Thứ trưởng Bộ Công thương giải đáp nhiều vấn đề về thị trường xăng dầu

Chiều 12/10, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã giải đáp nhiều kiến nghị, câu hỏi của báo chí liên quan đến thị trường xăng dầu.
Kiến nghị Bộ Công thương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu Chính phủ yêu cầu giám sát các cửa hàng xăng dầu tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng Khan hiếm xăng dầu: Bộ trưởng Bộ Tài chính nói gì?

Về công tác bảo đảm nguồn cung xăng dầu: Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết,công tác bảo đảm nguồn cung xăng dầu tới đây ra sao, nhất là khi các cơ quan truyền thông báo chí đang phản ánh việc ở TP HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long người dân xếp hàng đi mua xăng mà không có, nhiều cửa hàng đóng và bán rất nhỏ giọt.

Theo báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), kế hoạch sản xuất xăng dầu của 2 Nhà máy lọc dầu trong nước gồm Nghi Sơn và Bình Sơn trong 3 tháng cuối năm dự kiến sản xuất 4,4 triệu m3, chiếm 80% tổng nhu cầu (hiện các nhà máy đều đang vận hành ở công suất tối đa, Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn dự kiến sẽ vận hành ở mức công suất 105% trong quý IV/2022). Lượng còn lại sẽ nhập khẩu để bảo đảm cung ứng cho thị trường.

Về cơ bản, lượng sản xuất và nhập khẩu như trên theo đúng kế hoạch đã phân giao thực hiện cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để cân đối cung cầu từ đầu năm 2022.

Lãnh đạo Bộ Công thương thừa nhận nguồn cung xăng dầu trên thị trường mặc dù có nhiều khó khăn nhưng cơ bản vẫn được cung ứng đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Tại một số địa bàn khu vực phía Nam có hiện tượng các cửa hàng xăng dầu đóng cửa, ngừng bán hàng.

Do đó, để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước, Bộ Công thương sẽ tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tiếp tục thực hiện nghiêm kế hoạch phân giao tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu tối thiểu đã được phê duyệt năm 2022.

Đồng thời, Bộ Công thương cũng sẽ chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối hỗ trợ để điều phối nguồn hàng, tăng cường cung ứng xăng dầu tại một số địa phương có hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ nhằm bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt, Bộ Công thương cũng sẽ kiến nghị Ngân hàng nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp giảm chi phí tài chính, tăng nguồn lực để nhập khẩu, mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường.

Về thương nhân phân phối xăng dầu: Vai trò và quyền của thương nhân phân phối (về ý kiến cho rằng nên xóa bỏ loại hình thương nhân này). Có ý kiến cho rằng, Bộ Công thương chỉ quản lý được 33 doanh nghiệp đầu mối còn 500 thương nhân phân phối nằm ngoài hệ thống thì không. Trong khi thời gian qua việc thiếu xăng cục bộ nằm ở nhóm các thương nhân tự do này, Bộ Công thương có ý kiến ra sao về vấn đề này và có công khai danh sách 500 thương nhân này không?

Lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, hiện tại, công tác quản lý các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn được bộ thực hiện theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn. Ngoài 33 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, hiện cả nước có 332 doanh nghiệp phân phối xăng dầu.

Thứ trưởng Bộ Công thương giải đáp nhiều vấn đề về thị trường xăng dầu
Thứ trưởng Bộ Công thương chủ trì họp báo thường kỳ

Theo quy định tại các Nghị định nêu trên, doanh nghiệp phân phối xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn, tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp này đều ký kết hợp đồng và lấy hàng tương đối ổn định từ các nguồn hàng quen thuộc để cùng với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cung ứng hàng hóa cho các đại lý bán lẻ xăng dầu ở các địa bàn trên cả nước.

Việc thiếu xăng dầu cục bộ thời gian vừa qua cơ bản là do giá, nguồn cung xăng dầu thế giới biến động bất thường, biên độ giao động lớn và khó dự báo (nhất là trong giai đoạn quý II/2022 các doanh nghiệp đã nhập với khối lượng lớn giá cao do lo ngại nguồn cung thiếu nên sang quý III, giá giảm mạnh, các doanh nghiệp đã bị thua lỗ lớn) nên thời gian gần đây các doanh nghiệp nhập khẩu, mua trong nước số lượng cầm chừng để hạn chế thua lỗ.

Từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng (chi phí vận chuyển, premium… tăng) nhưng những chi phí này không được Bộ Tài chính rà soát, điều chỉnh tăng kịp thời trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu do Nhà nước điều hành (theo quy định việc điều chỉnh các chi phí này phải được thực hiện từ đầu tháng 7/2022 nhưng đến giữa tháng 10 mới được điều chỉnh) gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Để hạn chế thua lỗ, các doanh nghiệp đã phải thu hẹp hoạt động kinh doanh.

Mặt khác, mưa bão ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng từ các nhà máy sản xuất trong nước và nhập khẩu về kho của doanh nghiệp làm chậm nguồn cung hàng trong một số giai đoạn.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp đầu mối khu vực phía Nam bị tước giấy phép kinh doanh xăng dầu trong 1 - 1,5 tháng (do vi phạm hành chính) dẫn đến thiếu nguồn hàng cho các thương nhân phân phối và các đại lý mua hàng của các thương nhân đầu mối này, dẫn đến việc thiếu nguồn cung cục bộ tại một số địa bàn.

