"Thứ Sáu đen" ở Mỹ sẽ kém sôi động vì nỗi lo COVID-19 và tài chính
Black Friday: Thứ sáu đen nhưng lại là cơ hội săn những món hời |
Do sợ nhiễm COVID-19, nhiều người Mỹ sẽ mua hàng trên mạng dịp Thứ Sáu đen. Ảnh: Reuters |
Thứ Sáu đen năm nay diễn ra đúng vào thời điểm dịch COVID-19 diễn biến xấu ở Mỹ. Mỹ liên tục lập kỷ lục về số ca mắc mới và ca nhập viện.
Do đó, không quá ngạc nhiên khi nỗi lo sợ dịch bệnh sẽ làm thay đổi cách mua sắm của người Mỹ vào cuối tuần này.
Khảo sát của công ty tư vấn Deloitte cho thấy ngày càng nhiều người tiêu dùng thắt chặt hầu bao và số người dự định mua sắm trực tuyến sẽ nhiều hơn số người đi mua hàng trực tiếp vào Thứ Sáu đen.
Khảo sát trước ngày Lễ Tạ ơn của Deloitte là thông tin tham khảo cho các nhà bán lẻ, để họ có thể dự kiến trước được tình hình vào mùa mua sắm quan trọng trong năm này.
Khi hỏi ý kiến người tiêu dùng từ ngày 29/10 tới 2/11, Deloitte cho biết có khoảng 57% cảm thấy lo lắng về việc tới cửa hàng mua sắm vào kỳ nghỉ. Tỷ lệ này cao hơn 6 điểm phần trăm so với trong tháng 9.
Ông Stephen Rogers, Giám đốc điều hành Trung tâm Công nghiệp Người tiêu dùng Deloitte Insights, nói đây là lần đầu tiên số người mua hàng trên mạng nhiều hơn số người mua trực tiếp.
Khó khăn kinh tế do đại dịch đã tác động mạnh nhất tới các ngành dịch vụ phục vụ trực tiếp khách hàng, như bán lẻ, từ đó ảnh hưởng tới kế sinh nhai của hàng triệu người.
Niềm tin người tiêu dùng cũng giảm mạnh. Số liệu mới nhất công bố ngày 24/11 cho thấy niềm tin người tiêu dùng đã giảm trong tháng 11 dù trong tháng 10, chỉ số này tương đối ổn định.
Dịch COVID-19 bùng phát trở lại mạnh ngày càng khiến tâm lý lo lắng và bất an về triển vọng tương lai gia tăng.
Một khu mua sắm của Citadel Outlet mở cửa lại ở Commerce, California. Ảnh: Reuters |
Đây là dấu hiệu rắc rối với nền kinh tế Mỹ vì 2/3 tăng trưởng là nhờ chi tiêu tiêu dùng. Dự báo được tình hình khó khăn, các nhà bán lẻ đã khởi động sớm mùa mua sắm năm nay khi tung ra các chương trình khuyến mãi từ cuối tháng 10.
Hiện chưa rõ người mua sắm phản ứng thế nào với giai đoạn khuyến mãi kéo dài này. Tuy nhiên, chi tiêu trong dịp cuối tuần quanh Lễ Tạ ơn 26/11, tức là giai đoạn từ thứ 5 tới thứ 2 tuần sau, được dự báo sẽ giảm hơn 3% so với năm ngoái khi mà người Mỹ dự kiến chi trung bình 401 USD.
Còn tính trong suốt mùa nghỉ lễ cuối năm, người tiêu dùng trung bình sẽ chi 1.387 USD, giảm 7% so với năm ngoái.
Nỗi lo về tài chính đang bủa vây hàng triệu hộ gia đình Mỹ trong dịp lễ cuối năm nay. Cứ 4 người mua sắm dịp Lễ Tạ ơn thì có hơn một người (28%) lo lắng về tiền thuê nhà, thế chấp, trả nợ thẻ tín dụng. 44% người mua sắm hoãn các khoản mua sắm lớn.
Dự báo doanh thu từ quà tặng và thẻ quà tặng sẽ giảm 5%, còn doanh thu từ quần áo và đồ trang trí nhà cửa sẽ tăng 12% trong cả dịp mua sắm. Lý do là người dân muốn trang trí nhà cửa nhiều hơn vì họ biết họ sẽ không thể đi đâu.
Chính quyền các bang tiếp tục phong tỏa, áp đặt giờ giới nghiêm và các biện pháp hạn chế khác khi đại dịch COVID-19 hoành hành khắp nước Mỹ.
Tình trạng này thể hiện qua các con số: doanh thu bán lẻ ở Mỹ chỉ tăng khiêm tốn 0,3% tháng trước. Khoảng 15,1 triệu người cho biết họ không làm việc trong tháng 10 vì nơi làm việc của họ bị đóng cửa hoặc không có việc làm do đại dịch.
Do đại dịch mà ngày càng nhiều người mua đồ dùng thiết yếu trên mạng. Các nhà bán lẻ trực tuyến lớn như Amazon, Home Depot… đã kinh doanh khởi sắc vì họ có thể sớm đầu tư để thích nghi với tình hình bán lẻ mới.
Dù đại dịch sẽ khiến mùa mua sắm năm nay ở Mỹ kém sôi động hơn mọi năm nhưng Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia vận dự báo doanh thu kỳ nghỉ lễ trong tháng 11 và 12 sẽ tăng từ 3,6% tới 5,2% so với năm ngoái.
Thứ Sáu đen là ngày sau Lễ Tạ ơn và là ngày bắt đầu mùa mua sắm bận rộn ở Mỹ. Cảnh người dân xếp hàng chen chúc, thậm chí đánh nhau để tranh giành đồ giảm giá là điều thường thấy mọi năm.