Quảng Nam: TP Hội An "xin cơ chế đặc biệt" khi thu hồi đất nông nghiệp cho 4 dự án
Dự án KDC Lâm Sa - Tu Lễ - Xuân Hòa, TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) vẫn ngổn ngang sau hơn 3 năm triển khai vì vướng GPMB (Ảnh: V.Q) |
Xin "cơ chế đặc biệt" cho 4 dự án
Trước đó, ngày 19/7/2017, UBND tỉnh Quảng Nam có Công văn số 37067/UBND-KTTH gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND TP Hội An, về việc giải quyết vướng mắc khi thu hồi đất nông nghiệp tại các dự án đang triển khai GPMB, sau khi xem xét tờ trình số 167/TTr-UBND ngày 10/7/2017 của UBND TP Hội An.
Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất cho phép UBND TP Hội An thực hiện giao 01 lô đất ở theo Quy hoạch chi tiết phân lô tại các các khu TĐC đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp và có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi tại các dự án đang triển khai công tác GPMB từ 750 m2 trở lên đối với các dự án gồm: Dự án Khu du lịch sinh thái biển Hội An Holiday; Dự án Khu đô thị An Bàng (phân khu 2); Dự án KDC Nhị Trưng - Cồn Thu (phường Tân An) và Dự án KDC Lâm Sa - Tu Lễ - Xuân Hòa.
Điều kiện diện tích lô đất được giao không quá 01 lần định mức giao đất ở tại địa phương và hộ gia đình; các cá nhân phải nộp 100 % tiền sử dụng đất (không cho nợ).
Đường bê tông dẫn vào dự án Khu KDC Lâm Sa -Tu Lễ - Xuân Hòa (Ảnh: V.Q) |
Theo tìm hiểu của PV về 4 dự án được hưởng "cơ chế đặc biệt" này thì Dự án Khu du lịch sinh thái biển Hội An Holiday, chủ đầu tư trước là Công ty CP Đầu tư Hội An - Thái Bình Dương (Dự án được Thanh tra tỉnh Quảng Nam kết luận làm trái các quy định về luật đất đai).
Dự án KDC Nhị Trưng - Cồn Thu do Công ty CP xây dựng 501 (CICO 501) làm chủ đầu tư; Dự án Khu đô thị An Bàng (do Công ty Phát triển đô thị An Bàng làm chủ đầu tư) đang được tiến hành xây dựng và Dự án KDC Lâm Sa - Tu Lễ - Xuân Hòa.
Trước việc 4 dự án trên bỗng được hưởng "cơ chế đặc biệt", nhiều hộ dân trên địa bàn TP Hội An bị thu hồi đất nông nghiệp thắc mắc, tại sao UBND TP chỉ trình 4 dự án trên, trong khi còn hàng chục dự án phải thu hồi đất nông nghiệp của người dân như: Dự án đầu tư xây dựng nhà ở khu đô thị Bắc Hội An; Dự án phát triển bất động sản Khu dân cư Đông Bắc TP Hội An (giai đoạn 2); Khu đô thị Võng Nhi; Khu đô thị Cồn Tiến; Khu đô thị Thanh Hà (giai đoạn 2,3,4), phường Thanh Hà...
Hầu hết người dân chưa đồng ý việc đền bù giá đất ở bên trong dự án vì cho rằng không phù hợp (Ảnh: V.Q) |
Không đúng về nguyên tắc bồi thường
Câu hỏi đặt ra, việc UBND TP Hội An chỉ chọn 4 dự án để "xin cơ chế đặc biệt" là cấp 01 lô đất ở cho người dân sau khi bị thu hồi đất nông nghiệp, có đúng theo quy định của pháp luật hiện hành hay không?
Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thành Long (Đoàn Luật sư Quảng Nam) cho biết: Khoản 2 Điều 74 Luật Đất đai 2013 quy định: Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất do UBND tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.
Công văn số 37067/UBND-KTTH ngày 19/7/2017 của UBND tỉnh Quảng Nam (Ảnh: V.Q) |
Như vậy, Công văn số 37067 của UBND tỉnh Quảng Nam không còn phù hợp về nguyên tắc bồi thường khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp. Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp thì không thể bồi thường bằng đất ở cho người dân.
Cũng theo Luật sư Long, vào trước năm 2010, UBND tỉnh Quảng Nam từng có chính sách “Giao lại đất ở khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp”. Chính sách này được vận dụng trong trường hợp địa phương còn quỹ đất ở và nằm trong phần hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề. Theo đó, nếu người dân không nhận tiền thì nhận 01 suất đất ở.
Tuy nhiên, từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2009 ngày 13/8/2009, thì việc giao lại đất ở khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của người dân đã không còn hiệu lực.
Dự án KDC Lâm Sa -Tu Lễ - Xuân Hòa chưa có đường chính dẫn vào khu vực thi công (Ảnh: V.Q) |
Trên cơ sở nội dung của Nghị định số 69/2009, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành Quyết định số 23/2010 sửa đổi Quyết định số 29/2008 về việc quy định về bồi thường, GPMB hỗ trợ và TĐC.
Theo đó, tiến hành bồi thường theo hướng hỗ trợ bằng tiền đối với việc thu hồi đất nông nghiệp. Đồng thời, bãi bỏ các quy định về việc “Giao lại đất ở khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp”. Do đó, câu chuyện “Thu hồi trên 750 m2 đất nông nghiệp và được giao lại 100 m2 đất ở” đã không tồn tại gần 10 năm nay.
Như vậy, Tờ trình số 167/TTr-UBND, ngày 10/7/2017 của UBND TP Hội An có mục đích xin "cơ chế đặc biệt" cho 4 dự án trên và đã được UBND tỉnh Quảng Nam cho phép thực hiện, mặc dù pháp luật đã cấm. Việc này có thể mang lại nhiều hệ lụy trong công tác bồi thường khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp làm dự án.
Sở dĩ vì sao lại như vậy bởi chỉ người dân thuộc 4 dự án nằm trên địa bàn TP Hội An mới được hưởng cơ chế mua đất ở TĐC sau khi bị thu hồi đất nông nghiệp, trong khi trên toàn địa bàn toàn tỉnh có đến gần 200 dự án cũng bị thu hồi đất nông nghiệp nhưng người dân lại không được hưởng quyền lợi như vậy?. Theo đó, nhiều người dân bị ảnh hưởng tại các dự án khác có thể làm đơn khiếu nại đòi quyền lợi lên các cấp, gây bất ổn xã hội.
Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin.