Tạo mọi điều kiện giúp vải thiều Bắc Giang tiêu thụ thuận lợi nhất
Theo lãnh đạo UBND huyện Lục Ngạn, Bắc Giang cho biết, giá vải thiều sớm tại huyện Lục Ngạn, Bắc Giang hiện nay từ 20 - 35 nghìn đồng/kg.
Hiện nay, vải sớm Bắc Giang đã tiêu thụ được gần 14.000 tấn, thị trường tiêu thụ chủ yếu thị trường trong nước; đã tổ chức xuất khẩu khoảng 3.985 tấn, trong đó tại thị trường Nhật Bản, EU, Hàn Quốc trên 31 tấn; thị trường Trung Quốc 3.894 tấn; thị trường Campuchia 60 tấn.
Giá vải thiều sớm tại huyện Lục Ngạn, Bắc Giang hiện nay từ 20 - 35 nghìn đồng/kg |
Hiện nay, việc tiêu thụ vải thiều sớm của tỉnh Bắc Giang diễn ra rất thuận lợi, vải được thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó, với giá thành cao.
Ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, năm 2022 giá vải khá cao và ổn định. Xác định trong sản xuất nông nghiệp thì thường rơi vào tình trạng được mùa nhưng mất giá do thị trường không ổn định, công tác xúc tiến còn hạn chế.
Lãnh đạo huyện Lục Ngạn ước tính có khoảng 21.000 tấn vải chín sớm, hiện đã tiêu thụ khoảng 5.000 tấn, giá ổn định từ đầu vụ rất ổn định và cao hơn năm 2021.
Ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn đánh giá năm 2022 giá vải khá cao và ổn định |
Bên cạnh đó, toàn huyện Lục Ngạn có 96 điểm cân, thu mua vải, giá dao động thừ 18.000 – 35.000 đồng/1kg.
Về các lĩnh vực phụ trợ, hiện nay trên địa bàn huyện có 4 nhà máy sản xuất, 30 kho dự trữ thùng xốp với lượng thùng xốp đã sản xuất lưu kho trên 5 triệu thùng các loại, giá bán các loại thùng xốp hiện nay dao động từ 26.000 - 35.000 đồng.
Dự kiến công suất đến hết vụ của các cơ sở là trên 6 triệu thùng; đồng thời đã có 36/42 cơ sở sản xuất đá cây đã đóng điện sản xuất, giá bán đá cây từ 20.000-25.000/cây.
Vải thiều tại Lục Ngạn, Bắc Giang sắp vào chính vụ |
Thông tin với các cơ quan báo chí, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, năm 2022, công tác kiểm dịch của Trung Quốc chặt chẽ và kỹ càng hơn, ngay từ đầu vụ, huyện Lục Ngạn và tỉnh Bắc Giang đã chủ động làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc và các cơ quan, đơn vị liên quan của hai nước.
Qua đó, cơ quan nước bạn và Việt Nam đều khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho vải thiều xuất khẩu. Cơ quan chức năng Trung Quốc sẽ tạo điều kiện cho vải thiều xuất khẩu ở luồng xanh, có đường di chuyển riêng sang cửa khẩu mà không phải xếp hàng, chờ xuất khẩu như các mặt hàng, nông sản khác.
Lãnh đạo huyện Lục Ngạn triển khai nhiều biện pháp để giúp người trồng vải tiêu thụ thuận lợi với giá cao |
Bên cạnh đó đã chuẩn bị sẵn kịch bản, kể cả cho điều kiện việc tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc gặp khó khăn. Cụ thể, Lục Ngạn sẽ chú trọng quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ tại thị trường trong nước, mở rộng xuất khẩu đến thị trường các nước có nhiều tiềm năng như Nhật Bản, Châu Âu và Mỹ.
Khuyến khích áp dụng công nghệ sấy vải bằng điện, sấy dẻo để phục vụ xuất khẩu; đẩy mạnh chế biến vải thiều thành thực phẩm, nước ép.
Từ tháng 3/2022 đến nay, Huyện ủy, UBND huyện Lục Ngạn đã chủ động tổ chức các đoàn công tác đi tiếp xúc, làm việc trực tiếp với chính quyền, Hải quan, Ban Quản lý các cửa khẩu quốc tê như Móng Cái, Quảng Ninh; Mộc Bài, Tây Ninh; cùng Đoàn công tác của tỉnh Bắc Giang làm việc với tỉnh Lạng Sơn… để có biện hỗ trợ thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu vải thiều Lục Ngạn qua các cửa khẩu. Đồng thời kết nối hỗ trợ để các doanh nghiệp, HTX địa phương ký kết thỏa thuận, hợp đồng với các đối tác về việc xuất khẩu vải thiều Lục Ngạn sang Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã tiến hành khảo sát và liên kết tiêu thụ vải thiều tại thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu như: Công ty Fusa ký hợp đồng xuất khẩu đi thị trường EU với giá 35.000 đồng/kg, sản lượng 10 tấn; Công ty Cổ phần Miền đất nông nghiệp Việt - Pháp ký với các Hợp tác xã, Tổ hợp tác cung ứng vải thiều cung ứng sản phẩm vải thiều Lục Ngạn sang thị trường EU, dự kiến khoảng 150 tấn. |