Thanh Hóa: Dân khốn khổ vì bãi rác chất cao như núi ở Sầm Sơn
Đà Nẵng: Bãi biển đẹp nhất hành tinh tràn ngập nước thải sau đợt mưa xối xả Cận cảnh hồ điều tiết gây ô nhiễm nhất nhì ở Đà Nẵng |
Tòa soạn Tuổi trẻ và Pháp luật nhận được phản ánh của người dân trên địa bàn TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) đang ngày đêm sống chung với mùi hôi thối bốc lên từ bãi rác thải phường Bắc Sơn. Theo phản ánh, vài năm gần đây, bãi rác này đã không còn chỗ chứa, rác chất cao tương đương toà nhà ba tầng.
Đứng từ phí xa, không khó để nhìn thấy bãi rác Sầm Sơn được chất cao như núi, bốc mùi khó chịu. |
Một phần nguyên nhân được người dân cho rằng do dân số gia tăng vì Sầm Sơn sáp nhập thêm 6 xã từ huyện Quảng Xương, nguyên nhân khác do lượng du khách đến nghỉ dưỡng ngày một đông nên bãi rác thêm quá tải, cả 3 hố chôn lấp đều đã đầy ứ. Tính từ mặt đường lên đỉnh bãi rác này có chỗ cao hơn 10m, tương đương ngôi nhà ba tầng.
Chị H.T.H một người dân sinh sống ở gần đây cho biết: "Cứ ngày nắng thì bãi rác này bốc mùi hôi thối, ngày mưa thì nước thải đen ngòm, chảy len lỏi vào các khu vực trũng, tràn vào các khu dân cư. Chúng tôi thật sự không thể chịu được với tình trạng như thế này mãi".
Màu đen ngòm, váng đục từ hồ sinh học đang ngấm dần vào lòng đất gây ô nhiễm khiến người dân ngao ngán |
Hỏi những người dân khác sống xung quanh khu bãi rác, tất cả rất bức xúc: "Vài năm trở lại đây, cuộc sống của chúng tôi đã bị thay đổi. Nước giếng thì không thể dùng được nữa, ngày nào cũng xuất hiện ruồi muỗi bay vào rất bẩn và ô nhiễm. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, bà con đã nhiều lần kiến nghị lãnh đạo thành phố về vấn đề ô nhiễm, đề nghị có phương án di dời bãi rác nhưng chính quyền chưa thể giải quyết dứt điểm".
Theo ghi nhận của PV chiều ngày 20/8, đứng từ phía xa cách chừng 1km, một bãi rác khổng lồ được chất cao như núi, mùi hôi thối khó chịu. Tiến lại gần khu vực hồ lắng dưới chân bãi rác Sầm Sơn thấy váng bẩn, bốc mùi xú uế khắp vùng.
Được biết, bãi rác TP Sầm Sơn được quy hoạch cách biển khoảng chừng gần 2km và nằm cạnh sông Đơ (con sông này chỉ dài chừng vài km - pv). Đầu phía Nam nối ra biển tại cống Quảng Vinh, phía Bắc thông với sông Mã rồi đổ thẳng về cửa biển Lạch Hới. Chính vì bãi rác được quy hoạch nằm cạnh sông Đơ, nên nguồn nước rỉ của nó ngày đêm âm ỉ chảy thẳng ra dòng sông này. Không chỉ vậy, nước rỉ từ bãi rác còn chảy tràn ra đồng ruộng, đổ vào ao cá của người dân, gây nên sự bức bách, khổ sở cho bà con.
Tổng khối lượng rác tại bãi rác Sầm Sơn hiện vào khoảng hơn 530.000 tấn, trung bình mỗi ngày phải tiếp nhận khoảng 135-150 tấn. Năm 2010, tỉnh Thanh Hoá buộc phải đưa bãi rác Sầm Sơn vào danh mục những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn.
Trụ sở UBND TP Sầm Sơn. |
Trao đổi với PV về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Yến, Phó phòng TN&MT thành phố Sầm Sơn cho biết, địa phương từng đề nghị UBND tỉnh cho phép chuyển rác từ đây lên bãi rác Đông Nam (huyện Đông Sơn) tập kết, xử lý theo đúng quy hoạch rác thải của tỉnh tuy nhiên không được chấp thuận do bãi rác Đông Nam dù mới hoạt động cũng đã rơi vào tình trạng quá tải.
Cũng theo bà Yến thì UBND tỉnh vừa chấp thuận chủ trương cho Sầm Sơn lập quy hoạch bãi rác ở xã Quảng Minh với diện tích khoảng 14 ha. Bãi rác có công suất giai đoạn một là 200 tấn rác/ngày, giai đoạn hai có thể nâng lên khoảng 500 tấn một ngày. Thành phố đang khẩn trương tìm nhà đầu tư đủ năng lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy xử lý rác thải ở Quảng Minh nhằm sớm giải quyết tình trạng ô nhiễm ở bãi rác cũ.
"Lãnh đạo TP Sầm Sơn không thờ ơ với câu chuyện bãi rác, mà thực sự đang bế tắc vì không có một nơi nào để đổ rác."