Qua 5 năm có 258 tổ chức, cá nhân vi phạm khai thác khoáng sản
Quốc hội chất vấn 2 Bộ trưởng |
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, sáng 4/6, đại biểu Lý Văn Huấn (đoàn Thái Nguyên) cho biết, công tác thanh tra, kiểm tra là một trong những giải pháp nhằm giảm thiểu, hạn chế tình trạng khai thác tài nguyên trái phép cũng như gây ô nhiễm môi trường.
Những điều này cũng được thể chế hóa tại Điều 227 Bộ Luật Hình sự quy định về tội vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên trái phép.
Đại biểu Lý Văn Huấn (đoàn Thái Nguyên). |
"Qua công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ trưởng có kiến nghị xử lý những vụ việc vi phạm như thế nào. Đặc biệt là đối với kiến nghị xử lý đối với các vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự và giải pháp của Bộ trưởng trong thời gian tới để tăng cường công tác thanh tra để xử lý những hành vi vi phạm này?", đại biểu Huấn nêu vấn đề.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, theo Luật Khoáng sản năm 2010 và Nghị định hướng dẫn của các bộ ngành, hoạt động khai thác khoáng sản được phân cấp quản lý mạnh ở địa phương, đặc biệt là vật liệu xây dựng. Bộ Tài nguyên và Môi trường phân luồng kiểm tra cùng các bộ ngành và địa phương.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn. |
Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ ngành liên quan đã tăng cường kiểm tra, giám sát cùng các địa phương. Qua 5 năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có 12 cuộc thanh tra và 40 cuộc kiểm tra chấp hành về khoáng sản với tổng số 933 lượt giấy phép, phát hiện 258 tổ chức, cá nhân vi phạm, đã ban hành 258 quyết định xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền 30 tỷ đồng.
Qua thanh tra, kiểm tra, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhận thấy, các chủ dự án mỏ đã sai phạm về công suất cho phép, khai thác ra ngoài ranh giới, hoặc khai thác nhưng không đảm bảo điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xử lý nghiêm các sai phạm này, nhất là sai phạm có tính liên tục, nối tiếp, sau đó sẽ chuyển sang cơ quan chức năng điều tra để xử lý.
Thời gian tới, dự thảo Luật Địa chất, khoáng sản sẽ phân cấp mạnh hơn nữa cho các địa phương. Với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường đội ngũ thanh tra, kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành và địa phương, thanh tra, xử lý để phát hiện sớm, xử lý sớm việc khai thác khoáng sản, đảm bảo không thất thoát, khai thác trái phép nguồn tài nguyên này.
Có thể xin gia hạn thời gian khai thác mỏ cátĐại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) cho biết, hiện nay có một số doanh nghiệp khai thác cát đã hết thời gian được khai thác theo giấy phép. Các doanh nghiệp này rất mong muốn kéo dài thời hạn. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu rõ quan điểm của mình về vấn đề này? Về vấn đề này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, thời gian cấp phép mỏ tối đa là 30 năm, các mỏ được phép gia hạn nhiều lần, tổng thời gian không quá 20 năm, nghĩa là tuổi thọ của một mỏ theo luật là 50 năm. Như vậy, trường hợp các mỏ sau khi khai thác 30 năm mà đang còn trữ lượng, chủ mỏ đã thực hiện đầy đủ, bài bản các giấy tờ thủ tục, thực hiện đúng nghĩa vụ thuế với Nhà nước, nghĩa vụ bảo vệ môi trường, trước khi hết hạn 45 ngày, chủ mỏ cần làm hồ sơ đề xuất để xin gia hạn. Các cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét hồ sơ để quyết định việc tiếp tục giao mỏ theo quy định. |