Tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án chống ngập cho Thủ đô

Để giải quyết tình trạng úng ngập tại Hà Nội vào mùa mưa, nếu chỉ trông chờ vào sự nỗ lực của ngành thoát nước là chưa đủ mà cần có sự vào cuộc của các đơn vị có liên quan để đẩy nhanh tiến độ các dự án chống ngập cho Thủ đô.
Thu hút nhân tài, nhân lực chất lượng cao để xây dựng và phát triển Thủ đô Các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) Gỡ “nút thắt” quan trọng cho nguồn vốn đầu tư phát triển Thủ đô

Mùa mưa đến, người dân lại nơm nớp sợ ngập

Ngày 4/8, khu vực nội thành Hà Nội có mưa vừa, mưa to đến rất to. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã phát đi bản tin cảnh báo ngập lụt khu vực nội thành Hà Nội.

Trước đó, trận mưa lớn chiều 31/7 đã khiến nhiều đoạn đường ở Hà Nội úng ngập cục bộ như Định Công (quận Hoàng Mai); Triều Khúc (huyện Thanh Trì); Quang Trung (quận Hà Đông), Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân),... Nhiều khu vực, hệ thống thoát nước bị quá tải.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án chống ngập cho Thủ đô
Đường Nguyễn Trãi ngập sâu sau trận mưa lớn chiều 31/7

Chị Nguyễn Thị Nhanh, chủ cửa hàng điện thoại tại Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ: “Cứ mùa mưa đến là người dân khu nhà tôi lại nơm nớp lo sợ. Năm nào cũng bị nước ngập vào nhà một vài lần. Mới đây nhất, trận mưa chiều 31/7, nhà tôi bị nước ngập vào nhà khoảng 30 cm, dọn dẹp đến khổ”.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, những năm gần đây tình hình phát triển đô thị nhanh trong khi hệ thống thoát nước đô thị chưa được đầu tư đồng bộ. Một số khu vực có cốt địa hình thấp nên với những trận mưa có cường độ đến 70mm/h sẽ xuất hiện 11 điểm úng ngập. Với lượng mưa đến 100mm/h sẽ xuất hiện 30 điểm úng ngập tại các tuyến phố chính và một số điểm ngập nhỏ lẻ khác tại các ngõ ngách khu dân cư, một số đoạn trên các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ do chưa có hệ thống thoát nước đô thị.

Nguyên nhân gây úng ngập do các điểm úng ngập ở vị trí điểm trũng, xa nguồn xả, cao độ nền thấp hơn khu vực xung quanh nên khi mưa lớn, nước chảy theo mặt đường dồn về nhanh gây ra các điểm ngập cục bộ. Mặt khác hệ thống thoát nước vận hành theo nguyên lý tự chảy, các nguồn xả, trạm bơm đầu mối hiện nay chưa được xây dựng hoàn thiện đồng bộ theo quy hoạch.

Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa nhanh nhưng công tác đầu tư hệ thống thoát nước chưa theo kịp đặc biệt khu vực ngoại thành đối với các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ. Hệ thống hồ điều hòa theo quy hoạch còn thiếu, nhiều ao hồ trong nội thành bị thu hẹp diện tích do phát triển đô thị hoặc chưa tham gia tích nước điều hòa thoát nước đô thị.

Đẩy nhanh các dự án chống ngập

Mặc dù đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thậm chí, trước, trong và sau mưa - thời điểm nguy hiểm nhất, ngành thoát nước cũng bố trí nhân lực, phương tiện, máy móc… ứng trực tại các “điểm nóng” về ngập úng để tăng khả năng tiêu thoát nước, giảm thiểu tình trạng ngập úng. Thế nhưng, trong hoàn cảnh hạ tầng thoát nước ngày càng xuống cấp, không đáp ứng được tốc độ đô thị hóa thì đây chỉ biện pháp “chữa cháy” không phải là biện pháp “phòng cháy” bền vững.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án chống ngập cho Thủ đô
Lực lượng chức năng luôn sẵn sàng ứng trực tại các “điểm nóng” về ngập úng

Được biết, nhằm nâng cao năng lực của hệ thống thoát nước, giảm thiểu tình trạng ngập úng, Hà Nội đã có kế hoạch thực hiện một số dự án như: Hệ thống thoát nước mưa lưu vực Tả sông Nhuệ; Hệ thống thu gom nước thải (lưu vực S1) về Nhà máy nước xử lý nước thải Yên Sở; Hệ thống thoát nước mưa lưu vực Tả sông Nhuệ; Trạm bơm Gia Thượng, hồ điều hòa và xây dựng tuyến mương Thượng Thanh, quận Long Biên; Hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Tây sông Nhuệ; Hệ thống thoát nước quận Hà Đông thuộc lưu vực Hữu Nhuệ; Dự án cải thiện thoát nước và quản lý nước thải tại quận Long Biên và huyện Gia Lâm… với tổng mức đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, các dự án được coi là “cứu cánh” cho tình trạng ngập úng tại Thủ đô mới đang trong giai đoạn triển khai lập đề cương nhiệm vụ và dự toán chi phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đánh giá tác động môi trường. Vì vậy, các cơ quan liên quan cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ các dự án chống ngập.

Trước mắt, để đảm bảo công tác thoát nước trên địa bàn, UBND TP đã chỉ đạo Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện một số giải pháp: Lập đường dây nóng giữa các đơn vị để tiếp nhận và giải quyết kịp thời các sự cố thoát nước gây úng ngập; Tổ chức ứng trực 24/24h, tập kết và chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thiết bị để đảm bảo thoát nước tại các vị trí xảy ra úng ngập; Bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời các trạm bơm, công trình đầu mối đảm bảo vận hành 100% công suất; Thực hiện cải tạo, sửa chữa hệ thống thoát nước...

Tại nhiều cuộc họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã nhấn mạnh, công tác tiêu thoát nước, giải pháp chống úng ngập là một vấn đề rất hệ trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, sinh hoạt của Nhân dân. Vì vậy, các sở, ngành cần làm rõ những nguyên nhân (cả chủ quan và khách quan) để xảy ra tình trạng úng ngập như hiện nay; Nhất là nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm của người đứng đầu, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chậm triển khai các dự án phục vụ tiêu thoát nước trên địa bàn thành phố.
Diệu Linh
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động