Đền Sòng Sơn, nơi thờ mẫu linh thiêng
Người dân Thanh Hóa đi lễ đầu năm cầu phúc, cầu lộc, cầu bình an |
Đền Sòng Sơn là nơi thờ Mẫu Liễu Hạnh, vị thần quan trọng trong tín ngướng thờ Mẫu Việt Nam - một trong “Tứ bất tử” của dân gian Việt Nam. Trước đây, ngôi đền được gọi là đền Sùng Trân, xây dựng dưới triều vua Lê Hiển Tông (1740 - 1786) trên đất Cổ Đam, xã Hà Dương, huyện Hà Trung, (nay thuộc địa phận phường Bắc Sơn, TX. Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) - nổi tiếng với câu ca truyền tụng “Đền Sòng thiêng nhất xứ Thanh”.
Di tích lịch sử Đền Sòng Sơn |
Theo truyền thuyết kể lại rằng: "Một hôm có một lão già người làng Cổ Đam, sau khi được Nữ chúa Vân Hương nhập hồn và tuân theo lời khuyên của bà, ông lão lấy một chiếc gậy tre đem cắm xuống đất và truyền làm một ngôi đền thờ ở đó. Chiếc gậy được cắm xuống đất đột nhiên bén rễ và đâm chồi. Trước hiện tượng “màu nhiệm” này, dân làng bèn dựng ngay một ngôi đền theo mộng báo của nữ chúa. Lúc đầu ngôi đền bé nhỏ, nhưng ngày càng được mở rộng thêm. Sau nhiều lần trùng tu, đền Sòng càng khang trang, đẹp đẽ như ngày nay".
"Liễu Hạnh công chúa là tiên nữ giáng trần lần thứ nhất tại làng An Thái, xã Vân Cát, huyện Thiên Bản (nay thuộc huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) vào năm Thiên Hựu - đời vua Lê Anh Tông (1557). Rồi nàng lại về trời sau 21 năm ở trần gian. Nàng giáng trần lần thứ 2 vào ngày kỵ thứ 2 của nàng - cũng ở làng An Thái, sau đó lại biến mất. Nàng giáng trần lần thứ 3 cùng với hai thị nữ là Quế Nương và Thị Nương tại Phố Cát (Thạch Thành - Thanh Hóa) vào thời vua Lê Huyền Tông (1663 - 1671) và hiển thánh tại Sùng Sơn".
Theo "Truyền kỳ Tân Phả" của Đoàn Thị Điểm (1705 - 1748) thì nàng có tên tuổi, quê quán hẳn hoi. Tuy là tiên chúa song về bản chất, hình tượng Liễu Hạnh là người phụ nữ bình thường như mọi người phụ nữ khác. Đó là người con gái nết na, đoan trang, phúc hậu. Nàng là vợ thảo hiền, chung thủy, sống trong hạnh phúc lứa đôi, vẹn nghĩa, trọn tình. Là người mẹ thì yêu thương con hết mực. Khi phải về trời nàng vẫn lưu luyến cuộc đời trần tục thế gian. Trở thành tiên chúa nàng vượt lên mọi ràng buộc của lễ giáo phong kiến. Liễu Hạnh thực sự có một cá tính mạnh mẽ. Hình ảnh tiên chúa phải chăng là thể hiện lý tưởng ước mơ giải phóng phụ nữ Việt Nam. Nàng đi mây về gió. Nàng giao du rộng rãi, mở quán bán hàng, xướng họa với các tao nhân mặc khách, làm cho họ kinh ngạc và khâm phục, như cuộc gặp gỡ ly kỳ giữa Quan chánh sứ Phùng Khắc Khoan ở Lạng sơn, với Trạng Bùng và cử nhân họ Lý, họ Ngô ở Hồ Tây Thăng long.
Đây được coi là nơi thờ mẹ linh thiêng bậc nhất xứ Thanh |
Từ nhiều đời nay nhân dân tìm đến với Liễu Hạnh là tìm đến với đạo Mẫu. Liễu Hạnh công chúa là biểu tượng của ước mơ giải phóng phụ nữ.
Câu đối ở đền Ngọc Hồ (Hà Nội) - một trong những nơi thờ Thánh Mẫu đã phần nào đã nói lên: Thánh Mẫu Liễu Hạnh luôn chiếm vị trí quan trọng trong tâm thức của người Việt nam nói chung và người Thanh hoá nói riêng.
