Thanh Trì: Trách nhiệm thuộc về ai khi để loạt trạm trộn bê tông gây ô nhiễm môi trường?

Hàng loạt trạm trộn bê tông ngang nhiên hoạt động ngày đêm, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân tại nhiều xã thuộc huyện Thanh Trì (Hà Nội). Phải chăng các trạm trộn này "bé quá" nên chính quyền địa phương không biết?
Huyện Thanh Trì: Loạt trạm trộn bê tông hoạt động miễn phép hay trái phép? Hà Nội: Hệ lụy khôn lường từ các trạm trộn bê tông hoạt động trái phép Hà Nội: Nhiều bất cập trong quản lý hoạt động các trạm trộn bê tông

Thời gian qua, Tuổi trẻ và Pháp luật đã có loạt bài phản ánh về những bất cập trong công tác quản lý hoạt động của các trạm trộn bê tông trên địa bàn TP Hà Nội. Các trạm trộn này không chỉ thiếu hồ sơ pháp lý, xây dựng trái phép mà còn gây ra vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý đối với cơ quan chức năng, các cấp chính quyền ở Thủ đô.

Hiện nay đang là mùa "cao điểm" xây dựng đối với các công trình, dự án trên địa bàn Hà Nội nên nhu cầu về bê tông là rất lớn.

Tại xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì), hàng loạt trạm trộn bê tông đang hoạt động nhộn nhịp ngày đêm, gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường cũng như cuộc sống của người dân.

thanh tri trach nhiem thuoc ve ai khi de loat tram tron be tong gay o nhiem moi truong
Trạm trộn bê tông Việt Nhật tại xã Thanh Liệt.

Theo phản ánh, hiện nay, trên địa bàn xã Thanh Liệt đang có 5 trạm trộn bê tông hoạt động. Đó là các trạm của Công ty Việt Nhật, Công ty Việt Xô, 2 trạm của Công ty Sông Đà và 1 trạm của Công ty Dương Châu. Tuy nhiên, về hồ sơ pháp lý, công tác chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường lại đang là một dấu hỏi lớn.

Người dân nơi đây cho biết, các trạm trộn bê tông hoạt động liên tục gây tiếng ồn, khói bụi bay mù mịt xung quanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của họ. Thậm chí, có tình trạng một số trạm, ngoài sản xuất bê tông tươi phục vụ cho dự án thì vẫn ngang nhiên "tuồn" ra ngoài bán cho một số hộ gia đình khác.

thanh tri trach nhiem thuoc ve ai khi de loat tram tron be tong gay o nhiem moi truong
Trạm trộn bê tông Dương Châu tại xã Thanh Liệt.

"Chỉ một xã nhỏ và giáp nội đô như Thanh Liệt mà có tới 5 trạm trộn bê tông hoạt động thì không biết cơ quan quản lý quy hoạch, chấp thuận như thế nào. Họ không chỉ xả chất thải công nghiệp ra môi trường mà xe bồn chở bê tông đi ngoài đường thường xuyên phóng nhanh vượt ẩu, bóp còi ầm ầm, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn khiến chúng tôi vô cùng lo lắng, bức xúc".

''Không biết các trạm trộn bê tông xây dựng có giấy phép hay không nhưng rõ ràng việc hàng chục nghìn m2 đất nông nghiệp được "chuyển" mục đích sử dụng thành hàng loạt trạm trộn sản xuất bê tông phục vụ dự án là lãng phí tài nguyên đất đai", một người dân đặt vấn đề.

Đáng chú ý, tại xã Thanh Liệt, theo người dân phản ánh, trạm trộn bê tông Dương Châu của Công ty TNHH xây dựng và đầu tư Dương Châu dù không có giấy phép và đã bị xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu dừng hoạt động nhưng đến nay vẫn hoạt động bình thường như chưa có chuyện gì xảy ra.

thanh tri trach nhiem thuoc ve ai khi de loat tram tron be tong gay o nhiem moi truong
Trạm trộn bê tông số 1 của Công ty CP Licogi 12 tại xã Vĩnh Quỳnh.

Liên quan đến việc này, ngày 28/5, phóng viên Tuổi trẻ và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hưởng - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Liệt để tìm hiểu rõ hoạt động của các trạm trộn bê tông.

