Sinh viên và “nghìn lẻ một” chuyện ở trọ

Sinh viên đi thuê trọ có rất nhiều chuyện oái oăm phải đối mặt hàng ngày. Nếu không “phát điên” vì thói xấu của bạn cùng phòng thì cũng gặp phải vô vàn nỗi thống khổ khi đối mặt với chủ nhà "tai quái"...
Sinh viên chinh phục “Kỹ năng quản lý tài chính” Sinh viên trường Đại học Hà Nội tích cực tham gia ngày hội hiến máu Sẽ tổ chức tuyên dương 140 học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu

Mới đây, trên trang mạng Facebook “Tìm phòng trọ - nhà trọ cho sinh viên tại Hà Nội” có một số bạn sinh viên “bóc phốt” chủ cho thuê nhà trọ. Một bạn sinh viên “Người tham gia nhóm” viết câu chuyện dài phản ánh về một chung cư min-ni ở khu vực Trần Cung, Cầu Giấy, Hà Nội. Bạn sinh viên kể rằng, suốt một năm qua, bạn ấy có thuê một phòng ở khu chung cư này. Ngay từ ban đầu chuyển vào đây ở với giá thuê nhà là 3.3 triệu đồng/tháng cho căn phòng 20-25m2 và bạn ấy ở từ tháng 11/2021 đến tháng 10/2022. Dịch vụ gồm tiền vệ sinh, nước, thang máy, máy giặt và điện 3.8 nghìn đồng/một số.

Bạn này ở trọ tại tầng hai của khu nhà, thang máy cứ vài tháng hỏng một lần, lên đến tầng bảy phơi đồ thì rung bần bật, bên cạnh đó, sinh viên thường bị mất trộm quần áo. Tầng bảy có ba chiếc máy giặt thì hỏng luân phiên, dù các bạn ở trọ phản ánh nhiều lần nhưng quản lý mặc kệ, dù tháng nào cũng đóng tiền dịch vụ. Chỗ giặt phơi đồ thường bị tắc cống, nước tràn ra sàn nhà trơn, bẩn, mất vệ sinh.

Câu chuyện của sinh viên ở trọ
Các bạn ở trọ chia sẻ về chuyện mất quần áo (Ảnh FBNV)

“Nhà trọ ở đây có tính bảo mật cao, cửa cổng khóa vân tay, camera nhưng nếu có mất đồ… thì là do bạn đen, trộm vẫn bẻ khóa để ăn cắp. Khu trọ lại hay bị mất nước. Khi thanh lý hợp đồng, dù không có khoản nào, mục lục, ghi chú nào về chi phí bảo dưỡng điều hòa, điều khiển, dọn dẹp phòng sau khi dọn đi nhưng lúc mình trả phòng thì mất 300 nghìn đồng tiền bảo dưỡng đồ cho chủ nhà và thêm cả 200 nghìn đồng tiền vệ sinh”, bạn sinh viên bày tỏ.

Trên diễn đàn mạng xã hội có vô vàn những câu chuyện, cũng như “tâm thư” của sinh viên về chuyện ở trọ. Trong đó có câu chuyện về những người ở ghép. Bạn Nguyễn Thị Mai Liên (trọ tại phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Mình đã đứng ra làm hợp đồng thuê một căn phòng 45m2, rồi tìm người ở ghép cho tiết kiệm. Sau đó có hai bạn nữa cùng quê đến trọ và mình liền đồng tình. Ngay từ ban đầu, mình cũng nói thẳng với các bạn ấy rằng, muốn mọi người sống cùng tiết kiệm và sử dụng đồ sinh hoạt một cách hợp lý. Hai bạn đồng ý và nói là cũng muốn tiết kiệm.

Tuy nhiên, ở với nhau được một thời gian, mình nhận thấy có một bạn sinh hoạt hoang phí. Bạn ấy bật nóng lạnh, điều hoà nhưng không bao giờ để ý tắt thiết bị, kể cả bóng đèn sáng cũng không tắt. Nước thì xả vô độ mỗi khi tắm, giặt quần áo. Không những vậy, nhiều điều tế nhị nhưng bạn ấy không hề lưu tâm, có khi còn dẫn người yêu về nhà ngủ lại qua đêm”.

Nhiều khu trọ cũng hay bị mất nước
Nhiều khu trọ cũng hay bị mất nước (Ảnh FBNV)

Suốt 3 năm qua, Nguyễn Lê Hoài Thương (sinh viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội) đã chuyển chỗ trọ năm lần vì môi trường sống, vì giá phòng tăng... nhưng nguyên nhân chính vẫn là không hài lòng với bạn chung phòng. Hoài Thương chia sẻ, cô rất mệt mỏi khi bạn cùng phòng ở bẩn, lần thì gặp bạn cùng phòng nhỏ nhen, hay bịa chuyện, lúc thì có bạn cùng phòng sống ích kỷ, chỉ biết lợi cho bản thân.

“Nhiều khi mình ngẫm kỹ lại xem liệu bản thân có khó tính quá hay không mà không thể chịu nổi với một số trường hợp bạn cùng phòng như vậy. Tuy nhiên, nghĩ đi nghĩ lại, mình vẫn muốn phát điên khi mỗi lần về phòng là thấy như một bãi rác.

Mình đâu phải ô sin mà suốt ngày cứ dọn dẹp. Hay lúc muốn tập trung học bài thì có đứa bạn nhiều chuyện, suốt ngày cứ “bà tám”, lại toàn đi nói xấu người khác, khiến mình không tập trung học bài được… Thế rồi, mình quyết định ra ở riêng một mình, dù tốn kém hơn nhưng thấy thoải mái”, Hoài Thương kể.

Theo ý kiến của một số chuyên gia, những người đến từ nhiều vùng quê khác nhau, gia cảnh, nền nếp, thói quen sinh hoạt khác nhau, lại cùng ăn, học, ngủ trong một không gian chung chỉ vỏn vẹn vài chục mét vuông thì chuyện xích mích cũng dễ hiểu. Ngay cả khi ở gia đình, thỉnh thoảng chúng ta vẫn mâu thuẫn với người thân. Tuy nhiên, chuyện nhỏ nhưng nếu không biết giải quyết sẽ có những hệ quả không hề nhỏ, nó ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần và chất lượng sống của mỗi cá nhân, thậm chí là hận thù và trở mặt với nhau.

Chị Lê Hải An, cựu sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, từng ở trọ suốt 10 năm và nay chị đã mua được nhà riêng, với sự nghiệp thành đạt tại Hà Nội, chia sẻ: “Chúng ta nên tìm hiểu kỹ càng các thông tin trước khi thuê trọ, trau dồi những kỹ năng sống để có thể bảo vệ bản thân. Trước khi quyết định ký hợp đồng thuê nhà cần tìm hiểu kỹ các thông tin: Giá phòng, giá điện nước, chi phí dịch vụ, những khoản phụ thu… để tránh những tranh chấp không đáng có.

Còn đối với những người bạn ở ghép, chúng ta nên rõ ràng thông tin. Mỗi khi có khúc mắc, mâu thuẫn cần thẳng thắn nói ra. Không có cách nào khác để gỡ bỏ hơn là trò chuyện với nhau nhưng phải luôn nhớ sự chia sẻ hay trao đổi nào cũng luôn cần thiện chí. Chỉ thực sự thiện chí và cùng chia sẻ thì mới có thể ở cùng nhau lâu dài”.

Lê Dung
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động