Phú Thọ: Trung tâm y tế huyện điều trị thành công thiếu niên bị rắn độc cắn

Ngày 26/8, Trung tâm y tế huyện Yên Lập (huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) cho biết, thiếu niên bị rắn độc cắn dẫn đến liệt cơ hô hấp đã hoàn toàn bình phục và xuất viện vào ngày 25/8.
Bệnh nhân bị rắn hổ mang chúa cắn tiên lượng nặng Diễn biến sức khoẻ của người đem cả con rắn hổ mang cắn mình đến bệnh viện

Ngày 26/8, Trung tâm y tế huyện Yên Lập (huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) cho biết, thiếu niên bị rắn độc cắn dẫn đến liệt cơ hô hấp đã hoàn toàn bình phục và xuất viện vào ngày 25/8.

Trước đó, ngày 16/8/2020, em Đ.X.L (14 tuổi, ở xã Xuân Viên, huyện Yên Lập) bị rắn cắn vào đốt số 4 bàn chân trái. Do bị rắn cắn bất ngờ nên gia đình không xác định được loại rắn. Đáng chú ý, sau bị rắn cắn L. xuất hiện các triệu chứng bị nhiễm độc nên gia đình lập tức đưa đến Trung tâm Y tế huyện Yên Lập.

phu tho trung tam y te huyen dieu tri thanh cong thieu nien bi ran doc can
Bệnh nhân điều trị ở trung tâm y tế huyện Yên Lập. Ảnh: BVCC

Khi đến Trung tâm Y tế, em L nhanh chóng được các Bác sỹ tại khoa Cấp cứu, hồi sức tích cực và Chống độc trấn an, thăm khám và làm các cận lâm sàng cần thiết. Ngón 4 chân trái của người bệnh có vết răng xước dài 3cm, không chảy máu, không bầm tím đã được xử trí vệ sinh và cho dùng thuốc.

Tiến hành chụp X-quang phổi, các bác sĩ nhận thấy hình ảnh lan tỏa hai bên trường phổi (nhu mô phổi 2 bên kém sáng dày thành phế quản). Sau khoảng 7 tiếng từ khi bị cắn, em L. khó thở nhiều, đau nhiều vùng cổ, không nói được, vật vã kích thích, tím môi và gốc mũi, phổi thông khí giảm.

Nhận định người bệnh nhiễm độc tố gây liệt cơ hô hấp, bác sĩ đã tư vấn, giải thích phương pháp cấp cứu và người nhà đã đồng ý để tiến hành đặt nội khí quản. Ngay sau đó, em L. được đặt ống nội khí quản với máy thở IPPV đồng thời theo dõi chỉ số sinh tồn qua máy Mornitor 7 thông số.

Bệnh nhân đồng thời được dùng thuốc qua truyền tĩnh mạch, đặt sonde túi dẫn lưu, sonde dạ dày và hút đờm dãi, cứ cách mỗi 4 tiếng được cho ăn cháo và sữa qua ống sonde. Sau 10 ngày điều trị tích cực, Em L. đã phục hồi hoàn toàn, khỏe mạnh để ra viện trở về tiếp tục đi học.

Bác sỹ Chuyên khoa I Đinh Xuân Hạnh, Trưởng khoa CC, HSTC&CĐ Trung tâm y tế Yên Lập chia sẻ: “Theo ghi nhận của chúng tôi, cứ vào mùa mưa số bệnh nhân nhập viện cấp cứu do bị rắn độc cắn lại gia tăng. Nếu sơ cứu khi bị rắn độc cắn không đúng cách, nạn nhân có nguy cơ bị hoại tử chi, nhiễm trùng máu, hay thậm chí là tử vong. Hầu hết các vết rắn cắn xảy ra trên các chi, sau khi bị rắn độc tấn công nạn nhân sẽ có các biểu hiện như: Đau rát nghiêm trọng tại vết thương trong vòng 15 – 30 phút; Vết cắn sau đó có thể sưng nề và bầm tím, đôi khi lan rộng lên khắp cánh tay hoặc chân và gây hoại tử da; Các dấu hiệu khác bao gồm: Buồn nôn, khó thở và cảm giác cơ thể yếu dần đi, thấy có mùi vị kỳ lạ trong miệng, nói khó, mờ mắt, khó thở, liệt toàn thân, loạn nhịp tim,… và rất dễ tàn phế hoặc tử vong do liệt các cơ hô hấp. Tuỳ thuộc vào các triệu chứng của người bệnh bị rắn độc cắn, chúng tôi sẽ tiến hành cấp cứu, điều trị bằng truyền huyết thanh kháng nọc rắn phù hợp, truyền dịch chống sốc, hỗ trợ hô hấp cho người bệnh bằng thở oxy hoặc đặt nội khí quản.”

Sơ cứu khi bị rắn cắn

• Không để bệnh nhân tự đi lại. Bất động chân, tay bị cắn bằng nẹp (vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn).

• Cởi bỏ đồ trang sức ở chân, tay bị cắn (vì có thể gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề).

• Áp dụng biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường), băng ép bất động để làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt.

- Dùng các băng chun giãn, băng vải hoặc tự tạo từ khăn, quần áo. Băng tương đối chặt nhưng không quá mức (còn sờ thấy động mạch đập). Bắt đầu băng từ ngón chân, tay đến hết toàn bộ chân, tay bị cắn. Dùng nẹp cứng (nẹp, miếng gỗ, que, miếng bìa cứng,...) cố định chân, tay bị cắn.

- Không băng ép khi rắn lục cắn vì có thể làm vết thương nặng thêm.

• Có thể chích nặn rửa vết cắn dưới bòi nước sạch với xà phòng rồi sát trùng.

• Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay,..). Nếu có dấu hiệu ngừng tuần hoàn thì tiến hành hồi sinh tổng hợp ngay tại chỗ và chờ nhân viên y tế đến.

• Vận chuyển bệnh nhân bằng phương tiện đến cơ sở y tế đồng thời duy trì băng ép, bất động, để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim, nếu ở chân, tay thì có thể để thõng tay hoặc chân.…

• Chú ý: Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện như trường hợp rắn độc cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu. Nếu trễ sau 24-48 giờ, kết quả điều trị rất kém hoặc không hiệu quả.

TS.BS. Lê Xuân Dương

Khoa Cấp cứu – Bệnh viện TƯQĐ 108.

D.Minh
Phiên bản di động