Quận Long Biên: Biểu dương trẻ em gái chăm ngoan, học giỏi
Nâng cao vị thế trẻ em gái
Tại hội nghị, Phó giám đốc Trung tâm Y tế quận Nguyễn Khắc Thúy báo cáo thực trạng và giải pháp giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh quận Long Biên; Theo số liệu thống kê, tỷ số giới tính khi sinh quận Long Biên từ năm 2009 đến năm 2018 tăng từ 95 trẻ trai/100 trẻ gái lên 113 trẻ trai/100 trẻ gái, đặc biệt xu hướng lựa chọn giới tính trẻ trai ngày càng tăng ở lần sinh thứ ba trở lên dao động từ 143 - 160 trẻ trai/100 trẻ gái.
9 tháng đầu năm 2022, tỷ số giới tính khi sinh quận Long Biên ở mức 106 trẻ trai/100 trẻ gái. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng, tuy nhiên vẫn có một số phường tỉ lệ đang ở mức chênh lệch đáng báo động: Thạch Bàn: 130 trẻ trai/100 trẻ gái; Phúc Lợi: 128 trẻ trai/100 trẻ gái; Sài Đồng: 127 trẻ trai/100 trẻ gái.
Bà Đinh Thị Thu Hương – Phó chủ tịch UBND Quận phát biểu tại hội nghị |
Các đại biểu đã được gặp gỡ giao lưu với các trẻ em gái chăm ngoan, học giỏi và các cặp vợ chồng sinh con một bề gái làm kinh tế giỏi, nuôi dạy con chăm ngoan, học giỏi; Cùng họ chia sẻ những kinh nghiệm trong việc nuôi dạy con cái, vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt là những tâm sự hết sức chân thành khi họ phải đối mặt và vượt qua những định kiến, những quan điểm cổ hủ lạc hậu như trọng nam hơn nữ của những người xung quanh.
Các trẻ em gái chăm ngoan, học giỏi trong các gia đình tiêu biểu thực hiện tốt chính sách dân số được vinh danh tại hội nghị chính là những bằng chứng sinh động, những tấm gương người thật, việc thật đủ để khẳng định rằng không phải cứ sinh được con trai mới có hạnh phúc, mà quan trọng hơn cả là sinh được những đứa con khoẻ mạnh, ngoan ngoãn, học hành thành đạt.
Truyền thông thay đổi nhận thức
Phát biểu tại hội nghị, ông Tạ Quang Huy - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ Thành phố Hà Nội nhấn mạnh mặc dù tỷ số giới tính khi sinh của toàn thành phố đang có xu hướng giảm nhưng vẫn trên mức báo động. Nếu không có những can thiệp mạnh mẽ và kịp thời như hiện nay, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường về trật tự xã hội, an ninh, chính trị; dẫn đến hiện tượng thiếu nữ thừa nam trong độ tuổi kết hôn và dẫn đến phá vỡ cấu trúc gia đình ảnh hưởng tới chất lượng dân số trong tương lai.
Để giảm dần tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, trong thời gian tới cần phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó giải pháp trọng tâm vẫn là phải truyền thông thay đổi nhận thức, nâng cao vị thế trẻ em gái.
Bà Đinh Thị Thu Hương - Uỷ viên ban thường vụ Quận ủy - Phó chủ tịch UBND Quận - Trưởng Ban chỉ đạo công tác chăm sóc SKBĐ và Dân số - KHHGĐ quận Long Biên nhấn mạnh, trong những năm qua, công tác DS-KHHGĐ quận Long Biên luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể, vì vậy, quận đã duy trì mức sinh thay thế và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong lĩnh vực dân số.
Thời gian tới, để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch trong năm 2022 và những năm tiếp theo, đặc biệt từng bước giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, quận Long Biên sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức truyền thông, giáo dục phù hợp với từng đối tượng. Bên cạnh đó, cần tăng cường thanh kiểm tra các cơ sở y tế, nghiêm cấm, xử lý nghiêm các cơ sở cung cấp dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức; kịp thời động viên, tuyên dương các trẻ em gái chăm ngoan, học giỏi trong các gia đình tiêu biểu thực hiện tốt chính sách Dân số - KHHGĐ hàng năm...
Biểu dương các trẻ em gái chăm ngoan, học giỏi trong các gia đình tiêu biểu thực hiện tốt chính sách Dân số năm 2022 |
UBND quận Long Biên đã ban hành quyết định khen thưởng 12 tập thể và 19 cá nhân vì đã có thành tích trong công tác triển khai, thực hiện chương trình kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh năm 2022.
Sở Y tế Hà Nội và UBND quận Long Biên đã trao quà biểu dương, khen thưởng 100 trẻ em gái chăm ngoan, học giỏi trong các gia đình tiêu biểu thực hiện tốt chính sách Dân số - KHHGĐ năm 2022.