Tăng cường phân cấp để không làm"chảy" nguồn lực đầu tư sang địa phương lân cận
Hà Nội ưu tiên dành nguồn lực đầu tư xây dựng Nông thôn mới Tháo gỡ vướng mắc tài chính - gia tăng nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế Thủ đô |
Sáng 12/9, thực hiện chương trình kỳ họp thứ 9 của HĐND TP Hà Nội các đại biểu HĐND TP đã thảo luận tại tổ về các nội dung được xem xét quyết nghị tại kỳ họp.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì thảo luận tại tổ |
Doanh nghiệp kỳ vọng rất nhiều vào Đề án phân cấp, ủy quyền
Cho ý kiến về Đề án phân cấp quản lý Nhà nước, ủy quyền trên địa bàn TP và Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 08 năm 2016 của HĐND TP về phân cấp quản lý Nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn TP Hà Nội, các đại biểu HĐND nhận định, đây là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên mới chỉ là bước đầu, về lâu dài, cần hướng tới xây dựng dữ liệu chung, để người dân có thể đến bất kỳ trụ sở nào thực hiện thủ tục hành chính (TTHC). Ngoài ra, TP cũng cần quan tâm tới nguồn nhân lực thực hiện phân cấp ủy quyền cùng với chú trọng đào tạo tập huấn; Giám sát, kiểm tra tại các địa phương.
Theo đại biểu Trần Anh Tuấn, Bí thư thị uỷ Sơn Tây, quá trình phối hợp giữa các Sở, ban, ngành đôi khi chưa hiệu quả dẫn đến ách tắc công việc. Vì vậy, Đề án phân cấp quản lý Nhà nước, ủy quyền trên địa bàn TP sẽ chủ động cho địa phương, thúc đẩy quản lý Nhà nước, điều chỉnh và giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Đặc biệt, đại biểu Trần Anh Tuấn hoanh nghênh việc điều chỉnh phân cấp quản lý các chợ, tiêu biểu như thị xã Sơn Tây có chợ Nghệ nằm trong vùng lõi phố đi bộ, khi được phân cấp quản lý sẽ hiệu quả hơn. Thứ hai là quản lý trường THPT, khi được phân cấp sẽ cải tạo sửa chữa đáp ứng yêu cầu giáo dục; Về giao thông sẽ quản lý tốt hơn các tuyến đường, vệ sinh môi trường.
Đại biểu Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch huyện Quốc Oai đánh giá, Đề án phân cấp quản lý Nhà nước, uỷ quyền trên địa bàn TP Hà Nội có tính phân cấp mạnh mẽ, đồng bộ, khoa học, có tính thực tiễn cao, trong đó đặc biệt là phân cấp cho các trường học để duy tu, duy trì các trường THPT. Đại biểu đề nghị chú ý về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi bởi tăng thẩm quyền cho quận, huyện thì phải chú ý về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, quan tâm đến nguồn nhân lực cho các địa phương.
Đại biểu Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Sơn Hà nêu quan điểm, Đề án phân cấp, ủy quyền sẽ tăng tính chủ động, giảm bớt TTHC. Với góc độ doanh nghiệp, kỳ vọng vào Đề án là rất rõ nét.
“Nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào Hà Nội nhưng còn khó khăn về thủ tục, trong khi đó, các địa phương lân cận lại có sự hỗ trợ nhiều hơn. Nếu không cải thiện về TTHC có thể làm mất nguồn lực vào các địa phương bên cạnh, do vậy cần xem xét kỹ hơn ở việc phân cấp để tận dụng nguồn lực đầu tư”- đại biểu Lê Vĩnh Sơn nêu ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Thanh Nam, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội kỳ vọng Nghị quyết thay thế về phân cấp ủy quyền lần này sẽ sâu, rộng và kỹ hơn để các cấp chủ động thực hiện theo tinh thần đẩy mạnh tới cơ sở, đáp ứng nhanh hơn nhu cầu Nhân dân.
Nhất trí với các nội dung điều chỉnh, trong đó có nội dung về quản lý nước sạch, ông Nam lưu ý việc phân cấp cần gắn với theo dõi, đánh giá của TP.
Theo đại biểu Nam, việc thực hiện phân cấp, ủy quyền tới các địa phương sẽ khác nhau, do nguồn lực các địa phương không đồng đều. Vì vậy, TP cần sớm ban hành và tăng cường tập huấn nghiệp vụ, định kỳ có sơ kết, tổng kết với từng địa phương và từng nội dung phân cấp.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội cho rằng cần tăng tính hậu kiểm trong phân cấp, ủy quyền và nhấn mạnh, đã phân cấp phải ủy quyền tuyệt đối. "Ở lĩnh vực điện lực, khi phân cấp chúng tôi giao triệt để hết quyền và chỉ hậu kiểm. Trước khi giao cho các đơn vị cần khoanh lại giải quyết các tồn tại cũ”, đại biểu cho biết.
“Không thể tạo điều kiện giúp đỡ mãi mà cần chế tài xử lý”
Các đại biểu thảo luận tại tổ |
Cho ý kiến về lĩnh vực đầu tư công, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (tổ Hà Đông) cho rằng, cần tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc, song hành với tạo điều kiện tháo gỡ bởi “chúng ta không thể tạo điều kiện, giúp đỡ mãi, đã đến lúc cần chế tài để xử lý”.
Đại biểu Vũ Mạnh Hải, Chủ tịch Hội nghệ nhân thợ giỏi thành phố phân tích, nhiều dự án lớn, các doanh nghiệp được cấp phép đầu tư triển khai rất nhanh. Cho thấy , nguồn vốn đầu tư là không thiếu.
Phân tích các điểm nghẽn trong triển khai các dự án đầu tư công, đại biểu cho rằng, trong đầu tư công, thủ tục rất quan trọng. Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng cũng gây ách tắc nhiều, cần cơ chế để giải quyết kịp thời. Quá trình thực hiện dự án, cần chú ý đến công tác bố trí cán bộ; Cần có sự khảo sát, phối hợp để kiểm tra kiểm soát thường xuyên, tránh khảo sát không kỹ, khi triển khai lại vướng mắc.
“Những dự án đã nghiên cứu kỹ, thiết kế chuẩn rồi cần tập trung cao độ, không để lãng phí lớn. Những công trình phân cấp cho các quận, huyện, TP cần có chỉ đạo các Sở, ngành sát sao, chốt về tiến độ, nếu có ý thức, có trách nhiệm đồng bộ thì các công trình sẽ sớm được thực hiện, đáp ứng nhu cầu của người dân”- đại biểu Hải nói.
Đại biểu Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch huyện Quốc Oai nhận định các dự án chậm tiến độ thường liên quan vấn đề giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các dự án liên quan văn hoá, thể thao. Vì vậy, chia sẻ về giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ở cấp huyện, đại biểu cho biết, huyện Quốc Oai thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ tại công trường, cấp huyện trực tiếp rà soát sát với từng dự án. “ Các chủ đầu tư và các quận huyện cần sát sao với từng dự án thì giải ngân sẽ tốt hơn”- đại biểu nêu.