song của một quá trình.

Nhấn mạnh một số kết quả nổi bật của ngành ngân hàng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, đặc biệt là sức ép lạm phát tăng cao và sự lên giá của các đồng tiền chủ chốt, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt và phối hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả với chính sách tài khóa, các chính sách vĩ mô khác, góp phần kiểm soát lạm phát và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.

Cùng với đó,ngành ngân hàng nỗ lực triển khai nhiều giải pháp bảo đảm cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh như mở rộng thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng, tập trung vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, một số lĩnh vực ưu tiên có mức tăng tín dụng cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của hệ thống. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ; tích cực, chủ động triển khai nhiều chính sách hỗ trợ các lĩnh vực gặp khó khăn.

Thủ tướng: Bảo đảm an toàn hệ thống và thanh khoản ngân hàng trong mọi tình huống
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP

Đến ngày 19/12/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 11,75 triệu tỷ đồng, tăng 12,54% so với cuối năm 2021; dư nợ tín dụng đối với 23 chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội đến ngày 30/11/2022 đạt 279.732 tỷ đồng, tăng 12,81% so với năm 2021 với hơn 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ.

Bên cạnh đó, năng lực tài chính, quản trị điều hành của các tổ chức tín dụng ngày càng được tăng cường. Tích cực chỉ đạo, triển khai các phương án bổ sung vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính cho các ngân hàng thương mại Nhà nước và các tổ chức tín dụng khác. Các tổ chức tín dụng tích cực triển khai Basel II để đáp ứng các thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện của thị trường Việt Nam. Đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, giải quyết các vấn đề tồn đọng kéo dài nhiều năm, các tổ chức tín dụng yếu kém đang được xử lý tích cực.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận, ngành ngân hàng còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, cố gắng hơn nữa về công tác nghiên cứu, nắm bắt tình hình để có phản ứng chính sách kịp thời; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; hỗ trợ, phối hợp giữa các chính sách, giữa các ngân hàng thương mại; hoạt động của các tổ chức tín dụng vẫn còn có rủi ro; chuyển đổi số cần nỗ lực hơn nữa…

Trên cơ sở đó, năm 2023, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cần bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, mục tiêu cao nhất với ngành ngân hàng trong năm nay và tiếp theo là bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn hệ thống; bảo đảm công khai, minh bạch, phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững, bảo đảm quyền và và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp, các chủ thể liên quan; bảo đảm thanh khoản thông suốt của hệ thống ngân hàng trong bất cứ tình huống nào, đáp ứng nhu cầu rút tiền của người dân.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cần điều hành cân bằng, hợp lý giữa tỉ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với thúc đẩy tăng trưởng, giữa lãi suất và lạm phát, vừa bảo đảm thanh khoản, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả, an toàn hệ thống ngân hàng và an ninh tài chính, tiền tệ, vừa góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; kiên quyết không để thiếu vốn cho nhu cầu vốn chính đáng của người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường, củng cố công tác thanh tra, giám sát; đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, gắn với xử lý nợ xấu, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm an ninh, an toàn và bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân và doanh nghiệp; chú trọng phát triển tín dụng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chắc chắn, chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng; điều tiết tiền tệ hợp lý, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ. Tăng cường năng lực phân tích, dự báo, tham mưu kịp thời, ứng phó linh hoạt với diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, có đối sách phù hợp, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về tiền tệ ngân hàng để tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thúc đẩy thị trường tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng phát triển an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, khắc phục các sơ hở, hạn chế bất cập ảnh hưởng đến an toàn hệ thống. Các ngân hàng thương mại cần tích cực tham gia công tác này bằng việc chỉ ra các khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách từ thực tiễn hoạt động để các cấp có thẩm quyền xử lý...

Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng cần tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay; tập trung tín dụng vào sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng các lĩnh vực rủi ro. Triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025; xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém trên cơ sở đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết và hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi giữa các chủ thể...

Hậu Lộc
Phiên bản di động