Thanh Hóa: Lễ hội đền Sòng Sơn - nét đặc sắc văn hóa tâm linh
Thanh Hóa: Xử lý nghiêm việc xâm hại di tích quốc gia Động Hồ Công Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025 GRDP bình quân đạt 4.200 USD |
Lễ hội Sòng Sơn – Ba Dội năm 2023 sẽ gồm 2 phần là phần Lễ và phần Hội. Phần Lễ gồm: Nghi lễ rước Bát hương Linh vị, kiệu Long Đình Thánh Mẫu và kiệu Hoàng đế Quang Trung ra Đài lễ, diễn ra từ 15 giờ 30 phút, ngày 16/3/2023 (là ngày 25/2 Âm lịch) tại Đền Sòng.
Chính lễ diễn ra từ 8 giờ ngày 17/3/2023 (là ngày 26/2 Âm lịch) với các nghi thức: Lễ dâng hương; Khai mạc Lễ hội; Đánh trồng khai khội; Thực hiện nghi thức tế lễ; Biểu diễn chương trình nghệ thuật; Rước bóng Thánh mẫu Liễu Hạnh, kiệu Hoàng đế Quang Trung lên nhà bia Ba Dội, về Đền Chín Giếng và hoàn vị; Lễ hoàn vị.
Lễ hội Sòng Sơn – Ba Dội. |
Phần lễ chính là rước Thánh Mẫu từ Đền Sòng đến Đền Chín Giếng và tế nữ quan. Thủ tục trong lễ hội không nhiều nhưng được cắt đặt chặt chẽ và theo một qui trình nhất định. Vật lễ gồm hoa quả, bánh kẹo, xôi gà, xôi thịt. Một số địa phương quanh vùng còn làm nhiều thứ bánh như bánh chưng, bánh lá răng bừa, bánh nếp, bánh mật, bánh trôi đem tới dâng lễ.
Việc cúng lễ, theo tài liệu xưa ghi lại thuộc phụ nữ đảm nhiệm, gọi là Bà Đồng. Bà Đồng thường là những người sống độc thân từ hồi còn trẻ, tự nguyện làm nghề đồng và coi giữ ngôi đền Thánh Mẫu, hầu Mẫu, hầu Thánh bằng nhiều hình thức như lên đồng, nhảy đồng... còn đàn ông thường chỉ đánh đàn và hát chầu văn. Trong thời gian mở hội các bà đồng phải sống riêng biệt: ở ẩn và ăn chay để giữ cho lòng mình luôn thanh sạch.
Ngày nay việc cúng tế không chỉ do phụ nữ đảm nhiệm mà thuộc về các Bản hội. Có nhiều bản hội tới tế lễ như bản hội bà Sang, bà Toàn, ông Hào... Các bản hội thường tổ chức chuẩn bị và tập luyện trước kỳ khai hội khoảng một tháng. Ngoài ra còn có bản hội ở các tỉnh, thành phố khác về hội lễ như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định...
Nghi thức rước kiệu của Đức Thánh Mẫu |
Trình tự cuộc tế lễ như sau: Già làng Cổ Đạm sau khi thắp một tuần nhang cáo yết cầu Thánh ban cho dân làng một năm an khang vật thịnh... thì bắt đầu tổ chức rước Mẫu. Tượng Thánh Mẫu được ngự kiệu từ chính tẩm rước qua cung Đệ nhị, Đệ tam và rước quanh đền. Việc rước này theo quan niệm của nhân dân là để cho Thánh Mẫu có thể quan sát lại cảnh vật, đất đai, sông núi xưa...
Đi trước đoàn rước là chiêng, trống, rồi đến bàn thờ đặt những lễ vật và đồ tế khí (chỉ có bà đồng mới có đặc ân được gánh trên vai những thứ thiêng liêng ấy). Trên bàn thờ bày biện đồ cúng tế, hòm đựng những đồ giấy màu vàng óng ánh và tô màu sắc tượng trưng cho quần áo, hoa khăn của Thánh Mẫu, tiếp theo sau là kiệu Thánh Mẫu.
Phía trước là 16 cô gái đồng trinh trang phục quần áo sặc sỡ đi giật lùi trước kiệu của Đức Thánh Mẫu. Sau kiệu cũng có mười sáu cô gái đồng trinh giơ cao những lư hương, tung hoa, cầm tán che cho kiệu. Các cô gái được chọn tham gia tế lễ đều là những thiếu nữ tuổi từ 14 đến 16 tuổi, nết na, xinh đẹp, gia đình hòa thuận, an khang. Sau khi rước Thánh Mẫu vào chính tẩm an vị, bắt đầu vào tế nữ quan, cuộc tế kéo dài tới nửa ngày.
Phần Hội tổ chức từ ngày 15/3 đến 16/3/2023 (là ngày 24/2 - 25/2 Âm lịch), gồm các hoạt động tại Đền Sòng Sơn: Giải Cờ Tướng, diễn ra từ sáng ngày 15/2 đến ngày 16/3; Trò chơi nấu cơm, từ 8 giờ đến 11 giờ ngày 15/3; Trò chơi kéo co nam, nữ, diễn ra từ 7 giờ 30 phút ngày 16/3; Hội Hầu Văn Thánh diễn ra từ 19 giờ 30 phút, ngày 16/3 (tức ngày 25/2 Âm lịch).
Phần thi hội cũng là một trong những nghi thức độc đáo thu hút nhiều du khách quan tâm |
Phần hội là những trò chơi như đánh vật, võ công, thi hát đối chầu văn. Trước kia các trò chơi tương đối phong phú như múa rồng, đánh cờ, đánh vật, đánh đu, leo dây, múa sư tử. Ngày nay do thời gian buổi lễ rút ngắn lại nên các trò chơi theo đó cũng giảm dần, chỉ giữ lại một số trò độc đáo.
Lễ hội đền Sòng Sơn là hoạt động văn hóa truyền thống đã có từ lâu đời, phản ánh nhu cầu văn hóa, tinh thần của Nhân dân trên địa bàn. Thông qua việc tổ chức lễ hội nhằm gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, giáo dục tinh thần yêu nước, đoàn kết trong xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước; nâng cao tinh thần, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân trong việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa các di tích, danh lam, thắng cảnh để tiếp tục đầu tư, khai thác tiềm năng du lịch văn hóa của thị xã Bỉm Sơn.
Thanh Hóa: Mâu thuẫn trong lúc xây nhà, người em dùng điều cày đánh anh họ tử vong |
Đền Sòng Sơn, nơi thờ mẫu linh thiêng |