Siết chặt an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết Tân Sửu 2021

Một trong những vấn đề mà người tiêu dùng lo lắng dịp cận Tết chính là nguy cơ mất an toàn thực phẩm len lỏi vào những bữa cơm Tết trong gia đình mình.
Hà Nội: Điều tra sự cố ngộ độc thực phẩm tại trường Tiểu học Tiên Dương, Đông Anh Giảm 10% phí trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm

Bài 1: Phát hiện hàng loạt cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm "bẩn"

Thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ trong dịp Tết là câu chuyện chưa bao giờ hết nóng, khi các lực lượng chức năng liên tục vào cuộc thanh tra, kiểm tra và phát hiện nhiều vụ việc vi phạm chất lượng an toàn thực phẩm. Chính điều này làm ảnh hưởng đến lòng tin của người tiêu dùng Thủ đô.

Nhiều vi phạm bị phát hiện

Thời gian gần đây, các vụ nông sản, thực phẩm bẩn, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được phát hiện tiếp tục gây lo lắng cho người tiêu dùng.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát, qua kiểm tra an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối và các cơ sở sản xuất nông - lâm - thủy sản trên địa bàn, Chi cục đã phát hiện nhiều trường hợp kinh doanh sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ.

Tại chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai), chợ đầu mối hoa quả Long Biên vẫn còn nhiều hộ kinh doanh không ghi chép đầy đủ thông tin về hàng hóa, gây khó khăn cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Nỗi lo thực phẩm bẩn trong dịp Tết: Câu chuyện chưa bao giờ hết nóng
Đoàn kiểm tra thực tế nguồn gốc sản phẩm tại chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm)

Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tiến hành thanh, kiểm tra tại 108 cơ sở sản xuất kinh doanh nông - lâm - thủy sản; Xử phạt 50 tổ chức, cá nhân với số tiền hơn 340 triệu đồng; Buộc tiêu hủy 193 tấn ngô giống hết hạn sử dụng có giá trị hàng hóa lên đến hơn 17 tỷ đồng. Cùng với đó, Thanh tra Sở phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường (Công an thành phố Hà Nội) xử phạt 5 tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực giết mổ gia súc vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm với số tiền 36 triệu đồng...

Qua kiểm tra thực tế, các lỗi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm…

Một tiểu thương giấu tên tại chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) cho hay: "Chủ đại lý nói là nhập khoai tây ở các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh… về bán nhưng khi lực lượng chức năng kiểm tra thì không chứng minh được nguồn gốc và không ghi chép đầy đủ hồ sơ sản phẩm. Chúng tôi bán lẻ, chỉ mong nhập nông sản có nguồn gốc rõ ràng để kinh doanh ổn định".

Giá thịt bò khô chỉ bằng 1/2 giá thịt bò tươi?

Nắm rõ thực trạng về vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, bắt đầu từ ngày 15/12/2020, các lực lượng chức năng liên ngành của TP Hà Nội đã tăng cường thanh, kiểm tra vấn đề an toàn thực phẩm liên quan đến những mặt hàng thiết yếu như bánh kẹo, rượu, bia, nông sản, thực phẩm.

Điển hình, từ ngày 15/12/2020 đến nay, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã lấy 42 mẫu sản phẩm nông - lâm - thủy sản nhằm giám sát chỉ tiêu an toàn thực phẩm tại các vùng sản xuất chuyên canh tập trung trên địa bàn thành phố. Qua đó, cơ quan chức năng phát hiện 2 mẫu thịt vi phạm về chỉ tiêu Salmonella. Bên cạnh đó, các đơn vị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiểm tra tại 42 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 25 cơ sở; Phát hiện 6 cơ sở vi phạm, phạt vi phạm hành chính với số tiền 22,25 triệu đồng.

Ngoài ra, các lực lượng chức năng liên quan khác cũng phát hiện nhiều vụ vi phạm an toàn thực phẩm. Mới đây nhất, ngày 27/12/2020, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an TP Hà Nội đã tịch thu hơn 10 tấn bánh kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ, gồm các loại bánh, kẹo dẻo đủ màu sắc dành cho trẻ em có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng có nhiều loại in chữ Thái Lan, Malaysia… Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa.

Nỗi lo thực phẩm bẩn trong dịp Tết: Câu chuyện chưa bao giờ hết nóng
Lực lượng liên ngành kiểm tra số bánh, kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ ngày 27/12/2020

Trước đó, vào khoảng 11 giờ ngày 23/12, Đội 5, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 26 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) triệt phá cơ sở sang chiết, dán nhãn rượu giả xuất xứ nước ngoài tại phường Phúc La (quận Hà Đông, TP Hà Nội).

Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện rất nhiều can rượu loại 20 lít và vỏ chai rượu nhãn Back Lào đã được rút lõi; Đồng thời thu giữ rất nhiều vỏ hộp, tem nhãn, chai lọ và hàng trăm sản phẩm rượu đã đóng chai chuẩn bị đưa đi tiêu thụ. Lực lượng chức năng đã tạm giữ 202 chai rượu hình con giáp, 300 chai rượu Black Lào, 1.000 nút chai, 6 vỏ chai sứ hình con trâu.

Chủ cơ sở khai nhận, sang chiết số rượu trong các bình 20 lít trên để cho vào các bình rượu có hình con linh vật khác nhau; Kênh phân phối và tiêu thụ chính của những sản phẩm rượu linh vật chủ yếu diễn ra trên mạng xã hội Zalo, Facebook...

Cũng trong những ngày qua, theo ghi nhận của phóng viên tại các chợ đầu mối lớn ở Hà Nội như chợ Đồng Xuân, chợ đầu mối về thực phẩm rau củ quả Bắc Từ Liêm, chợ Mê Linh... các sản phẩm khô như: Nấm, miến, măng, thịt bò, gà, mực, cá khô tại các chợ này cũng khá dồi dào với nhiều mẫu mã, chủng loại. Tuy nhiên, sản phẩm thật giả lẫn lộn, có nhiều giá cho cùng một sản phẩm được niêm yết để phù hợp với từng đối tượng khách hàng.

Đơn cử, tại khu hàng chuyên đồ khô ở chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), trong vai người đi mua sản phẩm thịt bò khô số lượng lớn, các chủ quầy hàng đã đưa 5 - 7 loại sản phẩm thịt bò khô với các mức giá từ 150.000 - 350.000 đồng/kg cho phóng viên. Khi được hỏi, thịt bò tươi đã gần 300.000 đồng/kg nhưng sạp bán có 150.000 đồng/kg bò khô thì đây là thịt bò hay thịt gì, ngay lập tức chủ cửa hàng đã tỏ vẻ không hài lòng và nói gắt gỏng: "Mua thì mua, không mua thì thôi, hỏi lắm!".

Rõ ràng, từ những vấn đề nêu trên, có thể thấy, nguy cơ mất an toàn thực phẩm vẫn còn tiềm ẩn, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Đây là thời điểm, các cơ quan chức năng cần quyết liệt ngăn chặn nguy cơ thực phẩm bẩn, thực phẩm độc hại trà trộn vào mâm cơm của các gia đình trong dịp Tết.

(Còn nữa)

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động