Quá trình Covid-19 chuyển từ trung bình đến nguy kịch
Virus khi còn trong mũi và cổ họng thường ít gây ho, song vẫn có thể lây lan ra những người xung quanh. Tình trạng bắt đầu nghiêm trọng khi bệnh lan đến phổi.
Cứ 7 bệnh nhân có một người khó thở và các biến chứng, 6% bệnh nhân diễn tiến nguy kịch. Những bệnh nhân này thường bị suy hô hấp và suy đa tạng, đôi khi có thể bị sốc nhiễm khuẩn, theo một báo cáo của Văn phòng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Trung Quốc.
Ông Bruce Aylward, trợ lý tổng giám đốc WHO, đồng thời là người dẫn đầu phái đoàn của WHO tới Trung Quốc đã xem xét dữ liệu từ 56.000 trường hợp nhiễm bệnh, tiến triển từ nhẹ, hoặc trung bình đến nặng. Việc tìm hiểu tiến trình của căn bệnh và xác định đối tượng có nguy cơ cao nhất là rất quan trọng, giúp tối ưu hóa quá trình chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Khoảng 10-15% bệnh nhân từ nhẹ đến trung bình tiến triển nặng và trong số đó, 15-20% tiến triển tới nguy kịch. Bệnh nhân có nguy cơ cao nhất bao gồm những người từ 60 tuổi trở lên và có bệnh nền như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch.
Hình ảnh lâm sàng cho thấy bệnh Covid-19 diễn biến khác hẳn so với cúm thông thường, ông Jeffery K. Taubenberger thuộc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia ở Maryland, Mỹ nhận định. Ông Taubenberger cũng từng nghiên cứu về sự lây nhiễm ở các bệnh nhân vào đợt cúm Tây Ban Nha (1918).
Covid-19 lây truyền từ người sang người thông qua tiếp xúc với các giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc thở.
Theo ông Taubenberger, quá trình nhiễm bệnh thường bắt đầu từ trong mũi. Khi vào bên trong cơ thể, Covid-19 xâm chiếm các tế bào biểu mô tuyến có chức năng bảo vệ đường hô hấp. Nếu virus tồn tại ở đường hô hấp trên, tình trạng của bệnh nhân ít nghiêm trọng hơn. Nhưng nếu virus xuống khí quản tới ngóc ngách của hệ hô hấp, bệnh tiến triển tới một giai đoạn nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân đến từ viêm phổi gây ra bởi virus cộng với tổn thương thứ phát do phản ứng miễn dịch của cơ thể.
Khi đó, cơ thể ngay lập tức cố gắng khắc phục những tổn hại trong phổi. Các tế bào bạch cầu tập trung tiêu diệt mầm bệnh và giúp chữa lành các mô bị tổn thương. Thông thường, nếu quá trình này diễn ra suôn sẻ, cơ thể có thể loại bỏ virus chỉ sau vài ngày.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhiễm bệnh nặng hơn, cơ chế phản ứng này sẽ diễn ra quá mạnh mẽ, dẫn đến việc phá hủy không chỉ các tế bào bị nhiễm virus, mà cả các mô khỏe mạnh. Tổn thương biểu mô lót khí quản và phế quản có thể dẫn đến việc mất tế bào sản xuất chất nhầy bảo vệ phổi, cũng như những sợi lông nhỏ, hoặc lông mao, quét bụi bẩn và dịch tiết ra khỏi phổi.
Từ đó, cơ thể người bệnh không còn khả năng ngăn chặn virus tấn công ở đường hô hấp dưới. Kết quả là phổi dễ bị nhiễm vi khuẩn thứ cấp xâm lấn.
Thủ phạm tiềm tàng bao gồm vi trùng thường trú ngụ trong mũi,cổ họng và vi khuẩn kháng kháng sinh phát triển mạnh trong bệnh viện, đặc biệt là môi trường ẩm ướt của máy thở.
Nhiễm vi khuẩn thứ cấp là một mối đe dọa đặc biệt nguy hiểm vì chúng có thể tiêu diệt các tế bào gốc đường hô hấp chịu trách nhiệm trẻ hóa mô. Nếu không có các tế bào mô này, cơ thể không tự chữa lành được những tổn thương ở phổi. Phổi bị tổn thương có thể khiến các cơ quan quan trọng cần oxy như thận, gan, não và tim suy yếu nhanh chóng.
David Morens, cố vấn khoa học cao cấp cho Giám đốc của Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, cho biết, khi người bệnh nhiễm virus, mọi thứ bắt đầu "đi xuống" theo nghĩa đen. Tình trạng sức khỏe bắt đầu xấu đi quá ngưỡng cho phép, cơ hội phục hồi càng nhỏ.
Điều này có thể sẽ xảy ra sớm hơn ở người già, Giáo sư Stanley Perlman tại Đại học Iowa, Mỹ nhận định. Ông đã nghiên cứu về các loại virus corona trong suốt 38 năm.
Tuy nhiên, không ít những người trẻ tuổi và khỏe mạnh nhiễm Covid-19. Một ví dụ là bác sĩ Lý Văn Lượng, 34 tuổi, một trong những người đầu tiên cảnh báo về nCoV ở Vũ Hán. Anh đã mắc bệnh và qua đời ngày 6/2.
Đám tang của bác sĩ Lý Văn Lượng ở Vũ Hán ngày 6/2. Ảnh: Reuters |