Soạn thảo Luật Báo chí (sửa đổi), trình Chính phủ trong tháng 2/2025

Bộ Thông tin và Truyền thông được yêu cầu chủ trì soạn thảo Luật Báo chí (sửa đổi), trình Chính phủ trong tháng 2/2025.
Thường vụ Quốc hội thống nhất sửa Luật Báo chí với 4 chính sách

Phó Thủ tướng Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 154/QĐ-TTg phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật, dự thảo nghị quyết được bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

Theo quyết định, Phó Thủ tướng phân công Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), trình Chính phủ trong tháng 1/2025.

Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo Nghị quyết về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, trình Chính phủ trong tháng 2/2025.

Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, trình Chính phủ trong tháng 2/2025.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì soạn thảo Luật Báo chí (sửa đổi), trình Chính phủ trong tháng 2/2025.

Soạn thảo Luật Báo chí (sửa đổi), trình Chính phủ trong tháng 2/2025
Ảnh minh họa.

Bộ trưởng các bộ chủ trì soạn thảo các dự án luật, dự thảo nghị quyết được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng các dự án luật, dự thảo nghị quyết theo đúng trình tự, thủ tục quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện rà soát đầy đủ các văn bản có liên quan để phát hiện, xử lý những vấn đề khác nhau giữa quy định trong văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và văn bản dự kiến ban hành.

Đồng thời tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản; đảm bảo tuân thủ đúng và đầy đủ Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; thực hiện nghiêm các giải pháp đã được giao tại các Nghị quyết của Chính phủ.

Cùng đó là hoàn thiện các hồ sơ dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Chính phủ đúng thời hạn, tiến độ đã được phân công theo quyết định này và chịu trách nhiệm về nội dung, chất lượng của dự án luật, dự thảo nghị quyết.

Bộ Tư pháp có trách nhiệm thẩm định kịp thời, đúng tiến độ và nâng cao chất lượng thẩm định; chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và báo cáo Chính phủ về tiến độ thực hiện theo quy định.

Liên quan đến dự án Luật Báo chí (sửa đổi), trước đó, hồi giữa tháng 12/2024, tại phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề nghị xây dựng với 4 chính sách.

Cụ thể, tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động báo chí; nâng cao chất lượng người làm báo, lãnh đạo cơ quan báo chí; thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí; điều chỉnh hoạt động báo chí trên không gian mạng.

Trong đó, dự kiến Luật Báo chí sẽ sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện cấp giấy phép hoạt động báo chí; thu hồi giấy phép hoạt động của cơ quan báo chí; quản lý Nhà nước về báo chí tại địa phương.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, nhiệm vụ và quyền hạn của cấp phó người đứng đầu cơ quan báo chí; yêu cầu về bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, đạo đức nghề nghiệp cho người làm báo trước khi cấp thẻ nhà báo lần đầu.

Các quy định về mô hình tổ hợp báo chí truyền thông; liên kết trong hoạt động báo chí; chính sách của Nhà nước về phát triển báo chí; hoạt động trên không gian mạng của cơ quan báo chí… cũng sẽ được sửa đổi, bổ sung.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025) đối với Luật Báo chí (sửa đổi).

Hậu Lộc
Phiên bản di động