Về vai trò của thương nhân phân phối xăng dầu, đại diện Bộ Công thương cho biết, hiện cả nước chỉ có 38 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, trong đó 4 doanh nghiệp chỉ kinh doanh nhiên liệu hàng không tại các sân bay. Hệ thống bán lẻ xăng dầu hiện có khoảng gần 17.000 cửa hàng phân bố khắp các vùng miền trên cả nước.

Việc hình thành loại hình thương nhân phân phối xăng dầu với các điều kiện theo quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP về phương tiện vận tải, kho chứa xăng dầu, phòng kiểm nghiệm xăng dầu, hệ thống cửa hàng trực thuộc và đại lý... với quyền về nguồn hàng linh hoạt hơn đại lý bán lẻ xăng dầu đã hỗ trợ cho 34 thương nhân đầu mối phân bổ nguồn hàng đến các vùng miền trên cả nước, góp phần cung ứng tốt hơn xăng dầu cho tiêu dùng ở mọi miền đất nước.

Về vấn đề chi phí trong cơ cấu giá cơ sở mặt hàng xăng dầu: Nhiều ý kiến cho rằng, chi phí đầu vào, chi phí định mức, chi phí vận chuyển… bị cho là đã lạc hậu so với thực tế, Bộ Công thương và Tài chính đã có kế hoạch điều chỉnh nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ và đủ so với thực tế doanh nghiệp đang chịu lỗ và thực lỗ. Vậy tới đây, liên bộ có động thái đối với việc điều chỉnh chi phí định mức như thế nào?

Lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, Bộ Tài chính được giao rà soát điều chỉnh và thông báo để Bộ Công thương áp dụng trong công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu.

Trên cơ sở thông tin xác thực từ các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, khi các mức chi phí kinh doanh xăng dầu tiếp tục tăng, Bộ Công thương sẽ phối hợp kiến nghị Bộ Tài chính rà soát và điều chỉnh các mức chi phí đã tăng để bảo đảm tính đúng, tính đủ các chi phí này trong công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu theo mức phù hợp với thực tế phát sinh nhằm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tăng lượng nhập hàng, bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường.

Về kiến nghị Nhà nước cần có quy định về mức chiết khấu tối thiểu: Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, mức chiết khấu là mức giảm giá của đơn vị bán xăng dầu cho đơn vị mua xăng dầu so với giá bán lẻ xăng dầu.

Nhà nước chỉ quản lý và điều hành giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu (để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và điều hành kinh tế vĩ mô), không điều chỉnh mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu. Điều này là phù hợp với thực tế do giá bán lẻ xăng dầu đã được Nhà nước điều hành và quy định mức giá trần nên mức chiết khấu là yếu tố quan trọng để phản ánh tính thị trường, đồng thời, là yếu tố được điều chỉnh linh hoạt giúp các doanh nghiệp điều hành hoạt động kinh doanh phù hợp với biến động cung cầu, giá cả xăng dầu trên thị trường thế giới và trong nước.

Bên cạnh đó, thị trường xăng dầu trong nước hiện đã tương đối cạnh tranh với sự tham gia của ngày càng nhiều chủ thể kinh doanh xăng dầu, Nhà nước không nên can thiệp vào những thỏa thuận dân sự, phù hợp với quy định của pháp luật giữa các doanh nghiệp, giúp lĩnh vực kinh doanh xăng dầu phát triển theo định hướng kinh tế thị trường.

Về kiến nghị cho phép các đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn: Theo đại diện Bộ Công thương, xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, cần bảo đảm về chất lượng, kiểm soát về giá bán.

Theo quy định tại Luật Thương mại, đại lý là những đơn vị được bên giao đại lý giao hàng cho bán theo giá của đơn vị giao đại lý và hưởng hoa hồng; bên giao đại lý vẫn phải chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa tại các đại lý nên nếu đại lý bán lẻ xăng dầu lấy hàng từ nhiều nguồn cơ quan quản lý nhà nước sẽ không kiểm soát được chất lượng xăng dầu bán trên thị trường và đầu mối chịu trách nhiệm về chất lượng và giá xăng dầu bán cho người tiêu dùng.

Do đó, theo quy định hiện hành, đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được lấy từ một nguồn (nội dung này hiện được quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ- CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP). Trong cùng một thời điểm, đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được lấy từ 01 nguồn để bảo đảm kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng xăng dầu.

Tuy nhiên, trên thị trường có rất nhiều đơn vị cung ứng xăng dầu (các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối với việc cung ứng khá cạnh tranh) nên đại lý bán lẻ xăng dầu có thể lựa chọn, thay đổi đơn vị cung cấp có uy tín để hợp tác kinh doanh lâu dài.

Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan chức năng rà soát, đánh giá và báo cáo Chính phủ xem xét việc sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp với thực tế phát sinh thời gian qua.

Hậu Lộc
Phiên bản di động