Sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân trở thành Di sản tư liệu thế giới
Bản đúc nổi trên Cửu đỉnh Huế được công nhận Di sản tư liệu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương Triển lãm “Đà Nẵng nhìn từ biển qua Di sản tư liệu thế giới Châu bản triều Nguyễn” |
Phong phú về thể loại và hình thức âm nhạc cùng nội dung sâu sắc, hồ sơ đã đáp ứng được nhiều tiêu chí quan trọng của UNESCO, đặc biệt là ý nghĩa lịch sử và giá trị toàn cầu. Các tác phẩm của Hoàng Vân minh chứng cho sự thay đổi sâu sắc của xã hội Việt Nam trong thời kỳ đó, đặc biệt là vai trò của người phụ nữ và các tầng lớp yếu thế.
![]() |
TS. Trần Việt Hoa – Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, TS. Vũ Thị Minh Hương - Nguyên Cục trưởng Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Ký ức thế giới UNESCO Khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Uỷ viên Ủy ban tư vấn quốc tế của Chương trình Ký ức thế giới UNESCO cùng TS.Y Linh (con gái Nhạc sĩ Hoàng Vân) bên những bản phác thảo nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân, tháng 4/2025. |
Sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân tương đối đầy đủ và nguyên vẹn, bao gồm hơn 700 tác phẩm âm nhạc từ năm 1951 đến 2010, được lưu giữ dưới nhiều chất liệu khác nhau gồm bản thảo, tổng phổ, phân phổ, phim, ảnh, file âm thanh, bản in, băng, đĩa, tệp tin số… Sưu tập là nguồn tài liệu tham khảo cho nghiên cứu văn hóa, xã hội trong bối cảnh hậu thuộc địa và góp phần quan trọng cho việc nghiên cứu lịch sử âm nhạc Việt Nam và thế giới. Hiện nay bộ sưu tập đã được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ Việt Nam và trang web đa ngữ (https://hoangvan.org) cho phép công chúng và học giả có thể tiếp cận một các dễ dàng.
Từ khi nhạc sĩ Hoàng Vân qua đời vào năm 2018, hai con của nhạc sĩ là Nhạc trưởng Lê Phi Phi và Nhà nghiên cứu lý luận âm nhạc, TS Lê Y Linh đã chung sức sưu tầm, thống kê, hệ thống hóa, khôi phục tư liệu tạo nên bộ sưu tập cá nhân của nhạc sĩ và đã đề cử cho Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO.
![]() |
Bìa tác phẩm «Guồng nước quay» của Nhạc sĩ Hoàng Vân. |
Theo TS Vũ Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch MOWCAP, chuyên gia Ủy ban tư vấn quốc tế Chương trình Ký ức thế giới: “Việc ghi danh Sưu tập nhạc sĩ Hoàng Vân sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh về việc lưu giữ các tư liệu âm nhạc không chỉ ở Việt Nam, mà còn trong khu vực và trên toàn thế giới; góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về việc bảo tồn các tư liệu góp phần làm giàu ký ức của quốc gia và thế giới từ các cá nhân, gia đình... cũng như các nghệ sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà văn, nhà thơ... Đây chính là một trong những mục tiêu của Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO”.
Đây là Di sản tư liệu cấp thế giới thứ 4 của Việt Nam cùng với Mộc bản triều Nguyễn (2009), Bia tiến sĩ Văn Miếu – Quốc Tử Giám (2011) và Châu bản triều Nguyễn (2017). Cùng với 7 Di sản tư liệu cấp Khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hiện Việt Nam có 11 Di sản tư liệu được UNESCO ghi danh.
Bộ Sưu tập là Di sản tư liệu thế giới quý giá được quản lý tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III cùng với 2 «Bảo vật quốc gia» gồm bộ Sưu tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1945 – 1946 và Bộ sưu tập phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam của Hoạ sĩ Bùi Trang Chước là những tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt.
Trung tâm Lưu trữ quốc gia III sẽ quản lý, bảo quản và phát huy giá trị của chúng phục vụ các nhu cầu khác nhau của xã hội, công chúng cũng như đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.