Dân số Việt Nam thay đổi theo hướng "già hóa", thiếu hụt nữ giới ngày càng trầm trọng

Mất cân bằng giới tính ở mức cao có thể làm Việt Nam thừa đến 2,5 triệu nam giới trong khoảng 40 năm nữa. Chuyên gia cũng đặt dấu hỏi liệu dân số Việt Nam có già trước khi giàu?
Dân số vàng và nguy cơ… “chưa giàu đã già”?

Sáng 18/12, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê tổ chức Hội nghị Công bố kết quả nghiên cứu chuyên sâu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.

Kết quả tổng điều tra dân số nhà ở năm 2019 đã được công bố từ tháng 12 năm ngoái. Tiếp theo kết quả này, Tổng cục thống kê thực hiện nghiên cứu phân tích chuyên sâu một số chủ đề dân số gồm: mức sinh, mất cân bằng giới tính khi sinh, di cư và đô thị hóa, già hóa dân số; đồng thời dự báo dân số Việt Nam giai đoạn 2019 - 2069.

Dân số Việt Nam thay đổi theo hướng "già hóa", thiếu hụt nữ giới ngày càng trầm trọng
Quang cảnh hội nghị

Nghiên cứu này tiếp tục cung cấp bằng chứng về thực trạng, xu hướng, các nhân tố ảnh hưởng tới dân số để phục vụ công tác hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và giám sát các Mục tiêu phát triển bền vững mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện.

“Với sự quyết tâm và chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp từ Trung ương đến địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã được thực hiện rất thành công với nhiều điểm mới, mang tính đột phá; đặc biệt, ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian điều tra, sớm công bố kết quả và tiết kiệm kinh phí”, Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê Nguyễn Thị Hương chia sẻ.

Dân số Việt Nam già hóa nhanh chưa từng thấy

Theo công bố trong Hội nghị, dân số Việt Nam đang già hóa với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Cả nước có 11,4 triệu người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên (chiếm 11,86% tổng dân số). Trong đó, đáng lưu tâm là xu thế nữ hóa dân số cao tuổi, người cao tuổi sống một mình.

Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, tính đến hết năm 2019, cả nước có 11,4 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 11,86% dân số, trong đó có khoảng gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên. Dự báo, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già vào năm 2035, khi tỉ lệ này tăng lên tới 20% với khoảng 21 triệu người cao tuổi. Việc già hóa dân số nhanh một phần là do mức sinh giảm.

PGS.TS Giang Thanh Long, trường đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi thu nhập trung bình. Với tốc độ già hóa như hiện tại, rất có thể dân số Việt Nam sẽ phát triển theo xu hướng già trước khi giàu.

Dân số Việt Nam thay đổi theo hướng "già hóa", thiếu hụt nữ giới ngày càng trầm trọng
PGS.TS Giang Thanh Long trình bày về vấn đề già hóa dân số

Như vậy, cần phải có chính sách kéo dài thời gian có thời gian có dân số vàng ccàng lâu càng tốt để giàu lên kịp thích ứng với thay đổi. Để hướng tới mô hình già hóa dân số khỏe mạnh, cần quan tâm tới cả ba yếu tố: kinh tế, sức khỏe và xã hội.

Dự báo dân số cũng đã được thực hiện theo 3 phương án (trung bình, thấp, cao) dựa trên 3 kịch bản về thay đổi mức sinh gắn với kịch bản về tử vong và kịch bản về di cư. Dự báo theo phương án trung bình, đến năm 2039 Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ cơ cấu dân số vàng. Dự báo, thời kỳ dân số già sẽ kéo dài trong 28 năm (giai đoạn 2026-2054), sau đó là thời kỳ cơ cấu dân số rất già (giai đoạn 2055-2069).

"Trước đây, VIệt Nam triển khai chương trình điều chỉnh và hạn chế mức sinh. Điều này dẫn đến quá trình già hóa dân số nhanh. Bởi vậy, đây là lúc Việt nam điều chỉnh khung pháp lý và chính sách, sao cho tuân thủ hoàn toàn các nguyên tắc đề ra tại Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển, nghĩa là mỗi cá nhân và cặp đôi có quyền quyết định tự do lựa chọn và có trách nhiệm về số con, thời gian sinh và khoảng cách giữa các lần sinh", bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết.

Mất cân bằng giới tính ở Việt Nam cao thứ ba thế giới

Các phân tích chuyên sâu của Tổng cục Thống kê cho thấy tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh đáng kể ở Việt Nam. Vấn đề này được phát hiện từ 15 năm trước. Theo số liệu 2019, tỷ lệ giới tính khi sinh ở Việt Nam là 111,5 trẻ em trai/100 trẻ em gái, cao thứ ba thế giới (mức bình thường theo tự nhiên và sinh học là 105 trẻ em trai/100 trẻ em gái.

Đã có những bằng chứng thuyết phục cho thấy đây là kết quả của việc thực hành chọn lựa giới tính thai nhi, xuất phát từ tâm lý ưa thích con trai ăn sâu vào truyền thống văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam.

"Lựa chọn giới tính trên cơ sở giới là hành vi cần ngăn chặn xét từ góc độ quyền con người và bình đẳng giới. Mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh sẽ sớm ảnh hưởng tới tình trạng hôn nhân trong dân số Việt Nam khiến mức sinh giảm sau hơn nữa. Vì vậy, cần huy động những nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa trên toàn quốc để triển khai các khung pháp lý và chính sách, hướng đến phòng chống thực hành lựa chọn giới tính trên cơ sở giới, coi trọng giá trị của trẻ em gái và thúc đẩy bình đẳng giới nói chung", Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nói.

Dự báo trong tương lai, nếu tỷ số giới tính khi sinh vẫn giữ nguyên thì Việt Nam sẽ thừa khoảng 1,5 triệu nam giới vào năm 2034 và 2,5 triệu nam giới vào 2059.

Kết quả nghiên cứu chuyên sâu còn cho thấy, mức sinh của Việt Nam hiện đang duy trì quanh mức sinh thay thế và sẽ làm giảm tốc độ tăng dân số trong tương lai. Dự báo trong vòng 10 năm tới, dân số Việt Nam sẽ chỉ tăng 1%. Ngoài ra, xu hướng di cư và tác động của di cư đến đô thị hóa và phát triển kinh tế - xã hội cũng sẽ là những vấn đề nổi lên trong thời gian tới.

“ Điều này sẽ tác động lớn đến nguồn lực lao động cũng như các vấn đề xã hội mới nảy sinh. Những thông tin này cung cấp các bằng chứng quan trọng làm cơ sở cho việc xây dựng và hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới”, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.

Huyền My
Phiên bản di động