Quả bom nhân khẩu học đe dọa các quốc gia phát triển

Tỷ lệ sinh của Singapore đạt mức 1,05 trong năm 2022. Đây là mức thấp nhất mọi thời đại. Giống như nhiều quốc gia phát triển, tổng tỷ suất sinh của đảo quốc sư tử đã giảm trong nhiều năm. Ngày càng có nhiều người nước này trì hoãn kết hôn. Trong khi đó, nhiều cặp vợ chồng hiện tại cũng không còn hào hứng với việc có con hoặc sinh ít con hơn.
Dân số Việt Nam thay đổi theo hướng "già hóa", thiếu hụt nữ giới ngày càng trầm trọng Hàn Quốc đối mặt tỷ lệ sinh thấp kỷ lục
Quả bom nhân khẩu học đe dọa các quốc gia phát triển
Tỷ lệ sinh ở Singapore đạt mức thấp nhất mọi thời đại (Ảnh: Straitstimes)

Tuổi thọ trung bình của người dân đảo quốc sư tử đã tăng lên hơn 83 tuổi so với 72 vào năm 1980. Đến năm 2030, ước tính khoảng một phần tư công dân nước này từ 65 tuổi trở lên.

Điều đó đã gây ra nhiều thách thức trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế khi lực lượng lao động trong nước suy giảm; Còn lực lượng lao động nhập cư tăng với tốc độ chậm hơn.

Do đó, Chính phủ Singapore đang nghiên cứu triển khai thêm nhiều biện pháp như tăng cường hỗ trợ cho các bậc cha mẹ từ thời gian nghỉ sinh được trả lương cho tới yêu cầu các công ty sắp xếp công việc linh hoạt cho họ.

Các gia đình lần đầu có con và những cặp vợ chồng trẻ sẽ được ưu tiên trong việc đăng ký mua căn hộ. Chính phủ cũng sẽ tặng quà là tiền mặt cho trẻ sơ sinh.

Theo kết quả khảo sát mới đây của Hiệp hội nghiên cứu an sinh xã hội Hàn Quốc, chỉ có 4% phụ nữ độc thân ở độ tuổi 20 và đầu 30 tại xứ sở kim chi cho rằng việc kết hôn và sinh con là cần thiết. Khảo sát cũng chỉ ra 12,9% nam giới độc thân trong cùng độ tuổi đồng ý kết hôn và sinh con là việc cần làm với phụ nữ.

Quả bom nhân khẩu học đe dọa các quốc gia phát triển

Đây là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh ở nền kinh tế thứ 4 Châu Á giảm mạnh. Theo Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, năm 2022, tổng cộng 249.000 trẻ em được sinh ra tại nước này, giảm 4,4% so với mức kỷ lục thấp nhất từng được ghi nhận năm 2021. Số con trung bình mà một phụ nữ Hàn Quốc sinh trong đời là 0,78. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 1970 khi cơ quan thống kê bắt đầu tổng hợp dữ liệu liên quan. Con số này thấp hơn nhiều so với mức cần thiết 2,1 để duy trì dân số Hàn Quốc ổn định ở 51,5 triệu người.

Xu hướng này không chỉ diễn ra tại Châu Á mà còn xảy ra ở nhiều quốc gia phát triển khác trên thế giới. Mỹ từng là một trong số ít quốc gia phát triển có tỷ lệ sinh đảm bảo mỗi thế hệ có đủ con để thay thế. Khoảng 10 năm trước, tỷ lệ sinh ở Mỹ ước tính là 2,1 trẻ em trên một phụ nữ. Tuy nhiên, theo số liệu ghi nhận năm 2020, con số này đã giảm xuống khoảng 1,6 - tỷ lệ thấp nhất được ghi nhận.

Tình trạng dân số giảm cũng trở thành nỗi lo của Châu Âu trong những năm gần đây. Theo nhận định của Cơ quan thống kê Châu Âu, chỉ tính riêng khu vực Liên minh Châu Âu, nơi chiếm hơn một nửa dân số lục địa già thì cơ cấu dân số năm 2020 và 2021 đã giảm liên tục. Từ tháng 1/2021 đến tháng 1/2022, dân số EU đã giảm từ 447 triệu xuống còn 446,8 triệu.

Quả bom nhân khẩu học đe dọa các quốc gia phát triển
Tỷ lệ sinh thấp là mối lo của nhiều quốc gia

Là thành viên của Liên minh Châu Âu, Italy đang đối mặt bài toán nhân khẩu học nghiêm trọng với một nửa số dân hơn 47 tuổi, trong khi số lượng trẻ em mới sinh giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1861. Theo Cơ quan Thống kê quốc gia Italy, tỷ lệ sinh tại nước này đã giảm tới 30% chỉ trong hơn 10 năm.

Tờ Telegraph (Anh) nhận định, dân số Châu Âu trong thế kỷ XXI có thể giảm khoảng một nửa. Giới chuyên gia cho rằng thực trạng này xuất phát từ chi phí nuôi con cao; Sự bất bình đẳng giới; Phụ nữ ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong công việc và xã hội; Tư tưởng về hôn nhân và gia đình thay đổi; Tăng trưởng kinh tế chậm trong bối cảnh dịch COVID-19 và căng thẳng địa chính trị… khiến nhiều gia đình thận trọng trong việc sinh con.

Tình trạng giảm dân số và dân số già sẽ kéo theo nhiều hệ lụy nặng nề cả về phương diện kinh tế và xã hội. Trong ngắn hạn, một xã hội với dân số già sẽ dẫn đến thiếu hụt nhân lực và giảm năng suất lao động. Về lâu dài, số người trong độ tuổi lao động giảm sẽ khiến nguồn thu từ thuế giảm, trong khi chi phí cho lương hưu và chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng, từ đó gia tăng gánh nặng lên hệ thống an sinh xã hội.

Để thích nghi với xu hướng này, nhiều chuyên gia cho rằng, các nước cần đề ra những sáng kiến giảm gánh nặng tài chính, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, an sinh để khuyến khích tăng tỷ lệ sinh.

Bên cạnh đó, việc nâng tuổi nghỉ hưu, mở rộng chương trình nhập cư, tận dụng máy móc và trí tuệ nhân tạo cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nguồn nhân lực, từ đó nâng cao ổn định kinh tế và xã hội, đặt nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Ngọc Ly
Phiên bản di động