Từ sợi tơ mỏng manh, nghệ nhân miệt mài gìn giữ làng nghề trăm năm tuổi
Dân làng nghề mong Nghị quyết đi vào cuộc sống Phong phú sản phẩm làng nghề tại Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội năm 2025 |
Làng La Khê từ lâu được biết đến là một vùng đất có truyền thống dệt lụa nổi tiếng của Hà Nội xưa, đặc biệt với các sản phẩm the, lụa – từng là biểu tượng của sự tinh tế và trang trọng trong đời sống người Việt. Thế nhưng, theo dòng chảy thời gian và tác động của công nghiệp hóa, nghề dệt ở La Khê dần mai một, chỉ còn sót lại trong ký ức của những người cao tuổi.
Khác với nhiều nghệ nhân gắn bó với nghề từ nhỏ, ông Toản bắt đầu làm the năm 2003, khi Nhà nước có chính sách khuyến khích khôi phục làng nghề truyền thống. Với mong muốn được khôi phục, phát triển nghề dệt the lụa của quê hương, ông Toản đã cùng với Hợp tác xã the lụa La Khê bắt tay vào làm. Thế nhưng khoảng 10 năm sau đó, thị trường phát triển nhiều loại may công nghiệp hay sợi tổng hợp khiến Hợp tác xã không gắng gượng được nên đã từ bỏ. May thay, ông Toản vẫn quyết tâm giữ nghề và cùng vợ là bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh phát triển nghề the cho đến ngày nay.
![]() |
Dù thị trường phát triển có khó khăn nhưng ông Toản vẫn ngày đêm ngồi bên máy dệt với quyết tâm phục hưng và phát triển nghề dệt the lụa |
Dệt the lụa là công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn và độ chính xác cao. The là loại vải mỏng, nhẹ, thường có màu sẫm, dùng để may áo dài, áo lễ truyền thống. Khác với những loại vải sợi công nghiệp trên thị trường, vải the lụa mang trong mình một nét riêng, một nét truyền thống đặc sắc. Quá trình dệt không chỉ phức tạp mà còn tốn nhiều thời gian, đòi hỏi người thợ phải hiểu sâu sắc về chất liệu, kỹ thuật, cũng như có con mắt thẩm mỹ để tạo nên tấm vải hài hòa, đều tay và bền đẹp.
Ông Toản chia sẻ: “Lúc tôi bắt đầu làm, cả làng gần như không ai còn theo nghề. Mình tự mày mò học, rồi dần dần làm ra được tấm vải đầu tiên. Càng làm càng say mê, vì thấy mình đang giữ lại một phần hồn của làng.”
![]() |
Cho đến giờ, ông Toàn vẫn chọn sử dụng những loại máy thủ công và bán thủ công để dệt the lụa. Điều này không chỉ giúp tấm vải được làm ra đẹp hơn mà còn vì đây chính là nét đẹp truyền thống trong nghề dệt the lụa. |
![]() |
Ông Toản là người dùng máy thủ công hoàn toàn, còn ông Hảo - thợ dệt sẽ là người dùng máy bán thủ công, mỗi máy sẽ dệt ra loại vải chất lượng khác nhau, họa tiết khác nhau. |
![]() |
![]() |
Khung cửi đơn sơ làm nên những tấm the lụa mềm |
![]() |
Bà Quỳnh – vợ ông, cũng chính là thợ may chính của xưởng dệt. Chia sẻ với phóng viên, bà Quỳnh cho biết: “Tôi cùng chồng làm nghề này cũng được hơn 20 năm rồi. Nghề này giờ không còn nhiều người theo nên cũng chỉ mong mọi người đón nhận những sản phẩm mà vợ chồng tôi làm ra cũng như biết đến the lụa La Khê nhiều hơn”. |
![]() |
Căn phòng nhỏ ngay tại xưởng là nơi ông cất giữ những tấm vải cũng như những bộ áo dài do chính tay bà Quỳnh - vợ ông may. |
![]() |
Những chiếc cúp được ông cất gọn một góc trong căn phòng. Đây không chỉ là những chứng nhận, giải thưởng mà ông nhận được khi làm the lụa mà đó còn là những minh chứng cho sự cố gắng của ông trong việc giữ gìn và phát triển nghề dệt the lụa. |
![]() |
Những chiếc áo dài luôn được bà may một cách tỉ mỉ, chỉn chu nhất. Bà luôn trân trọng những tấm vải the lụa mà chồng mình làm ra. |
The lụa La Khê giờ đã không còn nhiều người biết đến như ngày xưa, cũng không còn nhiều người trẻ học nghề. “Tôi mong muốn những thế hệ tiếp theo có thể tiếp tục gìn giữ và phát triển nghề the lụa. Thế nên, nếu có các bạn trẻ đến học việc tôi sẽ rất vui mừng và chỉ bảo tận tình”, ông Toản chia sẻ. Hơn hai mươi năm gắn bó với nghề dệt the lụa không phải một quãng đường dài, nhưng với ông Lê Đăng Toản, đó là hành trình của sự kiên định và đam mê.
Minh Ánh