Cuộc giáng trần lần thứ ba của Tiên chúa là vùng Phố Cát và lúc hiển Thánh là ở Sùng Sơn. Cho nên xứ Thanh cũng có thể được xem là đất “quý hương” của Tiên chúa!
Huyền thoại về Liễu Hạnh công chúa vẫn còn có sức lay động lòng người, vẫn gieo chất nồng say vào cuộc sống đương đại hôm nay.
Hàng năm, lễ hội Sòng Sơn - Ba Dội, không chỉ là niềm tự hào của người dân xứ Thanh, mà còn là điểm đến tâm linh tín ngưỡng có giá trị trường tồn trong văn hóa người Việt. Được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1993, tới nay lễ hội Sòng Sơn luôn lưu giữ được những nét văn hóa độc đáo của người dân xứ Thanh.
Lễ hội được tổ chức vào mùng 10 - 26 tháng 2 Âm lịch hàng năm, trong đó ngày 25 là chính hội - ngày Thánh Mẫu hạ giới. Hôm chính hội, đền Sòng tổ chức từ 5h sáng cho đến khoảng 12 giờ trưa cùng ngày.
Đầu tiên là phần lễ rước Thánh Mẫu từ đền Sòng đến đền Chín Giếng và tế nữ quan. Vật lễ gồm hoa quả, bánh kẹo, xôi gà, xôi thịt. Một số địa phương quanh vùng còn làm nhiều thứ như bánh chưng, bánh lá răng bừa, bánh nếp, bánh mật, bánh trôi đem tới dâng lễ.
Phần hội bắt đầu từ việc Già làng Cổ Đam, sau khi thắp một tuần nhang cáo yết cầu Thánh ban cho dân làng một năm an khang vật thịnh... thì bắt đầu tổ chức rước Mẫu. Tượng Thánh Mẫu được ngự kiệu từ chính tẩm rước qua cung Đệ nhị, Đệ tam và rước quanh đền. Việc quay kiệu này nhằm giúp thánh mẫu nhìn được cảnh vật xung quanh nơi thờ phụng mình đang diễn ra như thế nào.
Thường thì tại đền, chùa sẽ tổ chức những trò chơi dân gian như đánh vật, võ công, thi hát đối chầu văn, múa rồng, đánh cờ, đánh vật, đánh đu... Tuy nhiên, hiện nay nhiều trò chơi bị rút ngắn, bởi thời gian không cho phép mà chỉ tổ chức những trò chơi độc đáo nhất.
Đền Sòng Sơn được xây dựng theo kiến trúc kết hợp giữa kiểu dáng thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn, mang đậm nét truyền thống đình, đền Việt Nam.
Phía trước sân đền, dưới bóng cây bồ đề và ngọc lan xanh tươi, thơm ngát là tượng Phật bà Quan thế Âm Bồ Tát - Người đã yêu cầu triều đình Lê, Trịnh trả lại tự do cho chúa Liễu trong trận Sùng Sơn đại chiến với Pháp sư Tiền Quan Thánh. Qua cổng tam quan cao, đẹp cấu trúc hình mái diêm với 3 cửa: Cửa bên tả gọi là cửa Giới, Cửa bên hữu là cửa Định và Cửa giữa là cửa Tuệ.
Cấu trúc đền Sòng Sơn với 3 cung liên tiếp, Cột của các gian cung thờ to gần nửa thước, đá tảng kê cao 6 tấc, được thợ đá làng Nhồi (Đông Sơn, Thanh Hóa) đục đẽo, tạo dáng lục lăng có nhiều hoa văn đẹp. Trên các cột có nhiều câu đối nói về sự hiển linh và công đức của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, ca ngợi cảnh đẹp của Sòng Sơn, Cung tiền đường, là cung thờ Hội đồng Thánh quan, Mẫu Cửu Trùng, các ông Quan Hoàng, đồng thời phối thờ Đức Thánh Trần - Hưng Đạo Đại Vương.
Cung Trung đường là cung thờ Ngọc Hoàng thượng đế - vua cha của tiên chúa Liễu Hạnh và Ngũ vị vương quan là những Thánh Cô, Thánh Cậu của Tiên chúa Liễu Hạnh.
Trong gian giữa chính tẩm phía trên linh tượng Thánh Mẫu, có bức đại tự sơn son thếp vàng, với bốn mỹ tự “Mẫu Nghi Thiên Hạ” (Người Mẹ mẫu mực của muôn dân)...