Theo đó, ông Hưởng xác nhận hiện trên địa bàn có 5 trạm trộn bê tông, trong đó có trạm Việt Nhật của Công ty CP đầu tư xây dựng và thương mại Việt Nhật và trạm Việt Xô của Công ty CP xây dựng và bê tông Việt Xô đang sản xuất bê tông phục vụ dự án Khu đô thị The Manor Central Park do Công ty CP Bitexco thực hiện.

Theo ông Hưởng thì trạm Việt Nhật và Việt Xô (có công suất lớn lên tới 120 m3/h) thuộc diện miễn phép xây dựng vì phục vụ cho dự án. Các thủ tục, hồ sơ về môi trường, theo ông Nguyễn Văn Hưởng các trạm này đều đầy đủ, được phê duyệt đề án bảo vệ môi trường của UBND huyện Thanh Trì cũng như TP Hà Nội.

Về kết quả quan trắc môi trường định kỳ cũng như việc xử lý chất thải công nghiệp, ông Hưởng cũng khẳng định có đủ nhưng tại thời điểm làm việc với phóng viên ông này chưa cung cấp được hồ sơ. Thậm chí, khi phóng viên đặt câu hỏi về việc người dân phản ánh các trạm bán bê tông ra ngoài thì xã có phát hiện và xử lý không thì vị này từ chối trả lời vì không phải thẩm quyền.

Trong khi đó, về trạm trộn bê tông Dương Châu của Công ty TNHH xây dựng và đầu tư Dương Châu, ông Nguyễn Văn Hưởng thừa nhận hoạt động không giấy phép và đã bị xử phạt vi phạm hành chính 70,8 triệu đồng vì không có kế hoạch bảo vệ môi trường, xả thải vượt chuẩn. Thậm chí, UBND xã Thanh Liệt cũng đã có văn bản yêu cầu dừng hoạt động. Tuy nhiên, ghi nhận cho thấy, đến nay trạm trộn bê tông Dương Châu vẫn hoạt động và xe bồn vẫn ra ngoài thường xuyên.

Không chỉ tại xã Thanh Liệt mà tại nhiều xã khác trên địa bàn huyện Thanh Trì cũng có rất nhiều trạm trộn bê tông đang hoạt động. Đơn cử như tại xã Vĩnh Quỳnh có trạm trộn bê tông số 1 của Công ty CP Licogi 12.

Theo phản ánh của người dân, trạm trộn bê tông có dấu hiệu hoạt động trái phép từ lâu, sản xuất bê tông tươi bán ra ngoài, các xe bồn chở bê tông đi lại cày nát đường, bụi mù mịt ảnh hưởng đến người tham gia giao thông nhưng các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương không kiên quyết xử lý dứt điểm.

Để có thêm thông tin đa chiều, phóng viên Tuổi trẻ và Pháp luật đã liên hệ làm việc với UBND huyện Thanh Trì. Sau nhiều lần liên hệ với ông Chử Mạnh Thăng - Phó Chánh văn phòng huyện Thanh Trì cho biết lãnh đạo huyện đã giao ông Trần Quang Khải - Đội trưởng đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Thanh Trì cung cấp thông tin cho báo chí. Tuy nhiên, khi phóng viên liên hệ thì ông Khải cho biết không cung cấp các hồ sơ liên quan.

Việc để dư luận hiểu đúng về hoạt động của các trạm trộn bê tông trên địa bàn có hoạt động trái phép hay không, có đảm bảo công tác bảo vệ môi trường hay không thì cơ quan chức năng cần phải có những hồ sơ, thủ tục để chứng minh điều này chứ không thể nói miệng là đúng sai. Tuy nhiên, việc không cung cấp hồ sơ phần nào cho thấy những dấu hiệu khuất tất, không minh bạch trong việc quản lý hoạt động các trạm trộn bê tông trên địa bàn huyện Thanh Trì.

Trước những vấn đề trên, thiết nghĩ, UBND TP Hà Nội cần chỉ đạo UBND huyện Thanh Trì và các đơn vị liên quan rà soát hồ sơ pháp lý, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường cũng như có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn đối với hoạt động của các trạm trộn bê tông tại huyện Thanh Trì.

Tuổi trẻ và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.

Hậu Lộc - Duy Tân
Phiên bản di động